Khoảng 700.000 SV sẽ ra ngoại thành học

Khoảng 700.000 SV sẽ ra ngoại thành học

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Ngày 07/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị trực tuyến về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ dạy nghề và kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành Hà Nội và TPHCM.

Theo tính toán của Bộ GD- ĐT, để di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành đối với Hà Nội, cần khoảng 44.800 tỷ đồng (tương đương 2,240 tỷ USD), đối với TPHCM cần khoảng 47.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD).

Bộ Xây dựng kiến nghị không nên giữ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn nội đô, đặc biệt là những trường có quỹ đất quá nhỏ (dưới 2ha).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng nêu rõ, từ năm 2011 sẽ không tiếp nhận hồ sơ thành lập mới hoặc nâng cấp cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trong nội thành TP Hà Nội và TP HCM.

Ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh yêu cầu giảm mật độ sinh viên trong nội thành Hà Nội từ gần 500.000 sinh viên năm 2011 xuống còn khoảng 150.000 sinh viên vào năm 2030.

Trường Đại học Ngoại thương - một trong những trường nằm trong diện di dời

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ GD&ĐT tiếp tục bàn bạc với UBND TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về tiến độ di dời các trường ĐH, CĐ, nhưng không nên kéo dài tới 2030 mà chậm nhất chỉ đến năm 2025.

Để tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở mới, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đưa ra các phương án: đấu giá diện tích đất cơ sở cũ (phần cho công trình thương mại, dịch vụ); nhà nước hỗ trợ vay vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay ưu đãi, TP cho vay kích cầu; thực hiện các hình thức đầu tư BOT, BT và PPP …

Góp ý cho quy hoạch này, phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Phí Thái Bình đề nghị thống nhất các tiêu chí di dời, để các trường sớm được biết mình đi hay ở và TP.Hà Nội bổ sung vào kế hoạch ngân sách sử dụng đất.

Tại Hà Nội sẽ giảm mật độ SV trong nội thành Hà Nội giảm từ 478.856 SV năm 2011 xuống còn khoảng 150.000 SV vào năm 2030. Như vậy, giảm 2/3 tổng số sinh viên ĐH, CĐ đang học ở các cơ sở đào tạo trong nội thành hiện nay ra các khu quy hoạch và theo đó, cần giảm khoảng 320.000 SV, tương đương với số trường cần phải di dời là khoảng 40 trường.

Tương tự, tại TPHCM số trường di dời cũng sẽ khoảng 40 trường. Giảm mật độ SV đại học từ 516.544 năm 2011 xuống còn khoảng 170.000 SV vào năm 2030. Theo đó, 2/3 tổng số sinh viên ĐH, CĐ đang học ở các sở đào tạo trong nội thành hiện nay ra các khu quy hoạch.

Thứ trưởng bộ Tư pháp Hoàng Thế Liêm đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ GD&ĐT thẩm định và xác định những trường nào phải đi, họ đi đâu. Về chính sách, đối với cơ sở cũ cho phép dùng làm vốn đầu tư cho cơ sở mới; trong quy hoạch đất ở trường mới, dành một diện tích nhất định dành cho các cán bộ, giáo viên ở, được mua theo giá ưu đãi (giá gốc). Cần nói rõ chính sách, minh bạch và có quyết định sớm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh đề nghị không nên thành lập Quỹ đầu tư trong giáo dục ĐH vì đây là quỹ phi lợi nhuận, cần phải có bộ máy hoàn chỉnh hoạt động.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc giữ lại các trường ĐH lớn có truyền thống lịch sử với kiến trúc đẹp trong nội đô của 2 thành phố. Đồng thời, yêu cầu trước 10/7, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng các trường ĐH, CĐ thuộc thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Hoàng Nguyên