Làng nhạc cụ “độc nhất vô nhị” Hà thành sắp thất truyền

Làng nhạc cụ “độc nhất vô nhị” Hà thành sắp thất truyền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Cả làng Đào Xá giờ chỉ còn duy nhất nghệ nhân già Đào Ngọc Soạn trăn trở tìm đường duy trì tinh hoa cha ông truyền lại.

Đến Làng Đào Xá bây giờ, người ta rất khó để tìm thấy không khí nhộn nhịp, kẻ tay bào, người tay nề, tiếng cụp, tiếng cắc… Những thanh âm nhạc cụ quen thuộc ấy đã vãng dần theo thời gian. Thay vào đó, hình ảnh của những quán xá, cửa hàng, cửa hiệu mọc lên như một dấu hiệu về sự thay đổi ở vùng đất từ làng lên phố này.

Sự kiện - Làng nhạc cụ “độc nhất vô nhị” Hà thành sắp thất truyền

Nghệ nhân Đào Ngọc Soạn với niềm trăn trở trước nguy cơ thất truyền của làng nghề - ảnh Uông Ngọc

Nơi lưu giữ thanh âm dân tộc

Nghệ nhân già Đào Ngọc Soạn kể rằng, làng nghề có lúc thịnh lúc suy nhưng chưa bao giờ đứng trước nguy cơ thất truyền như hiện nay. Hình như lớp trẻ bây giờ đã không còn nhiều đam mê, hứng thú với cái nghề tỉ mẩn, đòi hỏi nhiều dụng công như nghề làm đàn dân tộc này nữa. Có chăng cũng chỉ còn vương vất lại một số truyền nhân nhưng hi vọng về sự phục hưng của làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá cũng không nhiều.

Vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước, lúc ấy các loại hình nghệ thuật truyền thống khá thịnh hành, phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt như: ca trù, chèo, tuồng, quan họ.... Ông Soạn bảo: “Đào Xá đang là làng nghề truyền thống làm nhạc cụ dân tộc bậc nhất cả nước thời ấy, chính vì vậy rất nhiều thợ cả của làng được vinh dự chọn lên kinh kỳ gia nhập xưởng nhạc cụ”. Nghề làm nhạc cụ cứ thế dần nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian để bất biến đến tận đời cha ông, đời ông và bây giờ là con cháu của ông.

Ông dường như rút hết tâm can khi tâm sự với chúng tôi: “Trước khi đến với nghề làm nhạc cụ dân tộc, tôi là một anh giáo làng cần mẫn đem con chữ đến cho các học trò nhưng không hiểu duyên cơ vì sao lại bỏ nghề giáo để quay trở về với nghề truyền thống của cha ông để lại. Cho đến nay, đã hơn 40 năm gắn bó, chưa bao giờ tôi thấy hối hận vì sự lựa chọn này cả. Dù có lúc nghề phụ mình, không đủ trang trải cuộc sống tôi phải chuyển qua đóng bàn, ghế làm thợ mộc để nuôi sống gia đình. Nhưng rồi tình yêu với đàn lại khiến tôi quay trở về với nó dù cái nghèo vẫn còn đeo bám".

Nguy cơ thất truyền

Cả làng Đào Xá giờ chỉ còn ngót nghét 10 gia đình còn gắn bó với nghề truyền thống của cha ông và số nghệ nhân thạo nghề cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì người ta thấy nghề này quá bạc, nhọc nhằn cả tháng mà không bằng lương công nhân cơ bản, lại đòi hỏi tay nghề cao thì mới làm ra được những sản phẩm tinh xảo, khiến khách hài lòng.

“Ngày trước, khách mua đàn đến từ rất nhiều các vùng khác nhau như Huế, Sài Gòn, Quảng Nam… thậm chí là du khách nước ngoài cũng tìm đến để mua về trưng bày hoặc làm quà quý biếu tặng” – ông Soạn trầm ngâm kể. “Nhưng bây giờ, lượng người tìm đến cứ thưa thớt dần, một phần bởi chính lớp trẻ làng nghề cũng không còn hứng thú đi theo nghề truyền thống”. Thực trạng ấy, xuất phát từ sự khó khăn khi học nghề. “Để thuần thục nghề, trở thành nghệ nhân chế tác đàn cũng phải mất thời gian 2-3 năm”- ông Soạn cho biết.

Quan trọng hơn, nghề làm nhạc cụ trong thời đại số hóa, người ta đã quen nhiều với các loại nhạc cụ hiện đại có sự hỗ trợ của điện tử như: piano, oc-gan, đàn harmonica, mandolin, không còn được trọng vọng. Nhiều nghệ nhân trẻ ra nghề, không có đơn hàng, thu nhập chẳng đủ nuôi sống gia đình. Ngay bản thân ông Soạn cũng khẳng định “chỉ yêu nghề mãnh liệt lắm mới có thể cho tôi đủ dũng cảm theo đuổi được với nghề đến tận bây giờ”. Đã có lần nản chí ông chuyển sang thợ đóng bàn ghế để mưu sinh hàng ngày nhưng sau rồi những cây đàn vẫn cứ ảm ảnh, thôi thúc ông quay lại tiếp tục với nghề.

Qua những thăng trầm, bậc cao niên của làng giờ chỉ còn lại mình ông Soạn. Nhưng thanh niên trong làng cũng chẳng mấy ai tìm đến ông xin truyền nghề, bởi tâm lý thờ ơ với sự sống còn của làng nghề mà ông cha gây dựng hơn 200 năm qua. Ông Soạn nói mà như phân bua: “Tôi cũng cố gắng truyền dạy cho các cháu nhưng thực sự chẳng đứa nào mặn mà với cái nghề cũ kỹ này cả. Mai này khi tôi nhắm mắt xuôi tay mà không có hậu bối nối dõi thì nghề tổ tiên để lại chắc sẽ mai một và thất truyền”. Đó là nỗi mong mỏi và trăn trở của nghệ nhân cuối cùng còn theo tổ nghiệp của ông cha.

Nghệ nhân Đào Ngọc Soạn cho biết: “Làm đàn dân tộc không có, nhưng không phải ai cũng làm được những nốt âm trầm, bổng một cách chính xác được. Và đó chính là bí quyết của làng nghề Đào Xá nơi đây mà thiên hạ không thể ai địch nổi. Chính vì thế, cho dù là trước đây hay bây giờ Đào Xá vẫn nổi danh là làng nghề làm nhạc cụ độc và đẹp của xứ Bắc kỳ”.

Bảo Hằng