Kỳ 2:

Kỳ 2: "Làm ngơ" cho doanh nghiệp khai thác lộng hành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
"Việc vận chuyển khoáng sản không kèm theo hóa đơn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó cơ quan thuế không có đủ lực lượng để thường xuyên kiểm tra", phó cục trưởng Cục thuế Bắc Giang nói.

Mạnh ai nấy đào

Theo tài liệu nghiên cứu thăm dò khảo sát khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, sét chịu lửa - một loại tài nguyên chủ yếu dùng làm vật liệu xây dựng (VLXD) được phân bổ chủ yếu trên địa bàn huyện Tân Yên, Việt Yên, Bắc Giang với trữ lượng khoảng 100 triệu m3. Với một nguồn tài nguyên "dồi dào" như vậy thì đã có không ít các doanh nghiệp đến hoạt động khai thác trên địa bàn huyện Việt Yên.

Xã hội - Kỳ 2: 'Làm ngơ' cho doanh nghiệp khai thác lộng hành

Đường vào mỏ

Theo một số người dân địa phương cho biết, từ khoảng 3 tháng nay, tính từ đầu mùa mưa và cũng là khi con đường liên xã (từ trung tâm xã Trung Sơn đến Quán Rãnh) nằm trên địa phận thôn Nhẫm, xã Trung Sơn được khởi công thì việc "đào bới" của công ty Toàn Sáng mới được dừng lại. Lý do tạm dừng vì làm đường nên các loại xe vận tải loại lớn không thể đi qua đây được. Lần theo sự chỉ dẫn, một khung cảnh có thể cho là khá "thơ mộng" cũng đã hiện ra. Nằm giữa trung tâm của cánh đồng là cả một khu hồ rộng lớn, ước tính đến cả chục mẫu.

Ông Thái Văn Thân, nguyên bí thư chi bộ Thôn Nhẫm cho biết: Họ (đơn vị thực hiện việc "cải tạo ruộng lúa thành hồ nuôi trồng thủy sản") đền bù rẻ lắm, chỉ khoảng 4, 5 triệu/sào. Sau đó họ ngày đêm "đào bới". Hàng ngày có đến vài chục chuyến xe tải loại lớn ra vào khu vực này, và công việc chủ yếu là chở đất đi nơi khác. Khi được hỏi đất chở đi đâu thì không ai biết.

"Họ đào sâu lắm, có khi phải đến 5, 6m. Đất ở dưới đó khi được mang lên thì ko ai để ý là loại đất gì. Lúc đó nghĩ đơn thuần là họ chở đất đi đổ ở nơi khác. Sau này nghe nói ở khu vực này có mỏ đất sét thì chúng tôi mới hiểu rõ là họ lấy đất sét mang đi bán. Còn vài chỗ nữa cũng trong diện "đất phải cải tạo" như vậy trên địa bàn thôn Dĩnh Sơn, Sơn Quang thì họ đào lên, sau đó xúc hết "đất đẹp" đi, rồi họ lên gần khu đèo trên kia xúc đất đỏ trên đó về để lấp trả, còn một ít đất thịt họ phủ lên trên để cho bà con tiếp tục cầy cấy trở lại nhưng hiệu quả và năng suất kém lắm", ông Thân nói.

"Làm ngơ" cho doanh nghiệp lộng hành

Ông Nguyễn Văn Trường, phó chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: "Đây là dự án chuyển đổi từ mô hình ruộng cấy lúa một vụ chuyển sang nuôi trồng thủy sản mà huyện đã cho thôn làm hồ chứa nước để thực hiện sản xuất, phục vụ tưới tiêu đồng thời kèm với hỗ trợ của chính sách nhà nước. Khi làm hồ thì phải đào đất lên rồi mang đi đổ ở nơi khác".

Về loại đất mà Công ty Toàn Sáng đã mang đi "đổ" ở đâu và giá trị của nó như thế nào, ông Trường nói, "vì tôi mới về từ tháng 7/2010 nên không biết gì cả".

Nơi gọi là "hồ nuôi trồng thủy sản" thì "tất cả diện tích đất nông nghiệp ở khu vực này đều nằm trong diện đất lúa hai vụ", ông Thái Văn Thân cho biết. Câu hỏi đặt ra: Vậy mục đích đằng sau việc cải tạo đất trồng lúa thành "hồ nuôi trồng thủy sản" là gì? Phải chăng đây là một kiểu "biến tướng" của việc khai thác trái phép đất sét chịu lửa trên địa bàn huyện Việt Yên - Bắc Giang?

Ông Dương Tuấn Kha, phó cục trưởng Cục thuế cho biết: "Việc vận chuyển khoáng sản không kèm theo hóa đơn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó cơ quan thuế không có đủ lực lượng để thường xuyên kiểm tra. Một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản còn sang nhượng quyền khai thác mà không thông qua cơ quan chức năng.

"Không ít tổ chức, cá nhân mua gom đá, cát, sỏi của người khai thác nhỏ không có hóa đơn, chứng từ và không đăng ký kê khai thuế thay cho người khai thác khoáng sản theo quy định. Bên cạnh đó, chính quyền ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra chặt chẽ lượng khoáng sản mà các công ty khai thác để làm căn cứ thu phí. Các đơn vị không nộp phí BVMT chưa được xử lý nghiêm", ông Kha nói.

Lê Anh