Kỳ 4: Hai ngày Muhamad Ali tại Hà Nội

Kỳ 4: Hai ngày Muhamad Ali tại Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Cuối cùng, sau nhiều lần "mật phục" tôi cũng gặp được ông Hoàng Vĩnh Giang "cha đẻ" của quyền anh Hà Nội, người được giao đón tiếp huyền thoại Muhamad Ali trong những ngày huyền thoại này có mặt ở Hà Nội.

Ông kể cho tôi nghe toàn bộ chuyến đi của Muhamad Ali bằng tất cả cảm xúc của một người đam mê quyền anh, sống chết với môn võ đẹp mắt này. Một buổi chiều đầu thu, ông hẹn tôi tại phòng làm việc, số 12 Trịnh Hoài Đức (Hà Nội). Những thước phim về chuyến đi của Muhamad Ali được tái hiện qua lời kể của ông...

Cuộc gặp lịch sử

Sau chuyến dẫn đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic London, ông trở về Việt Nam nhưng vẫn bận bịu với bao công việc của một người suốt cả đời cống hiến cho thể thao nước nhà. Lúc ở Hà Nội, khi thì đi tổng kết ở Sài Gòn, sau nhiều lần khất hẹn cuối cùng ông mới sắp xếp gặp tôi tại phòng làm việc ở số 12 Trịnh Hoài Đức (Hà Nội). Căn phòng làm việc đơn giản của ông nằm trên tầng 2 của Trung tâm huấn luyện thi đấu thể thao, đối diện với sân vận động Hàng Đẫy. Căn phòng đơn sơ nhưng treo rất nhiều bức ảnh gắn liền với quá trình trưởng thành của thể thao Việt Nam. Những bức ảnh đó đã nói hộ lòng đam mê thể thao, cuộc đời gắn với thể thao của chủ nhân căn phòng.

Nghe/Xem - Kỳ 4: Hai ngày Muhamad Ali tại Hà Nội

Võ sĩ Như Cường ra đón huyền thoại Muhamad Ail khi ông đến phòng tập.

Gặp tôi ông buông lời..."dọa": "Tôi không phải dân boxing chính hiệu, nhưng chỉ vài chiêu cũng đủ quật ngã một thanh niên như anh", rồi hồ hởi trò chuyện: "Cậu muốn tìm thông tin về chuyến thăm Việt Nam của Muhamad Ali à, đó có lẽ là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời của tôi cho đến bây giờ". Không kịp để tôi hỏi thăm tình hình, ông Hoàng Vĩnh Giang đi thẳng vào chủ đề, trò chuyện say sưa về chuyến đi của Muhamad Ali. Cũng đúng thôi bởi cho đến nay, Hoàng Vĩnh Giang là người được tiếp xúc nhiều nhất, trò chuyện nhiều nhất với huyền thoại Muhamad Ali trong chuyến thăm đó.

Bằng chất giọng trầm ấm và đầy nhiệt huyết, ông nói về Ali với tất cả sự mến mộ, yêu quý dành cho một huyền thoại, ông chia sẻ. Năm 1994, võ sĩ huyền thoại thế giới Muhamad Ali đến thăm Việt Nam, đây là chuyến đi mang tính chất nhân đạo của tổ chức tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Trong chuyến đi đó, Ali được mời làm đại sứ và Việt Nam là một trong những điểm đến của đoàn này.

"Võ sĩ Muhamad Ali là niềm tự hào của quyền anh thế giới, ông ấy là một võ sĩ huyền thoại về nhiều mặt. Hiện nay Muhamad Ali được thế giới tôn vinh là võ sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại, bởi vì ở thời điểm đỉnh cao ông từng thắng võ sĩ bất khả chiến bại của thế giới. Nhưng quan trọng hơn nữa và gắn bó hơn nữa với nhân dân Việt Nam vì ông là người phản đối cuộc chiến chiến tranh ở Việt Nam. Chính ông đã chấp nhận bị treo găng, bị đi tù để phản đối gia nhập đội quân viễn chinh xâm lược Việt Nam. Chính vì thế, người dân Việt Nam rất mến mộ Muhamad Ali".

Trong chuyến thăm Việt Nam lần đó của Muhamad Ali, ông Hoàng Vĩnh Giang (Lúc bấy giờ là giám đốc Sở TDTT Hà Nội - PV) được giao trọng trách đón vị võ sĩ huyền thoại này. Có lẽ không có gì hạnh phúc bằng việc được cấp trên giao phó đón tiếp chính thần tượng của mình, người mà cả thế giới ngưỡng mộ. Ông Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ: "Vì Muhamad Ali là người quá nổi tiếng trong giới thể thao thế giới, cho nên khi được tin ông ấy sang thăm Việt Nam, lãnh đạo phân công ngành thể thao đón tiếp ông Muhamad Ali. Tôi vinh dự, may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với võ sĩ huyền thoại này. Bản thân tôi cũng là một người đam mê quyền anh, gắn liền với quyền anh Hà Nội và Muhamad Ali cũng là người mà tôi rất mến mộ. Gần hai mươi năm rồi nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm của buổi gặp mặt đó tôi vẫn thấy lâng lâng, hạnh phúc và nhiều cảm xúc khó tả".

Nghe/Xem - Kỳ 4: Hai ngày Muhamad Ali tại Hà Nội (Hình 2).

Ông Hoàng Vĩnh Giang, nhân chứng quan trọng trong chuyến thăm đặc biệt của Ali.

Câu nói đời người

Trong hai ngày ở Hà Nội, võ sĩ Muhamad Ali đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, sự giản dị, thân thuộc của tay đấm huyền thoại thế giới càng làm thắm tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Theo lời kể của ông Hoàng Vĩnh Giang, sau khi được lệnh đón tiếp Ali, ông đã mời các thành viên trong đoàn lênh đênh sông nước Hồ Tây. "Ngày ấy Hồ Tây còn hoang vu và đẹp lắm, khung cảnh rất nên thơ, hữu tình.

Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi mời Ali lên du thuyền Hồ Tây khám phá khung cảnh thơ mộng của hồ. Khi thấy đàn sâm cầm bay đi, Muhamad vừa ngắm nhìn và thích thú. Những cảnh tượng thanh bình đó dường như đã khơi dậy một điều gì đó trong ký ức của ông. Chợt ông thốt lên "quyết định chống quân dịch của tôi là hoàn toàn đúng đắn". Khi nghe ông nói vậy chúng tôi vô cùng xúc động. Hóa ra, trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó, còn có rất nhiều người Mỹ đã đứng lên phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam, Muhamad Ali là một trong những người như vậy. Có lẽ, đó là cái duyên nợ của ông với đất nước này", ông Hoàng Vĩnh Giang xúc động kể lại.

Ông Giang cho biết thêm, hôm đó anh em ai cũng muốn được lên thuyền để cùng giao lưu, trò chuyện với vị võ sĩ huyền thoại nhưng thuyền ngày đó không được rộng nên chỉ có một số người đặc biệt mời được lên, số anh em còn lại đi trên những chiếc thuyền khác cùng "hộ tống" cho thuyền của Ali. "Khi đó ông Ali đã mắc bệnh Parkinson, đi lại khá khó khăn, nhưng ông rất nhiệt tình với mọi người. Gặp ai ông cũng vui vẻ chào hỏi, những cái bắt tay thắm thiết. Cả con người ông toát lên sự bình dân, giản dị. Ông ăn tối vui vẻ với mọi người trên thuyền Hồ Tây", ông Hoàng Vĩnh Giang vui vẻ kể lại.

Sang ngày thứ 2, ông Hoàng Vĩnh Giang mời ông Muhamad Ali đến thăm câu lạc bộ Boxing Hà Nội, (đây cũng là nơi mà những bức ảnh về huyền thoại chụp với võ sĩ Việt Nam mà chúng tôi đã đăng ở các kỳ trước - PV). Khi nghe phiên dịch nhắc đến boxing, Muhamad Ali đứng bật dậy và bảo "OK! Go go". "Lúc đấy dường như căn bệnh Parkinson trong người ông tan biến đi đâu, trông ông nhanh nhẹn, máu lửa như thời trai trẻ, ông hăng hái đi ngay", ông Giang bồi hồi nhớ lại.

Tại phòng tập của mình lúc đó, tại 14 Trịnh Hoài Đức, cơ sở vật chất còn nghèo nàn lắm, và rất đơn giản. Khi đặt vấn đề đó ông ấy đang ngồi run run nhưng lập tức ngẩng lên, mắt sáng quắc nhìn phát sợ. Đưa từ khách sạn đến nhà thi đấu, khi đến nơi anh em và các VĐV đều rất xúc động, vui mừng được đón tiếp một nhân vật vĩ đại của quyền anh thế giới. Đến nơi, Muhamad Ali đeo găng vào, lúc này dù không còn trẻ trung nhưng trông Muhamad Ali vẫn rất nhanh nhẹn, máu lửa như thời hoàng kim. Lúc ông đeo găng vào rồi thể hiện là một nhà vô địch thế giới, không còn biểu hiện gì của Parkinson nữa. Như Cường hồi ấy là đội trưởng của đội trẻ Hà Nội, cũng hăng hái để "so găng" với Muhamad Ali. Chỉ 1 cú ra đòn của võ sĩ Muhamad Ali là Cường đã té sang một bên. Chiều hôm đó, ông đấu thử với 10 võ sĩ giỏi nhất của Hà Nội lúc đó, chỉ thiếu nước là ông chấp tất cả vào một lượt.

"Có thể nói sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của một võ sĩ được thể hiện cả khi ông mắc trọng bệnh. Tôi cho rằng đấy là cuộc gặp gỡ với một con người vĩ đại thực sự. Đây là một vinh dự cực kỳ lớn của thể thao Việt Nam, qua sự kiện Muahamad Ali thăm đội Hà Nội, phong trào quyền anh cũng đi lên hẳn, anh em chăm chỉ tập luyện. Sau đó cũng đạt được nhiều thành tích đáng khen. Bây giờ phong trào của nam yếu, nhưng nữ thì tốt, sẽ được đưa vào những môn chủ chốt đi thi Olympic. Hi vọng ngày nào còn sống Muhamad Ali sẽ được nhìn thấy VĐV của Việt Nam thi đấu thành công trên quốc tế", ông Giang cho biết.

Gần hai mươi năm đã qua đi, nhưng khi nhắc lại những giây phút lịch sử ấy, ông Hoàng Vĩnh Giang không dấu được sự tự hào, xúc động: "Mừng, sướng mà không cần biết ông đến bằng cách nào, được gặp ông ấy là thấy vui lắm rồi". Chia tay ông Hoàng Vĩnh Giang, người có nhiều duyên nợ với thể thao Việt Nam nói riêng và quyền anh nói chung, tôi vẫn ấn tượng mãi bởi câu nói của ông khi nói về chuyến thăm lịch sử của Ali tới phòng tập quyền anh Hà Nội: "Nhà thi đấu lúc đấy phọt phẹt lắm, nhưng có phọt phẹt như thế nào thì cũng đáng tự hào hơn rất nhiều nhà thi đấu hoành tráng khác trên thế giới, vì được chào đón một võ sĩ huyền thoại thế giới".

Phóng sự của Hà Khê

Kỳ 5: Cuộc hội ngộ đặc biệt sau gần 20 năm xa cách