Khi nhà cao tầng hóa nhà tranh mái lá

Khi nhà cao tầng hóa nhà tranh mái lá

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
– Mỗi mùa mưa bão, những người dân sinh sống tại các khu tập thể cũ, xây dựng lâu năm và bị xuống cấp về cơ sở vật chất lại phải hứng chịu không ít những khó khăn. Nhiều người có cảm tưởng họ như đang sống trong những ngôi “nhà tranh mái lá” .

Mùa mưa đến, cảnh ngập đường gây ách tắc giao thông và những xáo trộn về sinh hoạt khi mưa gió, giông bão đã trở thành nỗi ái ngại của không ít người dân Hà Nội. Nhưng có lẽ đối với nhiều người, những ám ảnh đó sẽ dừng lại khi họ trở về với ngôi nhà ấm cúng, khang trang, với căn hộ chung cư cao cấp rộng rãi và đầy đủ tiện nghi.

Còn đối với những gia đình sống tại các khu chung cư cũ, đã xây dựng lâu năm và xuống cấp, những lo lắng của họ còn nặng nề hơn.

Nước mưa hòa cùng nước bể phốt

Đến khu chung cư C16, C17, C18 (Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) sau một đêm mưa, người ta vẫn còn thấy cảnh con đường dẫn vào lầy lội, trũng nước và trơn bóng những mảng rêu. Trên lối lên cầu thang nhỏ hẹp và thiếu ánh sáng thi thoảng lại vương vãi vài mảnh vôi vữa, ve quét bị bong tróc từ trên bờ tường rơi xuống.

Lỗi vào chắp vá và dày rêu mốc

Các căn hộ trong khu tập thể này được xây dựng đã hơn 20 năm. Trải qua nhiều năm sử dụng và cải tạo tự phát nhằm khắc phục sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng, kết cấu của các khu tập thể đã có ít nhiều thay đổi. Mỗi gia đình trong tầm khả năng kinh tế của mình đã tự sữa chữa, tân trang cho không gian riêng để đảm bảo cuộc sống. Riêng đối với những hạng mục công trình thuộc về của chung thì sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.

Trao đổi vơít Nguoiduatin.vn, bà Nguyễn Thị Hồng Nhân – tổ trưởng tổ dân phố C17, C18 cho biết: “Trong khu tập thể đã có một số ngôi nhà bị rạn nứt. Những hộ nào ở trên tầng chót thường dễ dàng bị nguy cơ giột, thấm nước mạnh khiến gian phòng lúc nào cũng ở trong tình trạng ẩm ướt. Đối với các cầu thang, đặc biệt là cầu thang ở tầng 1 thì thường xuyên xảy ra tình trạng bong tróc bờ tường, hắt nước, giột nước mỗi khi mưa to. Vì thế mỗi khi mưa, các hộ thường hạn chế đi lại”.

Sống cùng gia đình tại tầng 1 của khu C18, ông Nguyễn Văn Hợi lại bày tỏ nỗi ái ngại về cảnh mỗi lần mưa to, nước ngập lênh láng lối đi: “Hệ thống thoát nước đã tồn tại từ lâu nên không còn phù hợp với thực trạng bây giờ. Chỉ cần mưa to khoảng một hai tiếng là lối vào đã ngập rồi. Nước bị ngập thường không thoát nhanh và ứ đọng rất lâu. Ai muốn đi về nhà lại phải lội bì bõm, rất bất tiện và mất vệ sinh.

Bể phốt bị rò rỉ tại khu C17 Nguyễn Quý Đức

Đặc biệt, trong khu còn xuất hiện sự cố rò rỉ bể phốt. Ngày nắng đã khổ vì đủ các mùi hôi thối khó chịu, ngày mưa còn phải dầm chân dưới nước mưa lẫn nước từ bể phốt trào lên”.

Nhắc đến những khó khăn khi mùa mưa đến, ông Hợi cũng không quên kể cho chúng tôi những ngày tháng khốn đốn khi Hà Nội hứng chịu đợt cơn úng ngập lịch sử năm 2008.

Chẳng dám mời khách đến chơi vì sợ nhà... sập

Rời khu Thanh Xuân Bắc, Nguoiduatin.vn tìm đến một khu chung cư có “tuổi thọ” đã khá lâu năm – nhà E6 Khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội). Khu nhà được xây dựng từ những năm 70 dường như không còn chịu nổi sức nặng sau hàng chục năm.

Góc tường của khu dân cư đông đúc giống như bị bỏ hoang lâu ngày

Hai phòng đầu cùng phần cầu thang từ tầng 3 trở lên gần như bị tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của cả khu nhà. Dường như mỗi lần lên tầng, ai cũng ý thức được việc cần phải đặt bước chân thật nhẹ nhàng bởi chỉ nhìn cảnh tượng đó thôi ai cũng sợ rằng, chỉ cần bước mạnh hơn thì những bậc cầu thang sẵn sàng tách xa ra và bức tường cao vợi ở tầng năm sẽ đổ sụp xuống dưới chân.

Cầu thang và tường nhà bị tách rời

Như được dịp giãi bày nỗi lo lắng, bà Trương Thị Lương sống tại Phòng 404 khu nhà E6 chia sẻ: “Cứ mỗi khi mưa to gió lớn, chúng tôi lo lắm. Lo nhất là đổ nhà. Nhìn cây cối bên ngoài bị gió quật gãy, tôi chỉ sợ ngôi nhà cũng lung lay rúc rắc như thế.

Mấy đợt mưa giông, thi thoảng tôi cứ phải chạy ra ngoài hiên vì lo ở trong nhà nếu có xảy ra sự cố gì thì còn kịp chạy. Bọn trẻ con cũng rất hãi hùng, chúng thường xuống các tầng dưới để ngồi chờ mưa tạnh”.

Mái hiên nhỏ hẹp thường xuyên bị mưa hắt

“Sống trong một khu tập thể giữa trung tâm thành phố, nhiều khi mình có cảm giác như đang sống ở những ngôi nhà tranh. Mưa to gió lớn thì bị ngập lụt đường đi, mái hiên nhỏ hẹp không đủ sức tránh mưa cho phòng ở khiến trời cứ mưa là bị hắt và tràn nước vào phòng. Giông gió mạnh làm cho những “chuồng cọp” ở bên ngoài cứ rung lắc khiến mình cứ sợ ngôi nhà vốn đã lún nứt nghiêm trọng này sẽ có nguy cơ sụp đổ.

Phòng ở gần cầu thang bị tách, nứt thế này mình cũng ít khi mời bạn bè khách khứa đến chơi bởi mình sợ những nguy hiểm biết đâu đến một lúc nào đó sẽ xảy ra” – chị Nguyễn Mai Lan sống tại phòng 303 E6 khu tập thể Thành Công lo lắng.

Thực trạng về sự xuống cấp cơ sở vật chất của những khu chung cư cũ, đặc biệt là khi mùa mưa bão đến thực sự là một mối lo ngại lớn đối với người dân đang sinh sống tại đây.

Lan can tầng 3 gia cố tạm bợ

Bà Trương Thị Khánh Hòa – tổ trưởng tổ 59 E6 cho biết: Về biện pháp trước mắt, tổ dân phố đã nhiều lần đóng góp tiền để sữa chữa khu nhà, xây cột đỡ dầm, căng dây thép để ghì lan can… Còn về biện pháp lâu dài, khu nhà cũng chỉ biết kiên trì trông đợi vào kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới khu tập thể của UBND thành phố Hà Nội”.

Phạm Hạnh