Khi học trò lấy “số má” bằng dao búa

Khi học trò lấy “số má” bằng dao búa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Chỉ từ những lý do đôi khi hết sức vớ vẩn như một cái nhìn thấy “ghét” hay va chạm khi đá bóng, những “anh chị” học trò sẵn sàng vác mã tấu đến “đòi mạng” kẻ “có tội”. Nạn nhân không chỉ là học sinh mà còn có cả những thầy cô giáo trực tiếp dạy dỗ chúng.

Kéo lê mã tấu trên đường, thấy “áo trắng” là chém

Sau buổi thi học kỳ, nhóm của Thái và Tấn rủ nhau đi đá bóng. Vì dều là học sinh năng khiếu TDTT nên hai đội thi tài quyết liệt với nhiều pha bóng đẹp mắt. Theo giao kèo, đội thua phải trả tiền thuê sân và nước giải khát, trị giá khoảng 200.000 đồng. Do quá nặng tính ăn thua nên những pha tranh chấp bóng ngày càng quyết liệt hơn.

Trong một tình huống cản phá pha ghi bàn của Tấn, Thái – hậu vệ của đội còn lại đã lăn xả vào bóng nhưng trúng chân Tấn làm Tấn bị ngã, bỏ lỡ cơ hội ghi bàn. Đội của Tấn thua và phải trả tiền trong nỗi ấm ức. Cú ngã khá đau làm cho chân của Tấn bị cà nhắc, Tấn cho rằng nhóm kia cố tình chơi xấu nên kêu những học sinh khác trong nhóm rút về trước để đón đường đánh Thái phục hận.

Trong khi đó, nhóm của Thái không hề hay biết nên vẫn vô tư ngồi lại uống nước. Khi cả hội ra về, vừa ra khỏi sân bóng một đoạn, Thái bị Tấn đập ngay một cục đá vào đầu và bồi thêm một ống sắt. Tấn ra tay chớp nhoáng và vô cùng hiểm ác khiến Thái không kịp trở tay. Chừng đó chưa hả giận, Tấn tiếp tục huy động lực lượng đón lõng Thái để đánh tiếp. Lần này, chúng dùng cả dao dài, mã tấu, ống sắt, gach đá rượt chém, đánh, ném xối xả. Tấn đứng ngoài “chỉ huy” đàn em ra tay.

Ảnh minh họa

Không chỉ trả thù Thái, Tấn còn hăng máu trút giận lên những người vô can. Những học sinh cùng đội với Thái có mặt ở đó đều bị đánh, chém, có người mất cả bàn tay phải do giơ tay lên đỡ đường dao chí mạng. Những người nhanh chân chạy thoát cũng nhận vài ống sắt vào lưng và đầu. Chỉ đến khi những người dân xung quanh chạy đến can ngăn, nhóm côn đồ mới chịu bỏ đi.

Sau khi truy sát nhóm của Thái, nhóm này còn vô tư kéo lê dao, mã tấu trên đường tìm người chém tiếp. Khi nhìn thấy Khánh, một học sinh không hề liên can đến vụ ẩu đả, chúng lập tức xông vào đuổi chém chỉ vì Khánh mặc chiếc áo na ná với áo của nhóm học sinh trước. May mắn chạy thoát nên Khánh mới thoát chết mà vẫn không hiểu lý do vì sao mình bị đuổi đánh.

“Xử” cả thầy cô giáo

Trong lớp của thầy H. tại một trường THCS huyện Lấp Vò, Đồng Tháp có một nữ sinh nhà giàu vô cùng ngổ ngáo. Dù có khuôn mặt xinh xắn nhưng sách vỡ của cô nữ sinh thì nhàu nát và cáu bẩn hết chỗ nói. Một ngày, thầy H. cho cả lớp làm bài kiểm tra môn văn. Bài làm của nữ sinh nọ chỉ có vài đoạn, đa phần bỏ trống và chữ viết thì không thể đọc ra. Tức giận, thầy H. phê vào bài làm hai từ “cẩu thả” và cho điểm 3.

Nhận lại bài kiểm tra, cô nữ sinh không hề lo lắng về điểm số mà chỉ chằm chằm nhìn vào lời phê rồi suy nghĩ. Nghĩ mãi không hiểu thầy giáo muốn nói gì, cô đem về hỏi bố. Bố cô nữ sinh là một cán bộ ở địa phương nhưng có cách dạy con quái đản. Ông giải thích cho cô: “Cẩu là chó, là thả rông, là đi hoang. Ý thầy nói mày là đồ chó hoang”. Tức giận vì nghĩ bị thầy giáo sỉ nhục, cô học trò quyết tâm trả thù. Hôm sau, cô không đến lớp mà âm thầm ra chợ mua “vũ khí” để phục kích tấn công thầy H. Đến cuối buổi chiều khi thầy H vừa dắt xe ra cổng đã phải hứng trọn hàng chục quả trứng thối vào mặt. Vừa ném, cô còn hét to: “Ông dám nói tôi cẩu thả, coi tôi là chó hả”. Thầy H chỉ đứng chết trân, nói như mếu: “Hết nói nổi học trò”.

Sau vụ việc, cô nữ sinh bị đình chỉ học tập 1 năm, còn cha cô cũng cũng kỷ luật tại cơ quan vì dạy hư con gái.

Trong lần thi lại môn hóa học năm học 2008 – 2009, Trần Đăng, khi đó là học sinh lớp 10 của một trường THPT huyện Long Mỹ, Hậu Giang đã sử dụng tài liệu, vi phạm quy chế thi và bị lập biên bản. Đăng bị trượt và không được lên lớp. Gia đình xin cho Đăng chuyển lên TP. Cần Thơ học nhưng trong thâm tâm, Đăng vẫn oán thầy giáo P. vì đã bắt “phao” mình. Đăng nung nấu ý định trả thù thầy. Một buổi tối khi thầy P. cùng đồng nghiệp uống nước tại một quán cà phê, Đăng cũng đang ngồi uống nước trong quán. Thầy P. nhớ ra cậu học trò cũ nên mỉm cười chào Đăng, nhưng Đăng lại cho rằng đó là nụ cười nhạo. Đăng đã lấy hai cái ly thủy tinh màu trắng có sẵn trên bàn uống nước đuổi theo hành hung thầy P. Vừa mới giáp mặt, Đăng dùng tay đập ly vào đầu và mặt thầy P. Bị đánh bất ngờ, thầy P hỏi: “Tại sao đánh tôi”, Đăng ngang nhiên trả lời: “Thấy ghét thì đánh”. Thầy P sau đó được đưa đi cấp cứu và tổn hại 25% sức khỏe. Hành động trái với đạo lý “tôn sư trọng đạo” và đạo đức xã hội của Đăng đã bị tòa án tuyên phạt mức án nghiêm khắc 36 tháng tù giam.

Những học sinh có “máu anh chị” chỉ cần một lý do đơn giản, cỏn con là có thể gây ra những vụ “huyết chiến động trời”. Ông Năm Đàn (Kiên Giang), người từng chứng kiến rất nhiều vụ học sinh hỗn chiến cho hay: “Học sinh bây giờ sành lắm, còn đi học mà nhậu nhẹt, yêu đương tùm lum. Mà nhậu vào là cãi cọ, rồi đánh nhau rần rần”. Không những vậy, những gương mặt học trò non choẹt này còn sẵn sàng đánh cướp để lấy tiền tiêu xài, chơi game, thậm chí hút chích heroin. Chỉ vì muốn lấy “số má” với các băng nhóm khác trong trường học, nhiều học sinh sẵn sàng vác dao, mã tấu đâm chém kinh hoàng để ra oai.

Gia Bảo