Lãng mạn thành quách ở Groningen

Lãng mạn thành quách ở Groningen

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Tranh, tranh và chỉ là tranh: Nữ nghệ nhân Maya Wildevuur lưu trữ hàng trăm bức tranh trong Ennemaborg ở làng Midwolda nhỏ bé.

"Tôi chỉ muốn biến nơi đây thành một viện bảo tàng", nữ họa sĩ nói, người sống và làm việc trong lâu đài nhỏ bé này từ đầu thập niên 1990. Bà đã mang về nhiều vật kỷ niệm từ những chuyến đi du lịch đến khắp nơi trên thế giới và triển lãm chúng trong lâu đài xinh xắn đấy.

Maya Wildevuur: Nữ họa sĩ sống và làm việc trong Ennemaborg ở Midwolda. Ảnh: TMN

Khi bà mở cửa phòng triển lãm tranh vào cuối tuần, khách yêu hội họa cả nửa nước Hà Lan thường đến để chiêm ngưỡng các tác phẩm đầy màu sắc của bà. "Đẹp nhất là vào đầu xuân và trong mùa hè, các cánh đồng cỏ sáng lên trong màu xanh đậm đà tươi mát", Maya Wildevuur thuật lại. Và rồi bà lại tìm thấy được những cảnh vật bà yêu thích nhất như hoa anh túc đỏ chói và cúc thỉ xa màu xanh đậm trong miền đồng quê quanh thành phố Groningen.

Ennemaborg, nơi cư ngụ của bà Maya Wildevuur, được xây dựng trong thế kỷ 14, thuộc trong số 16 thành trong vùng Groningen, những viên ngọc quý sáng lóng lánh trong vùng đất xa xôi ở tận cùng của miền đông bắc Hà Lan. Chúng là những gì còn lại từ hơn 200 thành trì và lâu đài đã từng nằm quanh tỉnh lỵ Groningen trong thời Trung cổ.

1 trong số 16 "thành Groningen": Niennoord trong Leek ở phía tây nam của Groningen. Ảnh: TMN

Những thành trì, lâu đài xinh xắn này là cơ ngơi của những người nông dân giàu có trong vùng. "Một số thành là dinh thự mùa hè của những thương gia giàu có từ Groningen", bà Ida M. Stamhuis giải thích, giám đốc lâu đài-viện bảo tàng mang tên Menkemaborg tại Uithuizen.

Từ năm 1927 là một viện bảo tàng: Menkemaborg với vườn hoa Baroque có nguồn gốc từ thế kỷ 15. Ảnh: TMN

Menkemaborg được xây vào đầu thế kỷ 15 và đã trải qua nhiều biến động. "Chúng tôi không biết nhiều lắm về chủ cũ của lâu đài. Đó chắc hẳn là một gia đình quý tộc ở nông thôn mà con cháu họ đã vĩnh viễn rời bỏ lâu đài từ năm 1902", nhà nữ quản lý lâu đài nói.

Năm 1927, lâu đài nhỏ bé này trở thành một viện bảo tàng và ngày nay thu hút mỗi năm nhiều chục nghìn khách tham quan. "Phòng khuê, phòng làm việc, gian phòng khách lộng lẫy to lớn và phòng ngủ được trang bị như thể chủ nhân của nó vừa mới bước ra khỏi và sẽ trở về ngay", nhà nữ chuyên gia về lịch sử nghệ thuật giải thích. Đặc biệt có giá trị là chiếc gường ngủ thời Trung cổ với lụa từ Trung Quốc. Khu vườn được kiến tạo theo phong cách Pháp cách đây trên 200 năm. Ngày nay, đây là vườn duy nhất của loại này trong vùng Groningen.

Bên trong viện bào tàng Menkemaborg: Nội thất được sắp xếp như thể chủ nhân vừa mới bước ra khỏi nhà và sẽ trở về trong chốc lát

Vườn của các thành Groningen chứa nhiều kho báu. "Chúng tôi có đến 50 loại táo", Hilde và Dick Soek nói. Ông bà cho du khách đến ở trọ trong lâu đài mang tên Piloersemaborg tại Den Ham. 5 phòng trọ được thiết kế trong chuồng ngựa cũ, khách du lịch ăn sáng trong thư viện của lâu đài. "Phần lớn khách du lịch đến từ Amsterdam và Rotterdam, họ muốn tìm sự yên tịnh", Dick Soek nói. Vì thế mà một vài phòng không có ti vi, radio và cũng không có mạng internet.

Thay vào đó đầu bếp trưởng Soek mời khách tham dự tour đi xuyên qua vùng đồng quê Groningen, đến thăm các gia đình nông và ngư dân cung cấp cho nhà hàng "Het Schathoes" của ông ở lâu đài Verhilderum: Geale Postma chuyên hun khói lươn trong làng đánh cá Zoutkamp, tham qua cơ sở sản xuất phó mát cừu và đến xem cối xay gió trong làng Feerwerd lãng mạn.

"Chào mừng bạn đến với năm 1742" là câu khẩu hiệu của pháo đài Bourtange, cách Groningen khoảng nửa giờ ô tô về phía Đông. Thời đó, thành phố-pháo đài gần biên giới Đức có quy mô rộng lớn nhất. Có đến 3000 người lính đóng ở đấy để bảo vệ vùng Groningen. Pháo đài với hào nước, lũy đất cao như một ngôi nhà, súng thần công và nhà của sĩ quan chỉ huy ngày càng một xuống cấp mãi cho đến thập niên 1960. Rồi sau đấy người ta đã phục hồi nó 15 năm trời.

Pháo đài có chỗ có 3000 người lính: Bourtange ở miền bắc Hà Lan gần biên giới Đức. Ảnh: TMN

Ngày nay pháo đài phòng thủ mà vẫn còn 63 người sống bên trong là một hình ảnh minh họa cho thời Trung cổ. Du khách có thể qua đêm trong 12 căn hộ cho quân nhân đã được phục hồi hay trải nghiệm một trận đánh thời Trung cổ được dàn dựng lại vào một cuối tuần trong tháng 4.

Cô dâu chú rể có thể tổ chức lễ cưới một cách hòa bình dưới ánh đuốc trong một khung cảnh lãng mạn tại Bourtange. "Tất nhiên là chúng tôi bắn súng chào mừng lễ cưới", Margriet van Klinken của pháo đài Bourtange nói.

Phan Ba