Lá cây chữa chứng mất sữa ở sản phụ?

Lá cây chữa chứng mất sữa ở sản phụ?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Mỗi khi sản phụ bị mất sữa, chỉ cần đặt tiền rồi xin mua hai bầu sữa đồng thời ngắt lá cây sữa về gối đầu giường thì bệnh ắt chữa khỏi.

Hồi sinh những bầu sữa

Tại thị trấn Bãi Bông (xã Hồng Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên), người ta vẫn truyền tai nhau về một bài thuốc lạ chữa chứng mất sữa ở sản phụ mới sinh. Theo đó, khi sản phụ mất sữa, người nhà phải ra cây sữa cạnh giếng làng mà nhất định phải là lúc tại giếng không một bóng người rồi lẳng lặng bước đúng 3 bước chân vào gốc cây sữa, sau đó nói dõng dạc: "Ông bà nào có nhà không, tôi có cháu (nói rõ tên, tuổi…) hiện nay đang mất sữa, cho tôi xin mua hai bầu sữa". Nói xong phải tự động đặt tiền vào gốc cây, chừng năm, ba nghìn đồng hoặc bao nhiêu tùy ý rồi ngắt lá cây sữa. Nếu sản phụ sinh con trai thì ngắt 7 lá bằng với vía, sinh con gái thì ngắt 9 lá. Khi về đến nhà, số lá cây sữa này sẽ được gấp để trong gối đầu cho sản phụ, kèm theo đó, phải tìm lá đinh lăng tròn loại nhỏ giã nát cho vào hấp cơm cho sản phụ ăn. Chỉ một, hai ngày sau đó, bệnh mất sữa của sản phụ lập tức chấm dứt, bầu sữa lại trở nên căng mọng.

Xã hội - Lá cây chữa chứng mất sữa ở sản phụ?

Bà Tỵ và cây sữa chữa chứng mất sữa ở sản phụ

Chẳng ai biết người đầu tiên tìm ra phương thuốc ấy là ai, người nào cũng bảo "thấy người ta chữa được thì tôi đến nhờ giúp". Cụ Ngô Văn được coi là người đầu tiên áp dụng cách chữa này. Đến nay, tuổi đã cao, sức yếu, cụ không trực tiếp chữa bệnh cho những sản phụ đến nhờ mà truyền lại cách làm cho cô con dâu tên Nguyễn Hồng Đoàn.

Chị Đoàn cho biết, cách đây hơn chục năm, ở vị trí cây sữa trước đây có một cây đa hàng trăm năm tuổi, khi cây đa lớn quá, gốc và cành chiếm hết phần đất của gia đình bà Dương Thị Tỵ, gia đình bà Tỵ đã làm lễ xin được chặt cây.

"Tôi có nghe các cụ kể lại, đúng năm mà gia đình bà Tỵ chặt cây đa, mùa màng thất bát, thời tiết không chiều lòng người, chẳng khác gì đứa trẻ hờn dỗi, dân làng khổ cực, đói kém, bị hành hơn một năm. Sau khi chặt cây đa, ngay sát giếng làng bỗng dưng mọc lên một cây sữa. Nhiều khi bà con trong làng cũng ngỡ ngàng vì cây sữa đó lớn quá nhanh, chẳng ai biết cây sữa bao nhiêu năm tuổi. Các cụ bảo, cây sữa là lớp hậu thế của cây đa, nó sẽ chứng kiến mọi thăng trầm của làng, người trong thôn cho rằng cây sữa rất thiêng, hễ nhà ai xảy ra chuyện chẳng lành lại ra chỗ giếng cổ và cây sữa để cầu xin. Chẳng ai dám chặt tỉa cành hay phạm vào cây sữa ấy", chị Đoàn kể.

Cụ Ngô Văn Căn (82 tuổi, xóm Đồng Tâm, xã Hồng Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết, trước đây, quần thể giếng cổ của làng, cây đa và miếu thờ của thôn nằm cùng một khu. Sau thời gian phân chia đất đai, cây đa và miếu thờ nằm trong vườn nhà bà Dương Thị Tỵ (xóm Đồng Tâm). Hiện cây đa không còn nhưng dân làng vẫn rất coi trọng giếng làng và miếu thờ, cây sữa. Xung quanh đó còn rất nhiều câu chuyện còn bỏ ngỏ mà PV được cụ Căn kể lại.

Những câu chuyện còn bỏ ngỏ

Theo lời người dân nơi đây, giếng cổ thuộc quần thể cây đa, giếng nước và ngôi miếu có từ thời xa xưa. Không ai biết cái quần thể ấy có tự bao giờ chỉ biết rằng nó tồn tại từ hàng trăm năm nay trong các câu chuyện ly kỳ mà mọi người thường kể cho nhau nghe.

Giếng cổ ấy không có tên, người làng thường gọi là giếng làng. Nước giếng rất trong và đầy ăm ắp. Đây là nơi xưa kia dân làng thường ra gánh nước về dùng. Từ ngày các gia đình có giếng, có bể đựng nước ăn, chiếc giếng bị quên lãng. Thế nhưng trong ký ức của nhiều người dân nơi đây, giếng là nơi rất linh thiêng, không ai dám xâm phạm. Trong tâm linh mọi người, giếng là nơi ở của thần linh, nếu có ý định xâm phạm hay phá hoại chắc chắn thần linh sẽ nổi giận và trách phạt. Thế nên theo thời gian, giếng nước bị cây dại bao phủ. Nếu không có sự chỉ dẫn của dân làng, không ai nhận ra nơi um tùm rậm rạp, bị cây cỏ bao trùm kia là giếng nước linh thiêng gắn liền với đời sống của người dân nơi đây.

Không ai dám khẳng định chắc chắn nguồn gốc hình thành giếng cổ, họ chỉ biết đoán già đoán non về sự ra đời của nó. Có người cho rằng nó do thần linh tạo ra để cứu giúp dân làng qua những năm hạn hán kéo dài. Dù cả làng ra lấy nước nhưng nước trong giếng không bao giờ cạn, cứ vơi rồi lại đầy và nước giếng luôn trong vắt.

Nói về nguồn gốc ra đời của giếng cổ, ông Hà Văn Ấp (67 tuổi, người dân trong thôn) cho biết: "Từ ngày bé, tôi đã thấy sự có mặt của giếng. Ngày ấy, đời sống của người dân vẫn còn nghèo khổ, không có điều kiện để đào giếng nên họ thường ra đây lấy nước, nhất là vào mùa khô. Theo lời các cụ kể lại, nước giếng lúc nào cũng trong vắt có thể nhìn thấy cả đáy, nó là nguồn nước nuôi sống dân làng nên họ giữ gìn và tôn thờ ghê lắm. Không người dân nào dám phá hoại giếng. Thế nhưng theo sự hiểu biết và suy đoán của tôi, giếng nước này là do các cụ ngày xưa đào để lấy nước dùng. Có lẽ giếng được hình thành do một sự tình cờ do khi làm ruộng, thấy chỗ đất trũng ấy không bao giờ cạn nước, đào lên thấy có mạch nước nên các cụ đào rộng ra thành giếng.

Khác với ông Ấp, trong câu chuyện của ông Ngô Văn Căn, chúng tôi nhận thấy niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của quần thể giếng cổ, cây đa và ngôi miếu trong những câu chuyện dân làng vẫn thường kể. Dù là người nơi khác đến (trước kia gia đình ông ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, mới chuyển về đây ở được gần 30 năm) nhưng ông luôn tin tưởng: đất thiêng ắt cây cối cũng linh thiêng. Thế nên, từ ngày cây hoa sữa mọc lên cạnh giếng, ông là người đến xin thần linh sữa về cho những sản phụ mất sữa.

Tương truyền cây đa có cùng thời với ngôi miếu và giếng cổ. Vào những ngày mưa phùn gió bấc, cây đa xuất hiện rất nhiều người bay lượn trên cây. Không ai biết là người, ma hay thần linh, chỉ biết rằng sự xuất hiện ấy khiến người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của quần thể này. Rồi ông kể, cách đây mấy năm, khi cây đa vẫn chưa bị chặt đi, rất nhiều lần con gái bà chủ mảnh đất ấy và nhiều người dân đi lại ban đêm qua đây thấy có người đánh đu trên và bay lượn, đùa giỡn như chim. Vì sợ con cái ảnh hưởng tâm lý nặng, bà Tỵ liền chặt cây đa đi. Thế nhưng sau khi cây đa bị chặt, nhiều người nhà bà ấy bị ốm mà không hiểu lý do gì". Nói đến đây, ông khẳng định: "Chắc chắn họ bị các vị thần ở cây đa ấy trách phạt nên mới bị thế. Bởi vì tôi thấy sau đó gia đình bà Tỵ phải mời thầy về làm lễ tạ".

Theo hướng chỉ tay của ông Căn, chúng tôi tìm đến nhà bà Tỵ để làm sáng tỏ sự việc. Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Tỵ không nhắc gì về những chuyện thần bí quanh cây đa mà chỉ nói: "Cây đa ấy to quá, rễ của nó dài đến nỗi đâm qua cả nhà tôi ra vườn sau cộng với việc nó chặn ngay lối ngõ đi vào nhà nên mới chặt đi". Rồi bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ly kỳ, linh thiêng về giếng cổ và ngôi miếu nhỏ trong khoảnh đất nhà mình: "Khi tôi đến đây ở đã thấy cái miếu này rồi. Miếu còn là nơi ngự của một con rắn lạ có mào màu đỏ nhưng chẳng ai dám động đến.

Theo lời kể của các bô lão trong làng, miếu này được chủ mảnh đất (trước bà Tỵ) xây dựng để thờ thổ địa với mong muốn gia đình sinh sống ở đây được bình yên. Thế nên, hết đời này đến đời khác, gia đình tôi nối tiếp nhau thờ cúng. Có thờ có thiêng mà". Rồi bà khẳng định, nhờ việc chăm lo giếng cổ và ngôi miếu, gia đình bà rất yên ấm, làm ăn khấm khá lên rất nhiều.

Trao đổi với PV Người đưa tin về thực hư lá cây sữa chữa chứng mất sữa sản phụ, ông Nguyễn Đức Thuận, trưởng xóm Trung tâm, thị trấn Bãi Bông cho biết, dù chưa có bất kỳ nghiên cứu nào cụ thể chứng minh lá sữa có thể chữa được bệnh nhưng thật lạ là các trường hợp lấy lá cây sữa về làm phép đều có hiệu quả như mong muốn. "Nói là mê tín thì không hẳn nhưng tôi thấy đây là sự việc rất lạ", ông Thuận nói. Cũng theo ông Thuận, những câu chuyện ly kỳ quanh giếng làng, cây sữa, miếu thờ còn rất nhiều, truyền tai nhau bao đời nay, chỉ nên kể lại như một nét văn hóa trong tiềm thức dân gian, hạn chế tối đa việc cúng bái hay mê tín.

Lá cây hoa sữa không thể chữa khỏi chứng mất sữa

Xung quanh câu chuyện dùng lá cây sữa làm phép chữa được chứng mất sữa ở sản phụ mới sinh, nhà ngoại cảm, nhà phong thủy Nguyễn Văn Ngọc nêu quan điểm, Bộ môn Dự báo, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cho rằng, dùng lá cây sữa làm phép chỉ có thể hóa giải về mặt tâm lý, cho người dân niềm tin trong ý nghĩ còn về mặt khoa học, mặt bệnh lý thì không thể chữa khỏi chứng mất sữa đó. Rất có thể, sản phụ mới sinh nên sữa chưa kịp về, sau vài ngày tẩm bổ mới có. Sinh con xong, người mẹ nào chẳng dành tất cả suy nghĩ, lo lắng cho con, đôi khi tâm lý bị khủng hoảng, khi sữa về để nuôi con, họ thường tin rằng do cách làm phép bằng lá sữa gối đầu giường có hiệu quả. Mọi cách làm cần có nghiên cứu cụ thể của khoa học, không chỉ riêng nơi đây, ở các vùng quê khác, người dân còn áp dụng cả những cách cuồng tín để chữa bệnh cho sản phụ, gây ra những cái chết thương tâm.

Dương Dương - Ngọc Diệp