Khó giải quyết hết độc tố trong lòng đất

Khó giải quyết hết độc tố trong lòng đất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ung thư "rình rập" để cướp đi tính mạng của con người, thế nhưng việc giải quyết triệt để độc tố tồn tại đến nay lại là một vấn đề nan giải.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, giảng viên Viện Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, việc nạo vét, mang đất bị ô nhiễm đi chỉ có tác dụng đối với phạm vi nhỏ hẹp ấy

Án ngữ tại cánh đồng Mả Lọ, thôn Thiệu Tổ (Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) hàng chục năm nay, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật của Công ty Cổ phần DVNN&PTNT đã gây ra bao sóng gió cho người dân nơi đây. Ngoài việc hít thở không khí nhiễm độc, người dân phải chịu thêm việc dùng nguồn nước ngầm ô nhiễm.

Thế nên, sau rất nhiều lần kiến nghị, đình công đòi đập phá kho chứa của dân làng Thiệu Tổ, vào năm 2008, bên môi trường của tỉnh Vĩnh Phúc đã có hướng xử lý thủ công bằng cách nạo vét toàn bộ số đất trong kho chứa thuốc độc hại nhiều nhất. Thế nhưng, việc nạo vét này mới chỉ dùng lại ở con số một kho nhỏ.

Theo kiến nghị của người dân, việc nạo vét đất mang đi chỉ là một phần nhỏ trong khi kho chứa này quá rộng lớn. Ngay những bức tường được xây dựng bao nhiêu năm nay đã ngấm quá nhiều thuốc sâu cũng cần phải được dỡ bỏ. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, trưởng thôn Thiệu Tổ cho biết: "Nhân dân thôn tôi chỉ có mong muốn chuyển hoàn toàn kho chứa thuốc bảo vệ thực vật này đi nơi khác. Bên cạnh đó là việc nạo vét đất xung quanh khu vực nhà kho, bởi đây là khu vực ô nhiễm nặng".

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, giảng viên viện Vật lý Kỹ thuật, trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, việc nạo vét, mang đất bị ô nhiễm đi chỉ có tác dụng đối với phạm vi nhỏ hẹp ấy. Với những diện tích lớn hơn thì rất khó, lại khá tốn kém. Hơn nữa, đất ô nhiễm ấy đào đi thì đổ ở đâu, có được xử lý trước khi đổ không? Về lâu về dài, cần có các biện pháp sinh học như trồng các cây thủy sinh, lau sậy đối với những vùng đầm hồ nước bị ô nhiễm. Còn với mạch nước ngầm, việc xử lý nước bị nhiễm độc là vô cùng khó. Để hạn chế nguy hại đối với người sử dụng, cách tốt nhất là khi khoan nước, phải kiểm tra các lỗ khoan để đo nồng độ ô nhiễm, sau đó mới có các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế tối đa nguy hại.

Có thể nói đến thời điểm này, việc xử lý các kho thuốc trừ sâu có từ ngày xưa là một vấn đề nan giải và đau đầu. Bởi thuốc sâu là những hợp chất bền, khó phân hủy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống. Đặc biệt là đối với các loại thuốc trừ sâu từ thời xưa (các loại thuốc sâu thời xưa có rất nhiều thành phần chất kịch độc, bị nghiêm cấm sử dụng ở châu Âu: DDT (những năm 1980, chất này mới bị cấm sử dụng ở Việt Nam) Gama - Lindane (Lindane là chất độc trong thuốc trừ sâu có công thức chung là C6H6Cl6)...

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Trung, Cục quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, về trường hợp kho thuốc của Công ty Cổ phần DVNN&PTNT tại khu đồi Mả Lọ (thôn Thiệu Tổ), phía cơ quan đã nắm được tình hình sơ bộ. Tuy nhiên, phía Cục hiện chưa thể có câu trả lời chính xác về mức độ độc hại cũng như ảnh hưởng do tàn dư thuốc sâu nơi đây.

"Phía Cục quản lý chất thải và cải thiện môi trường đang chờ kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên&Môi trường bởi hiện nay, chưa rõ chất độc hại ngấm vào đất, vào nước là những chất nào. Tổng cục Môi trường đã có văn bản yêu cầu sở TNMT tỉnh báo cáo, tiếp đó, dựa trên kết quả xác thực mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc điều tra thì mới có kết quả làm căn cứ", ông Trung khẳng định.

Nói về các biện pháp làm giảm tối đa tồn dư hóa chất còn tồn đọng trong môi trường sinh thái xã Trung Nguyên, ông Trung nói thêm: "Hiện nay có rất nhiều biện pháp để xử lý đất nhưng phải làm một cách tổng thể. Nếu đất ô nhiễm nặng thì sẽ xử lý bằng cách múc đất đó lên, nếu ở mức độ nhẹ thì xử lý bằng biện pháp sinh học". Cũng theo ông Trung, ô nhiễm không khí do thuốc sâu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt là ngày có gió. Bên cạnh đó, về việc ô nhiễm nguồn nước thì phải xác định được cụ thể nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật ngấm xuống là gì mới có hướng giải quyết cụ thể.

Cùng trao đổi với PV về vấn đề còn tồn tại trên, GS. Nguyễn Lân Hùng, tổng thư kí Hội Các ngành Sinh học Việt Nam cho biết, không chỉ riêng xã Trung Nguyên mà rất nhiều tỉnh trong cả nước đều tồn tại những kho thuốc bảo vệ thực vật tương tự. Mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân đã thấy rõ, tuy nhiên, qua nhiều năm, các độc tố nguy hiểm đã ngấm sâu vào lòng đất, không thể tiêu hủy hết được. GS. Nguyễn Lân Hùng cũng bày tỏ lo ngại về việc, có nhiều biện pháp đưa ra để giải quyết ô nhiễm nhưng kinh phí thực hiện là cả vấn đề nan giải, nên giao trách nhiệm cụ thể cho phía Cục Bảo vệ thực vật.

D.Y - H.M