Kịch ứng tác lần đầu công diễn ở Việt Nam

Kịch ứng tác lần đầu công diễn ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Nhóm Sân khấu Nháp vừa trình diễn vở "Người lạ" theo phong cách này tại Hà Nội. Nội dung mà "Người lạ" muốn truyền tải là cách nhìn nhận và mối quan hệ giữa người đàn ông và phụ nữ trong xã hội.

Cả ba đêm diễn cùng thể hiện vấn đề, nhưng là những cách hoàn toàn khác nhau, khi thì là quan hệ giữa hai người đồng nghiệp, khi thì là hai chị em và có khi là hai người bạn khác giới đồng trang lứa. Vở kịch là hành trình đi khám phá mâu thuẫn giữa hai giới tính nam và nữ, song cũng chỉ ra hai đối trọng là tính nam và tính nữ trong bản thân mỗi con người. Cả hai đang trong hành trình khám phá đối phương, và khám phá chính bản thân. Họ tìm nhau, chối bỏ nhau vì những sự khác biệt. Để rồi họ nhận ra rằng mình cần nhau, tìm kiếm bản ngã của nhau để hoàn thiện chính mình.

Sự kiện - Kịch ứng tác lần đầu công diễn ở Việt Nam

Vở kịch đã mang đến cho khán giả cái nhìn đa chiều về mối quan hệ giữa những người khác giới trong xã hội bằng những vai diễn khác nhau, đó là một cách thể hiện hoàn toàn mới mẻ. Người xem có thể tự chiêm nghiệm bản thân trong những vai diễn của nghệ sỹ. Điều đọng lại sau ba đêm diễn là sự sáng tạo tuyệt vời của những nghệ sỹ khi đóng những vai trò khác nhau của vở kịch.

Hình thức sân khấu không kịch bản cũng là hình thức lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đồng đạo diễn người Anh, Robert Hale thường mở đầu mỗi đêm diễn bằng câu nói đơn giản: "Bạn không biết điều gì sẽ xảy ra, và chúng tôi cũng không biết điều gì sắp đến". Mọi sự sáng tạo trên sân khấu đều là ngẫu hứng của các nghệ sỹ thể hiện. Họ sẽ thay nhau hỏi và trả lời nhằm minh họa cho chủ đề được khám phá.

Khán giả cũng là những người góp phần không nhỏ cho thành công của vở diễn. Trước mỗi đêm diễn, họ được phát những tờ giấy để ghi lại câu trả lời của mình cho những vấn đề như: Điều gì không thể thay đổi ở người đàn ông/ đàn bà?", “Điều gì gây ra sự mâu thuẫn giữa đàn ông và đàn bà?”. Đó là chất liệu để hai nghệ sỹ thể hiện trên sân khấu. Lần đầu tiên trên sân khấu kịch, khán giả có thể tham gia xây dựng nội dung vở diễn và là chất xúc tác cho sự thăng hoa của người nghệ sỹ.

Tuy nhiên, chất liệu của vở diễn không chỉ đến từ khán giả, kinh nghiệm sống của diễn viên đóng vai trò quan trọng và họ sẽ phải bộc lộ bản thân rất nhiều trong từng khoảnh khắc của vở diễn. ý Lan cho biết: "Mỗi nghệ sỹ cần phải rèn luyện khả năng ứng tác và khám phá trải nghiệm của mình, của bạn diễn để đưa chính những trải nghiệm đó lên sân khấu. Bạn diễn của chị, Bảo Khiêm thì chia sẻ: "Điều khác biệt ở sân khấu không kịch bản là khán giả sẽ sống với cảm xúc của diễn viên trong từng khoảnh khắc một, chứ không phải xem diễn viên diễn trên sân khấu và cảm nhận theo cảm xúc của họ”.

"Người lạ" lần đầu tiên ra mắt khán giả tại sân khấu kịch Black Box (56 Nguyễn Khuyến- Hà Nội) và gần như đã được khán giả đón nhận tích cực. Đó là một tín hiệu vui cho sân khấu nước nhà khi mà kịch nói dường như đã từ lâu mất đi lượng lớn người yêu thích. Sân khấu không kịch bản rất có thể sẽ trở thành một trào lưu mới cho môn nghệ thuật thứ sáu trong thời gian tới.

Chân dung người tiên phong

Sân khấu đồng sáng tạo- không kịch bản (devised theatre) không còn mới mẻ ở phương Tây, nhưng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Dự án do Sân khấu Nháp và các chuyên gia sân khấu đến từ Anh là Robert Hale và Paul Brugess đồng thực hiện với sự hỗ trợ sản xuất từ Life Art và tài trợ của Quỹ hỗ trợ nghệ thuật Hội Đồng Anh.

Sân khấu Nháp là sân khấu cộng đồng đầu tiên của chúng ta, được thành lập từ năm 2006 bởi Phan ý Ly, thạc sỹ đầu tiên của Việt Nam theo học chuyên ngành Nghệ thuật và truyền thông trong công tác phát triển xã hội tại Anh. Phan Ý Ly đã từng du học qua nhiều nước như Anh, Ấn Độ, Kenya... và từng làm rất nhiều công việc như thực tập sinh, người mẫu nghiệp dư, người mẫu quảng cáo hay tiếp viên hàng không... Đó chính là nguồn tư liệu sống dồi dào để cô gái sinh năm 1981 này có thể thành công trong vai trò sáng lập và quản lý Sân khấu Nháp.

Thu Xuân