Khởi tố kiện tướng quốc gia vì

Khởi tố kiện tướng quốc gia vì "dính" ma túy

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Từ một vận động viên có một sự nghiệp lẫy lừng, với liên tiếp các danh hiệu vô địch quốc gia, thế nhưng khi chuyển sang làm huấn luyện viên (HLV), bi kịch liên tục ập tới với Vương Thành Lê. Buồn chán và thất vọng, lại thêm những khó khăn trong việc mưu sinh, Lê đã tìm đến ma túy để mong giải quyết được tất cả...

Những ngày tươi đẹp

Vương Thành Lê (SN 1980), trú tại phường Hưng Bình, TP.Vinh (Nghệ An) đam mê môn karatedo và khao khát trở thành một võ sỹ tên tuổi. Niềm ước ao đó đã thôi thúc Lê ngày đêm luyện tập để tạo cho mình một chỗ đứng. Sau thành công ở một số giải phong trào cấp thành phố, năm 14 tuổi, cơ duyên đã đưa Lê gặp ông Lê Ngọc An là HLV karatedo tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ.

Sau đó, bằng sự cố gắng của mình, trong suốt nghiệp vận động viên (VĐV) kéo dài từ năm 1994 đến cuối năm 2002, Lê đã gặt hái được vô số thành công. Hầu như năm nào, Lê cũng mang HCV, HCB về cho đoàn karatedo của tỉnh Nghệ An ở giải toàn quốc và trở thành một trong những người trẻ tuổi nhất ở trung tâm được phong Kiện tướng quốc gia môn karatedo.

Tháng 1/2003, khi mới 23 tuổi, Lê đã được Trung tâm huấn luyện TDTT tỉnh Nghệ An đôn lên làm HLV thay cho ông Lê Ngọc An đã đến tuổi nghỉ hưu.

Có những ngày thành vinh quang khi khoác áo VĐV, Vương Thành Lê được tin tưởng sẽ thành công trên cương vị mới. Thực tế, dưới sự huấn luyện của Lê, đoàn karatedo tỉnh nhà cũng đã có rất nhiều khởi sắc và thu được không ít thành công ở các giải quốc gia.

Khi công việc đã ổn định, Lê kết hôn với HLV xinh đẹp của môn cầu mây Hồ Thị Thuận. Tưởng rằng, vợ chồng cùng làm một lĩnh vực thì có thể hiểu và thông cảm cho những vất vả của nhau, nhưng với Lê và Thuận, mọi thứ lại không như vậy. Sau ngày cưới chỉ khoảng vài năm, giữa đôi bên bắt đầu nảy sinh bất đồng và những điều không tốt đẹp cũng diễn ra ngay sau đó.

Bước ngoặt bi kịch

Năm 2009, nghiệp HLV của Lê bước sang một ngã rẽ mới mà có lẽ chính Lê cũng không ngờ tới. Trong một lần lên lớp, do quá bức xúc với cậu học trò tên là Nguyễn Đình Tiềm, Lê đã "nói chuyện" bằng tay chân và đôi bên đã xảy ra xô xát. Sau vụ đó, gia đình người học trò đã làm đơn tố cáo gửi Trung tâm vì cho rằng, Lê đã vi phạm đạo đức của một người thầy. Vì việc này Lê đã phải nhận án kỷ luật của Trung tâm, bị tạm đình chỉ công tác 3 tháng.

Hết thời gian trên, khi tái cơ cấu công việc cho anh, phía Trung tâm cũng không cho Lê giữ chức HLV nữa mà bố trí anh làm quản lý học sinh nội trú. Vị trí mới với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng cùng không ít dèm pha từ đồng nghiệp, khiến Lê chán nản.

Lúc này, cuộc hôn nhân của Lê lại càng mong manh hơn bao giờ hết. Lê đã cố gắng thuyết phục vợ nghĩ cho tình cảnh của anh và vun đắp cho cuộc sống gia đình, nhưng vô ích. Họ ly thân trong nỗi buồn chán thất vọng tột độ của Lê. Sau đó, Lê về sống với mẹ đẻ tại phường Hưng Bình, đồng thời xin phép Trung tâm được dành nhiều thời gian cho việc học nâng cao trình độ tại Trường Đại học TDTT Từ Sơn, với hy vọng sẽ sớm được lãnh đạo Trung tâm cho trở lại vị trí HLV.

Tuy nhiên, khi chính thức cùng Thuận ra tòa để chấm dứt cuộc hôn nhân, Lê vẫn bị sốc. Một số người cho biết, thời điểm bị bắt, ngày 22/3/2011, lẽ ra Lê phải có mặt ở trường để học nốt 2 kỳ cuối. Họ cho rằng, rất có thể bi kịch gia đình cùng rắc rối trong công việc là nguyên nhân dẫn đến việc làm trái pháp luật của Vương Thành Lê.

Bà Nguyễn Thị Biên, mẹ của Lê không cầm được nước mắt khi kể về con trai mình: "Là đứa con hiền lành, lớn lên đã chịu nhiều thiệt thòi, nhưng nó vẫn tu chí. Đến khi cuộc sống dần ổn định thì bị vợ bỏ, công việc lại không suôn sẻ. Những điều không may đó khiến nó buồn, chán nản và có thể bị bạn bè lôi kéo, nên mới dính vào ma túy".

Môi trường phức tạp?

Từ câu chuyện cựu HLV Vương Thành Lê bị bắt vì ma túy, người ta mới chợt giật mình, bởi hình như Nghệ An, cái chết trắng ăn sâu vào thế giới thể thao.

Còn nhớ sau những năm 2000, người hâm mộ cả nước thực sự sốc nặng khi hay tin, tiền vệ tài hoa Phan Thanh Tuấn của CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) bị nghiện ma túy. Tưởng rằng, Tuấn là cầu thủ đặc biệt với rất nhiều mối quan hệ bên ngoài nên dễ bị lôi kéo, rồi sinh ra nghiện ngập nhưng không ngờ sau này, những cầu thủ trẻ mới trưởng thành từ lò SLNA cũng bị thui chột tài năng vì nàng tiên nâu. Trong 3 năm, SLNA phải đuổi liên tiếp 2 cầu thủ trẻ liên quan đến ma túy là Nguyễn Văn Ý và đội trưởng đội U19 Lưu Văn Hiền. Năm 2008, người ta còn choáng váng hơn khi Nguyễn Hồng Việt, một phát hiện mới của bóng đá Việt Nam cũng bị bắt ngay tại cổng CLB SLNA vì tàng trữ ma túy.

Không chỉ có ma túy, các tệ nạn xã hội khác cũng đeo bám một số vận động viên thể thao ở Nghệ An. Năm 2009, cán bộ CLB SLNA bị bắt trên chiếu bạc trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Còn năm 2010 vừa rồi, dư luận sửng sốt với việc cầu thủ Phùng Bảo Quốc, U15 SLNA rủ bạn phá két ATM trộm tiền. Trước đó, Nguyễn Thị Hương Trà, VĐV môn karatedo bị lên án gay gắt vì tham gia vào một vụ đánh bạn, bị phát tán trên mạng. Và cách đây chưa đầy 1 tháng, Quốc Vượng khiến người ta một lần nữa phải nhắc đến mình, khi có thông tin anh bị bạn gái đâm...

Nói về chuyện này, ông Nguyễn Như Tam, Giám đốc Trung tâm huấn luyện TDTT Nghệ An phân trần: "Các HLV, VĐV đều được tuyển chọn rất kỹ trước khi ký hợp đồng với Trung tâm. Hằng năm, theo định kỳ khoảng 2 tháng 1 lần, chúng tôi bắt tất cả phải xét nghiệm máu và kiểm tra y tế. Ngoài ra, Trung tâm cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, và vận động các học viên chăm lo học văn hóa. Tuy nhiên, do môi trường ở đây quá phức tạp, nên ngoài thời gian nằm trong sự kiểm soát của Trung tâm, HLV, VĐV đều có thể bị lôi kéo bởi những kẻ xấu ở bên ngoài. Việc cựu HLV Vương Thành Lê bị bắt là khá bất ngờ, vì bình thường Lê hiền lành, điềm đạm và được nhiều người quý mến. Dù sao với việc vừa xảy ra, chúng tôi lại có thêm một bài học, và chắn chắn Trung tâm sẽ phải tiếp tục xem xét lại việc quản lý và giáo dục đạo đức cho cán bộ, VĐV toàn trung tâm".

Việc một số cán bộ, VĐV thể thao Nghệ An liên tục có những hành vi phạm tội, phi đạo đức cho thấy khâu quản lý của các đơn vị chủ quản có vấn đề. Nên chăng, cần thắt chặt hơn việc quản lý, giáo dục đạo đức cho các VĐV, nếu không cơn bão ma túy và các tệ nạn xã hội sẽ còn hoành hành.

Nhóm PV