Lạc vào “ma trận” chợ phụ tùng “luộc”

Lạc vào “ma trận” chợ phụ tùng “luộc”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Kinh doanh phụ tùng xe gắn máy là hình thức thu lợi nhuận khủng nhưng công nghệ “luộc” phụ tùng xe gắn máy còn mang lãi hơn nhiều lần.

Dạo quanh một vòng khu chợ Tân Thành, khu chợ lớn nhất TP.HCM kinh doanh phụ tùng xe gắn máy, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước sự hoành tráng, nhộn nhịp của khu chợ này. Hàng trăm cửa hàng được phân chia cụ thể, nơi thì chuyên về ống pô xe máy, nơi chỉ chuyên về phuộc nhún, có nơi chỉ chuyên về nhông, sên, dĩa, nơi chỉ chuyên về phần máy của xe… Vào đây, khách hàng có thể tha hồ chọn lựa bất cứ thứ đồ gì mình muốn. Về nguồn gốc xuất xứ những phụ tùng ở đây cũng rất đa dạng, đa phần được nhập về từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… và có cả hàng của Việt Nam.

Ngoài các trung tâm bảo hành, cửa hàng ủy nhiệm, những nơi được cho là bán hàng chính hãng, thì phần lớn những điểm sửa xe bán kèm phụ tùng, hay cửa hàng tràn lan ở khu chợ Tân Thành này sản phẩm được bán theo kiểu tiền nào của nấy, hay coi mặt đặt tên, và chỉ có người bán mới biết nguồn gốc đích thực. Còn người mua trước một “ma trận” hàng hóa như vậy, nếu không có kinh nghiệm thì việc mua phải hàng kém chất lượng với giá cả trên trời không phải là hiếm.

Anh Út, một thợ sửa xe lâu năm trên đường Ký Con (quận 1, TP.HCM) cho biết: “Phụ tùng xe máy mới hiện nay có rất nhiều nguồn: Hàng chính hãng cũng có, hàng nhập từ Thái Lan, Trung Quốc và hàng của các cơ sở sản xuất trong nước cũng rất nhiều. Về chủng loại thì bộ phận nào cũng có, từ con ốc, cây căm, sợi dây thắng cho đến các bộ phận phức tạp như IC, bugi, nồi, bình xăng con... Về giá bán thì “thượng vàng hạ cám”, cụ thể như cùng một loại phụ tùng là bộ bố nồi embrayage, giá có thể chênh lệch nhau từ 80.000 - 100.000 đồng; bugi đánh lửa có loại bán 50.000 - 60.000 đồng/cái nhưng cũng có loại lại bán đến 110.000 - 135.000 đồng/cái...

Ngoài loại phụ tùng nhái, giả nhãn hiệu hàng "xịn", số phụ tùng xe máy có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập vào ước tính rất lớn nhưng hiện chưa có cơ quan nào thống kê. Các loại phụ tùng này được tiêu thụ khá mạnh, khi mà hàng chính hãng từ Nhật, Thái Lan, Đài Loan... còn bỏ ngỏ vì có giá bán khá cao mà hàng nhái giá lại "bèo", chỉ bằng 1/3 thậm chí 1/4 so với hàng chính hiệu.

Với giá chênh lệch khá lớn như vậy, nếu người tiêu dùng không nắm rõ thì khi muốn thay thế phụ tùng cho chiếc xe của mình rất dễ bị thay phải đồ “dỏm” mà phải trả giá… trên trời. Chúng tôi tìm đến một cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe gắn máy trong khu chợ Tân Thành.

Khi ngỏ ý muốn “luộc” một chiếc xe gắn máy hiệu Honda thì người chủ cửa hàng hỏi chúng tôi muốn làm bao nhiêu. Chưa hiểu rõ ý của người hỏi, nhận thấy chúng tôi thắc mắc, một người thợ nói luôn: “Mấy anh muốn “luộc” bao nhiêu tụi em làm cho, 3 triệu hay 5 triệu?”.

Sau một hồi tìm hiểu, chúng tôi mới biết, nếu một chiếc xe được “luộc” thẳng tay tức là bộ phận nào của xe có thể thay thế được thì những tay thợ chuyên nghiệp sẽ “ùa” vào gỡ những phụ tùng chính hãng trên xe và thay thế vào đó những phụ tùng “dỏm”. Tùy theo yêu cầu của từng khách hàng muốn “luộc” giá bao nhiêu, hoặc chỉ luộc từng bộ phận khác nhau, từ dàn nhựa bên ngoài đến bố nồi IC, bình xăng con, hay “bộ đồ lòng” bao gồm sút bắp, cam, lưỡi gà, co xăng...

Trung bình một chiếc xe chỉ cần chưa đầy nửa tiếng sẽ được thay thế “sạch sẽ”, cứ từ 4 đến 5 tay thợ chuyên nghiệp cùng nhau làm một chiếc xe, rất chuyên nghiệp và nhanh chóng. Những loại xe “luộc” được giá nhất đa số là xe của Honda. Bởi theo lời của một người thợ trong của hàng thì phụ tùng của Honda đắt hơn những xe khác mà đồ thay thế cũng rất phong phú.

Tìm hiểu một số của hàng khác, chúng tôi cũng ghi nhận được những kết quả tương tự. Một số của hàng không có dịch vụ “luộc” xe vẫn nhận xe của khách hàng rồi đem tới những của hàng khác làm. Một chếc xe sau khi được “luộc” hoàn tất nhìn bề ngoài không có gì thay đổi, ngay cả khi chạy trên đường nếu không phải người trong nghề cũng không dễ dàng gì nhận ra là nhiều bộ phận đã được thay thế. Sau một thời gian sử dụng, những chiếc xe này mới phát sinh nhiều hỏng hóc và những “bệnh” lặt vặt khác.

Khi mà lượng xe gắn máy ngày càng nhiều và vô số dịch vụ “móc túi” người đi đường như vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo để bảo về chiếc xe của mình, trong khi chờ các cơ quan chức năng lên tiếng!.

Nguyên Việt


Tag: Gia Lai bu-gi