Kỳ Olympic thảm bại của TTVN đã được “nhìn thấy” trước

Kỳ Olympic thảm bại của TTVN đã được “nhìn thấy” trước

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Giữa 11.000 VĐV đến từ hơn 90 nước, thể thao Việt Nam hầu như không có cơ hội cạnh tranh vì sự yếu kém ngay từ khâu đầu tư, chuẩn bị.

Trần Lê Quốc Toàn được kỳ vọng giành huy chương rồi thất bại cay đắng. Hàng loạt gương mặt sáng giá khác, từ Phước Hưng, Hà Thanh cho đến Tiến Minh cũng đã lần lượt nói lời chia tay Olympic London.

Thể thao Việt Nam (TTVN) từ chỗ tràn đầy niềm tin và khát vọng làm nên lịch sử, giờ phải đối mặt với viễn cảnh một kỳ Thế vận hội tay trắng ra về.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về thất bại này, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi thẳng thắn cùng chuyên gia Nguyễn Hồng Minh – người từng dự báo trước viễn cảnh của Đoàn TTVN từ trước Olympic.

Nghe/Xem - Kỳ Olympic thảm bại của TTVN đã được “nhìn thấy” trước

Ông Nguyễn Hồng Minh

Nhà quản lý đã sai lầm

Đoàn TTVN đã đón nhận những kết quả rất thất vọng trong vài ngày thi đấu vừa qua. Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao dẫn đến kết quả không như mong muốn đó?

Đây là điều tôi đã sớm dự báo, thậm chí là cảnh báo trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Trước mỗi kỳ Đại hội, chúng ta luôn đặt kỳ vọng vào gương mặt này, gương mặt kia, đó cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, đã có lúc nào các nhà quản lý thể thao nước nhà nhìn rõ được bản chất của vấn đề chưa? Ở đây, các nhà quản lý đã tìm hiểu thực lực thật sự của vận động viên (VĐV) của mình và đặc biệt của đối thủ chưa. Nói dễ hiểu, ta tiến thì đối thủ thậm chí còn tiến gấp đôi ta. Vì thế, đã có những thất bại liên tiếp và đó thật sự là sốc với người trong cuộc, còn với tôi, tôi lại cho rằng đó là điều đã được nhìn thấy từ sớm.

Văn Ngọc Tú, Hoàng Xuân Vinh, Tiến Minh và Quốc Toàn, đều thua ngay từ vòng loại. Phải chăng các VĐV của ta đều không có một tâm lý vững vàng tại sân chơi căng thẳng như Olympic?

Tâm lý chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại. Tôi cho rằng lý do lớn nhất, là chúng ta chưa đủ tầm ở sân chơi Olympic. Nói cách khác, các VĐV Việt Nam vẫn chưa có đủ trình độ để cạnh tranh sòng phẳng. ình độ của một VĐV thể thao đỉnh cao gồm nhiều yếu tố trong đó có thể lực, kĩ thuật, chiến thuật và kể cả tâm lý. Ngoài ra, chiến thuật cũng là yếu tố quan trọng trong mỗi thành công.

Phải chăng những vấn đề trên đây, đã thể hiện rất rõ qua thất bại của Trần Lê Quốc Toàn ở môn cử tạ?

Tôi nghĩ Toàn chỉ có thể thực hiện tốt mức tạ 280kg trở lên thôi. Toàn có thể có kĩ thuật tốt, có thể hình tốt, nhưng đã không chuẩn bị tốt về thể lực và tâm lý thi đấu cũng có vấn đề. Ngoài ra về chiến thuật, thay vì bám đuổi 2 VĐV có HCV và HCB, sẽ là dễ dàng hơn nếu như BHL chỉ xác định Toàn có HCĐ để có những mức tạ đăng ký khởi điểm dễ cử hơn.

Nói một câu ngắn gọn về kỳ Olympic lần này, ông có thể nói gì?

Chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt. Với sự chuẩn bị như vậy, công thêm đẳng cấp của chúng ta vẫn còn quá khiêm tốn, tôi đã dự đoán rất chính xác về tình cảnh hiện tại của đoàn TTVN.

Nghe/Xem - Kỳ Olympic thảm bại của TTVN đã được “nhìn thấy” trước (Hình 2).

Thất bại đã được báo trước của những niềm hy vọng huy chương của TTVN

Đừng mơ mộng lấy Vàng

Rõ ràng ngành thể thao cũng đã có những đầu tư rất đặc biệt thời gian vừa qua cho các VĐV đã giành vé, nhưng có vẻ sân chơi Olympic còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố?

Thẳng thắn mà nói, những gì mà ngành thể thao đầu tư cho các VĐV trọng điểm thời gian qua, còn rất hời hợt, chứ không phải là đã đầu tư hết khả năng như một số quan chức từng phát biểu. Như Hà Thanh là VĐV đầu tiên đoạt vé tham dự Olympic của đoàn TTVN nhưng kể từ đó đến nay, cô không hề có huấn luyện viên ngoại dẫn dắt, những chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài cũng không thật sự hiệu quả. Các VĐV khác, cũng không ít người lâm vào cảnh tương tự. Đó là những đầu tư nâng cao, còn ngay cả chế độ dinh dưỡng, thuốc bổ, chế độ, tôi cũng cho rằng các VĐV này chưa được quan tâm đúng mức.

Nhưng cũng phải thừa nhận, sân chơi Olympic rất khó đoạt huy chương, thưa ông?

Olympic là đấu trường đỉnh cao của thể thao thế giới. Hơn 11.000 VĐV tranh tài nhưng chỉ có khoảng 500-600 người cạnh tranh và giành được huy chương. Hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự nhưng cũng chỉ có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có VĐV đoạt huy chương. TTVN còn quá nhỏ bé khi bước ra sân chơi Olympic.

Vậy thì có lạc quan quá không, khi trong chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, chúng ta đặt ra chỉ tiêu sẽ có HCV vào năm 2016?

Khó lắm, có lẽ chỉ mơ thôi vì đến bây giờ, chung ta còn chưa biết đầu tư cho môn nào, chưa biết gửi gắm niềm tin vào VĐV nào, thì liệu 4 năm nữa, có được HCV?

Sau thất bại tại Thế vận hội lần này, liệu đã đến lúc ngành thể thao nhìn lại thực trạng và sửa chữa những sai lầm?

Chúng ta có 10 môn thể thao trọng điểm nhưng cũng lại có 20 môn gọi là trọng điểm nhóm 2. Thế nghĩa là vẫn đầu tư cùng lúc tới 30 môn thể thao. Trong khi đó những cường quốc thể thao thế giới và những nước giành được huy chương ở Olympic cũng chỉ chọn 4-5 đến 7 môn thể thao là cùng để đầu tư. Đó là chưa kể, 10 môn thể thao trọng điểm trong đó có nhiều môn Olympic cơ bản hiện nay vẫn là kế hoạch trên lý thuyết chứ đã triển khai được gì đâu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tiền treo thưởng... cho vui

Trước khi Olympic diễn ra, ngành thể thao đã treo mức thưởng lên tới 1 tỷ đồng cho mỗi tấm huy chương Vàng. Thậm chí riêng ở môn taekwondo, số tiền thưởng là hơn 2 tỷ. Ngoài ra, còn phải kể đến tiền thưởng nóng của Ủy Ban Olympic, tiền thưởng của các nhà tài trợ...con số tiền thưởng là rất lớn với các VĐV. Tuy nhiên, trò treo thưởng của TTVN chẳng khác nào “leo cột mỡ” bởi tấm huy chương Vàng có nằm trong mơ cũng không thấy. Hài hước ở chỗ, do không có vận động viên nào ẵm giải nên sau khi Olympic kết thúc, các nhà tài trợ lại thu tiền về, còn họ đã được quảng cáo miễn phí trên đài báo.

Mai Anh (thực hiện)