Không nên dùng chuyện ma quỷ để lưu giữ di tích văn hóa

Không nên dùng chuyện ma quỷ để lưu giữ di tích văn hóa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
(Nguoiduatin) Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa Phát triển, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nếu những giếng vuông thực sự có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử thì chắc chắn phải giữ lại.

Tuy nhiên, cần xem xét phương pháp lưu trữ lịch sử sao cho khoa học nhất. Theo PGS.TS Lê Quý Đức, người dân kể những chuyện ma quỷ, tâm linh quanh giếng để truyền lại cho con cháu biết gìn giữ những chiếc giếng cổ, độc đáo này là việc hoàn toàn không nên làm. Việc đưa ra những thông tin đó có tác hại ghê gớm. Hơn nữa, việc họ lấy những chuyện ma mãnh quanh giếng, thần thánh hóa chuyện giếng sụt lún khi san lấp để lịch sử thì quả thật là nhảm nhí.

Xã hội - Không nên dùng chuyện ma quỷ để lưu giữ di tích văn hóa

Gia đình ông Bồng lập miếu thờ "thần giếng"

PGS.TS Lê Quý Đức còn cho biết thêm, thời đại ngày nay, không ai còn đem mấy chuyện mê tín đó ra dùng tuyên truyền, giáo dục lớp trẻ nữa. Thay vì dân làng đua nhau đồn thổi mấy chuyện ma quỷ, hồn vong, hãy tuyên truyền bằng chính những giá trị lịch sử gắn với giếng cổ. “Bởi, tôi được biết, những giếng cổ có niên đại 6 thế kỷ ở nước ta rất hiếm. Để giếng luôn đầy nước, các cụ ngày xưa dò tìm rất kĩ mạch nước để đào. Ngay ở Ba Thá, xã An Viên Ứng Hòa (Hà Nội) cũng còn 1 vài giếng cổ, nước trong và quý giá. Khi những giếng vuông cổ này có giá trị lịch sử đích thực thì chẳng cần chêm xen những chuyện tâm linh, ma quỷ, vẫn giữ được những yếu tố cổ đó. Người dân nên suy nghĩ theo lối duy vật, khoa học chứ không thể nghĩ tất cả mọi thứ theo hướng duy tâm”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban Văn hóa xã Bá Hiến cho biết: “Hiện nay, chúng tôi còn lưu giữ được gần hai mươi giếng cổ hình vuông trong xã. Các giếng cổ còn giữ được khá nguyên vẹn từ tang giếng (thành giếng) bằng đá và tấm lót giếng bằng gỗ lim. Các giếng cổ của làng cũng trải qua không ít thăng trầm, đó là thời kỳ vận động xã viên vào hợp tác xã. Người ta đã vận động dân làng lấp các giếng cổ vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ phong kiến để đào giếng mới. Thế nhưng, khi lấp xong, những giếng mới lại cạn nước, không dùng được nên người dân lại tìm đến những giếng cổ để khơi đất lên và giếng cổ có nước đầy ắp trở lại. Việc người dân đồn thổi về bóng dáng người thiếu nữ hàng đêm tôi cũng đã từng nghe qua. Tuy nhiên, có lẽ do mọi người suy nghĩ tâm linh và mường tượng ra. Cũng có thể, thế hệ trước muốn lưu giữ nét văn hóa nên dựng lên câu chuyện để con cháu không dám lấp đi”.

Trước đó, thời gian qua trên cả nước cũng xuất hiện thông tin về những giếng nước kỳ bí. Được biết, người dân đồn đoán uống nước giếng “thần” ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên, Nghệ An) sẽ sinh được con trai. Khi thông tin này được đưa ra, các cặp vợ chồng hiếm muộn tứ phương đổ xô đến xin nước.

Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Soa, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thông khẳng định, đây là chuyện đồn thổi của người dân chứ chưa có công trình khoa học nào lý giải. Không riêng Nghệ An, nhiều vợ chồng muộn con tại Đồng Nai thời gian gần đây nườm nượp kéo đến ấp Hưng Hiệp (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) xin uống nước giếng để sinh con. Lãnh đạo xã Hưng Lộc khẳng định đó là do người dân phỏng đoán, thêu dệt.

Dương Yến