Lạc vào thẩm mĩ viện của... gái ăn sương!

Lạc vào thẩm mĩ viện của... gái ăn sương!

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Một lần đi tân trang nhan sắc, vô tình lọt vào một cửa hàng chuyên làm đẹp cho những cô gái ăn sương. Trang điểm một lúc mới phát hiện ra tình thế khó xử, buộc phải nghe câu chuyện phiếm của họ.

Kỹ nghệ gái gọi!

Tôi cùng cô bạn vào hàng trang điểm, làm tóc A.T nằm trong con ngõ nhỏ của đường Nguyễn Chí Thanh, trang điểm đôi chút chuẩn bị đi biểu diễn văn nghệ quần chúng do cơ quan tổ chức. Bạn tôi mới có thai được 4 tháng.

Vừa vào đến nơi, mấy em "mắt xanh, mỏ đỏ" quay ra nhìn bạn tôi từ chân đến đầu. Cũng chẳng phải thầm thì, có em quay sang hỏi luôn: "Tai nạn nghề nghiệp à? Khổ thế, xử lý đi em ơi".

Tôi quay lại, khi ấy cả phòng chật cứng những cô nàng quần soóc ngắn đến sát đùi non, áo hai dây trễ nải đang đổ dồn cặp mắt vào cái bụng bầu. Với những em ở đây, tất cả khách hàng đến trang điểm tại cửa hàng này đều là "hàng".

Thấy bạn tôi yêu cầu trang điểm nhẹ nhàng, mấy em được thể dẩu mỏ: "Em ơi, phải trang điểm đậm lên, chứ đã mệt mỏi bầu bì lại mặt nhàn nhạt, bềnh bệch thì ai mà mê nổi. Đằng nào cũng nhỡ rồi cứ tới bến đi vài bữa nữa giải quyết có sao đâu". Tôi gội đầu xong, ngồi đợi bạn trang điểm, những câu chuyện của các em tất cả đều xoay quanh khách và tiền nghe mà choáng.

Ngồi ngả nửa người lên cái ghế da, vươn đôi chân dài tỉa móng cầu kỳ sơn đỏ chót một em có tên là Liên chia sẻ: "Cả làng còn nhớ cái Hạnh "khểnh" không, dính bầu 5 tháng rồi.

Dạo trước vẫn ra đây "sơn tút" đấy, bạn đã bảo bỏ đi không nghe, cứ dài cổ đợi lão già rót cho ít tiền. Nó cứ đi làm đến khi cái bụng phình ra không giấu nổi nữa. Thấy bảo nhà nó ở mãi Lào Cai cũng nghèo lắm. Hai tuần rồi, không thấy ra "làm hàng" chắc chuồn về quê chuẩn bị sinh nở hay ra viện cô -vắt rồi cũng nên".

Mặt cô bạn tôi sa sầm, có lẽ câu chuyện động chạm đến bản thân quá. Chắc các váy ngắn, chân dài tưởng bạn tôi là "hàng" như họ nên kể câu chuyện có thực ngầm ý khuyên nhủ. Thấy bạn tôi không chia sẻ gì, mấy em lại quay sang những chuyện khác.

Một em bô bô tố: "Cái Liên vừa rồi trúng quả đậm. Mới "hàn", trúng ngay "gà", yêu quá cho nửa con xe còn gì. ôi trời ạ, có con rồi vẫn được liệt vào diện gái còn..., có mà còn mạng nhện...". Cả hội cười ngất ngây, cô nàng tên Liên phản pháo: "Đứa nào chẳng tân trang. Tao đố cả hội tìm được đứa nào làm nghề ở Hà Nội mà không "bơm vá" đấy".

Nói chuyện liến thoắng nhưng em nào cũng nhắn tin điện thoại tới tấp bởi sắp đến giờ xuất phát. Những bông hoa đã ngả màu trắng bạc được "sơn bả" bỗng trở lại nhuận sắc. Nhưng có em đến lúc phải móc hầu bao trả tiền trang điểm, làm tóc bỗng trở nên lúng túng. "Chị ơi, ghi sổ cho em nhé. Mấy ngày hôm nay ế lắm, gặp khách em trang trải liền". Chủ cửa hàng lại mở cuốn sổ dày cộp, quăn góc, nhàu nát cộng thêm một khoản tiền 50-150 ngàn đồng, tùy từng người.

Chút đời ở chốn bụi dơ

Biết "thông cảm" với khách nên A.T thành tụ điểm của các "mỏ đỏ" đến tân trang nhan sắc. Mở cửa hàng được gần chục năm cũng là từng ấy năm A.T gắn với những em chân dài đến trang điểm trước khi những bước chân kiêu sa được đưa đến các nhà nghỉ, quán karaoke đèn mờ.

Những khuôn mặt được "tút" cầu kỳ, đậm đặc ra đúng đặc trưng "mắt xanh, mỏ đỏ". Khi chúng tôi bước vào, chủ cửa hàng quay ra hỏi: "Chị trang điểm hay làm gì? ". Thấy những khuôn mặt trang điểm đậm, tôi hơi khựng lại, chị chủ giải thích: "Các em ấy trang điểm để phù hợp với công việc trong ánh đèn, còn công chức thì trang điểm nhẹ nhàng hơn, tùy yêu cầu mà".

Bắt đầu ngày mới của các "em" bao giờ cũng muộn hơn người thường. Từ 11h30 đến 14h các “em” bắt đầu đến trang điểm. Tỉ tê kể chuyện, chị A.T - chủ cửa hàng cho biết: "Hiện nay, mỗi ngày cửa hàng trang điểm cho khoảng 30 "em". Cách đây vài tháng, cửa hàng trang điểm mỗi ngày hơn 60 người. Họ đến ngồi ngả nghiêng chờ đến lượt. Hết chỗ trong cửa hàng các em đứng tràn ra đường làm ách tắc cả một con ngõ nhỏ".

Tiếp xúc với các “em” nhiều nên chủ cửa hàng cũng thông cảm lắm. Chị T. có cả một cuốn sổ để ghi nợ. Có những người nợ tiền trang điểm, làm tóc lên tới 5-7 triệu. Nhưng hoàn cảnh họ khó khăn, lại là khách quen nên chị A.T cũng ngại nhắc nợ.

Chị A.T kể, các "em" vào nghề này đa phần là thích chơi. Nhiều "em" nhà ở Hà Nội nhưng đua đòi bạn bè cũng thành "hàng" karaoke, thậm chí có cả sinh viên các trường nghệ thuật cũng nhờ A.T trang điểm để "đưa người cửa trước rước người cửa sau" (?!)

Tiếp xúc với nhiều em, chị A.T xót xa: "Tôi biết, có những cô bé chỉ khoảng 15-16 tuổi nhưng thích chơi bời, hư hỏng cũng đến trang điểm để đi khách. Những khuôn mặt già trước tuổi đáng thương lắm". ở đây, dường như các “em” đã quá dạn dày nên dù có khách hay không gặp khách, được bo nhiều hay ít em nào cũng nói cười hỉ hả. Với họ, cuộc sống chỉ có ngày hôm nay, còn ngày mai ra sao không cần biết.

Cũng vì khéo chiều được các "em" quá yêu kéo đến đông mà khách hàng bình thường đến hàng chị A.T cũng thưa vắng. Có lẽ, chúng tôi là một ngoại lệ. Gội đầu cho tôi, chị A.T phân trần: "Những công chức đến cửa hàng trang điểm hay gội đầu nên tránh giờ của các "em" ấy. Đến trùng giờ của các “em”, họ nói cười bô bô, mà nói toàn "tục ngữ" chủ cũng thấy ngại (nhưng lâu ngày buộc phải quen) nói gì đến khách".

Chính vì vậy, khi gội đầu cho tôi, chị xếp chỗ tôi vào phòng trong. Chị A.T nói: "Gội đầu, trang điểm cho công chức mình phải dùng đồ riêng". Thật sự, được chị T. chỉ, khăn dùng cho các em và khăn dùng cho tôi là một màu khác nhưng tôi cũng vẫn cảm thấy chờn.

Ra khỏi nơi tân trang nhan sắc cho các "mắt xanh, mỏ đỏ", tôi có cảm giác như ánh mắt của những người hàng phố đang nhìn theo mình. Tôi bất giác bật cười khi nhìn lại khuôn mặt đẹp với cái bụng bầu của cô bạn. Và tôi chợt hiểu, tại sao các em lại thoải mái trong tụ điểm của mình đến vậy...

Lam Hạ - Ngân Giang