Kỳ lạ về một loại tre mọc ngược ở Nghệ An

Kỳ lạ về một loại tre mọc ngược ở Nghệ An

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Loại tre này tưởng chừng chỉ còn lại trong truyền thuyết với những đặc điểm rất lạ: Tất cả cành tre đều đâm chúc đầu xuống đất rồi mới đâm thẳng lên trời.

Cả nước hiện còn lưu giữ khoảng dăm bụi và chỉ có tại miền núi phía Tây Nghệ An, đã tồn tại gần 1000 năm trong lịch sử.

Bà Thanh chỉ tay về nơi có loài tre mọc ngược

Đi tìm từ truyền thuyết

Trong một lần nói chuyện với PGS Ninh Viết Giao, Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, vô tình ông nhắc đến câu chuyện về một loại tre mọc ngược đã tồn tại gần 1.000 năm, hiện còn xuất hiện tại vùng núi phía Tây của Nghệ An. Ông bảo, loại tre với kiểu mọc khác người ấy có hình thù rất đặc biệt. Tất cả từ cành, gai đến thân cây đều mọc ngược.

Tài liệu nói rõ về nguồn gốc xuất xứ của loại tre này: Năm 1060, quân Ai Lao làm phản, sang đánh phá miền Tây Nghệ An, Lý Nhật Quang đem quân đi dẹp. Thắng trận, khi kéo quân về đến Khe Chè, mé dưới Thành Nam (huyện Tương Dương cũ, Con Cuông hiện tại), bà con địa phương ra đón rước, chúc mừng chiến thắng. Trước tấm lòng kính mến, vồn vã của bà con, ông hể hả cầm cái điếu cày, hút một hơi dài rồi đặt điếu xuống đất. Nào ngờ, cái điếu là một đoạn tre lộn ngược. Nên sau đó, từ chiếc điếu mọc lên một cây tre cũng vít đầu xuống rồi mới trổ thẳng ngọn lên trời.

Có mặt, tại Con Cuông, nơi được xác định là tồn tại loại tre nói trên, cả ngày ngược rừng, tìm hiểu và hỏi cán bộ địa phương, chúng tôi chỉ nhận được ánh mắt ngạc nhiên và lắc đầu. Hầu hết, mọi người khi nhắc đến loại tre này đều khẳng định: "Chưa nghe, chưa thấy và chưa hề biết sự tồn tại loại tre kỳ lạ đó”.

Ông Lư Đình Tuấn, Chủ tịch huyện Con Cuông, nguyên là cán bộ ngành nông nghiệp hóm hỉnh: "Làm gì loại tre kiểu lạ đời vậy. Đó chỉ là câu chuyện trong dân gian. Tôi dám cược với nhà báo, nếu loại tre ấy xuất hiện và tồn tại ở vùng đất Con Cuông, chắc chắn tôi sẽ biến nó thành điểm du lịch và có chính sách bảo tồn để con cháu sau này được tận rõ”.

Hôm sau, trong lúc đang la cà dò hỏi, chúng tôi được một người bạn tiết lộ: Ở xã em vẫn còn lưu giữ loại tre cũng có nét tương đồng nói trên, nhưng người dân gọi với tên tre Vang. Loại tre này còn xuất hiện tại khu vực Khe Chè, xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn.

Loài tre kỳ lạ

Trên đỉnh núi Cây Giới, rộng chừng 2ha thuộc khu vực xóm 2, xã Tam Sơn, loại tre này nằm lẩn khuất trong các bụi cây dại rậm rạp. Chủ nhân đang sở hữu “báu vật” này là gia đình bà Nguyễn Thị Thanh và nhà ông Nguyễn Hữu Luân. Bà Thanh kể: “Ngày xưa, khi lên đây lập nghiệp, có nghe cha ông nhắc đến nhưng chỉ nghĩ đó là câu chuyện vui bên cốc nước chè. Ai ngờ, đến khi đưa bò lên núi thả, vô tình thấy một bụi tre, kiểu mọc khác lạ, tò mò xem, mắt cứ dụi liên hồi vì không tin đó là sự thật”.

Bụi tre mọc ngược ở Nghệ An

Sự lạ kỳ ấy xôn xao cả vùng quê nghèo nằm bên tả ngạn sông Lam. Bà nhớ, thời ấy, có nhiều người nghe tin hiếu kỳ đến xem và cố bẻ vài cành về làm kỷ niệm. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng, đào gốc đem về vườn trồng lấy lộc nhưng bất thành. Những người trong làng, từ bậc cao niên đến đám trẻ đều khẳng định: "Loại tre này lạ lắm. Thân tre to chỉ bằng cổ tay, các đốt xe đều ngắn, thịt săn chắc, gai ngoắc ngược, tất cả cành tre đều đâm chúc đầu xuống đất rồi mới đâm thẳng lên trời. Khi đến tuổi trưởng thành, toàn bộ các thân cây, đầu tre đều cúi gập hình khủy tay, nhìn từ xa trông tựa hình Rồng, mặt hướng về phía Đông. Tre có đặc điểm là cứng, sinh tồn và phát triển rất khó khăn, thời gian để một bụi măng sinh sôi đến chu kỳ phát triển cũng phải kéo dài gấp 2- 3 lần so với giống tre thông thường khác.

Cô giáo Hà Thị Danh (Trường Tiểu học Tam Sơn) cho biết: "Mỗi năm nhà trường đều cho các em học sinh lên đây tham quan, tìm hiểu dấu tích lịch sử. Có lần, nhà trường còn đưa về trưng bày trong phòng truyền thống. Thế nhưng, loại tre này giờ hao hụt nhanh quá. Đôi khi, nếu không có hướng bảo tồn, chắc cũng sẽ chỉ còn là câu chuyện lưu lại trong truyền thuyết, sử sách”.

Cách đây hàng chục năm, tại khu vực thuộc 2 gia đình nói trên, loại tre mọc ngược này có rất nhiều bụi. Tuy nhiên, theo thời gian, với sự tàn phá của con người, loại tre mọc ngược này đang có nguy cơ biến mất. Đến thời điểm này, cả tỉnh Nghệ An chỉ còn lưu giữ được 5 bụi.

Ông Nguyễn Hữu Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn, được dân địa phương gọi là “ông sử làng”, hiện sưu tập nhiều tài liệu về loại tre này. Theo nhận định chủ quan của ông, đây là giống tre hiếm, là chứng tích của lịch sử nên sớm muộn gì cũng nên có chế tài bảo tồnn

Do giống hoặc cách trồng

Theo TSKH Đinh Văn Luyện (Trưởng bộ mô Di truyền và Công nghệ vi sinh, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, đó có thể là một trong số rất nhiều giống tre ở Việt Nam. Theo TS Luyện, ở Việt Nam hiện nay có tới hơn 600 giống tre, mỗi loài có một đặc tính rất phong phú và đa dạng, phân bố ở nhiều vùng miền khác nhau. Có nhóm tre thân mọc thẳng, lớn gọi là bầu, bương; nhóm cây nhỏ gọi là trúc...; có loại thân bụi làm cây cảnh; có loại thân phình to do sống ở điều kiện khô hạn phải tích nước như gọi là trúc phật bà; có loại nhiều gai, loại ít hoặc ko gai; có loại mọc chằng chịt làm hàng rào; có loại mọc cây từ rễ bò trong đất; loại bằng đốt thân; có loại bằng hạt Cũng có loại bằng cành, nhánh, ngọn phải bò cắm xuống đất rồi mới mọc lên thành cây. Có lẽ 5 bụi tre mọc ở Nghệ An thuộc nhóm này. TS Luyện cho hay.

Ông nói thêm, ở Nhật Bản, tại tỉnh Kagoshima cũng có loại tre lộn đầu xuống, ở một số vùng núi các nước và ở Việt Nam đã từng có loại tre này. Tuy nhiên để có cơ sở khoa học cần được sờ thấy và nghiên cứu sâu hơn. Nếu đó là nguồn gen quý chắc chắn sẽ có được bảo tồn - TS Luyện khẳng định.

GS.TS Lê Trần Bình (Trưởng phòng Công nghệ sinh học tế bào thực vật Viện Công nghệ sinh học, Viện KH&VN Việt Nam) cho biết, hiện tượng trên có thể là do cách trồng. Nếu trồng ngược sẽ có hiện tượng mọc ngược, nhất là với loại tre, trúc là loại cây sinh trưởng rất nhanh và mạnh. Cây mía hoặc hoa mộc lan cũng thường thấy có hiện tượng này. Cành cây tre đâm xuống đất rồi hướng lên được GS.TS Lê Trần bình giải thích bằng tính hướng của thực vật, tính hướng sáng, hướng địa.

Tính hướng của thực vật do hoormon sinh trưởng Auxin quyết định. Chất này có tính kị sáng và bị ảnh hưởng của trọng lực. Tính kị sáng tức là phần nào của cây được chiếu sáng nhiều thì ở đó sẽ bị Auxin phân hủy, dẫn đến bên tối sẽ phát triển mạnh hơn là cây nghiêng về phía ánh sáng. Đồng thời, Auxin cũng tập trung nhiều ở rễ khiến cho rễ phát triển theo hướng sâu xuống đất. Do đó, cành cây tre đâm xuống đất rồi hướng lên đó là hiện tượng hướng sáng, chất Auxin, mà cụ thể là Axit indolaxetic (cái này mới là AIA) phân bố không đồng đều ở thân cây, tập trung nhiều ở phía tối, chính AIA xâm nhập vào các thành tế bào làm đứt các vách ngang của xenluloz, kích thích sinh trưởng của tế bào làm cho tế bào giãn dài ra gây uốn cong ở thân non hướng về phía ánh sáng. Vì thế, trong tất cả trường hợp, không chỉ riêng cây tre, mà khi các cây ngã hay ta đặt chậu nằm ngang thì sau một thời gian ngọn cây bao giờ cũng hướng lên trên.

P. Hương

Ngọc Khoa

Tag: Nghệ An Vn