Làng sinh viên “biến thái”

Làng sinh viên “biến thái”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Những quán cà phê, nhà hàng sang trọng thi nhau mọc lên tại nơi đây, không ăn nhập với cái tên “Làng sinh viên”.

Tấm biển đề tên Làng sinh viên Hacinco (Thanh Xuân, Hà Nội) nằm lọt thỏm và lạc lõng trong vô số những biển hiệu quảng cáo rực rỡ màu sắc. Những chiếc xe ô tô đắt tiền, taxi được đỗ trong sân và quanh các cổng ra vào.

Tại khu vực cổng số 1, mặt đường Ngụy Như Kon Tum được tận dụng làm quán cafe, cửa hàng thuốc, nhà hàng ăn. Mặt sau, phía cổng hướng ra đường Lê Văn Thiêm cũng thành nhà trẻ, các công ty thuê làm văn phòng. Bên trong cổng làng, những trạm thu phí xe mới được đưa vào hoạt động. Cứ qua cổng làng là mất tiền gửi xe. Trong khi đó, sân chơi thể thao của Làng sinh viên biến thành bãi gửi xe ô tô.

Xã hội - Làng sinh viên “biến thái”

Làng sinh viên được cho thuê làm văn phòng của các công ty.

Trong Làng sinh viên Hacinco Hà Nội, nhà hàng, quán bar, dịch vụ... đang mọc lên như nấm. Tất cả đều nằm ngoài tầm với của sinh viên “xịn”. Được biết, đây là công trình về nhà ở cho sinh viên thuê đầu tiên tại Việt Nam. Dự án này khi khởi công dự định sẽ là nơi tập trung của hơn 2.000 sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Thủ đô. Thế nhưng, trong khi phòng đọc, thư viện, phòng tự học của sinh viên chưa có thì việc xuất hiện một tổ hợp kinh doanh, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ nhiều hơn là học tập.

Toàn bộ khoảng sân trước nhà C được tận dụng làm bãi gửi xe cho khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), tầng 1 của tòa nhà A, E, D được cho các cá nhân thuê mở quán cà phê. Những biển hiệu 8X Café, Galaxy, Con đường đặc sản…được thắp đèn sáng chưng suốt đêm rực rỡ. Ai mới bước chân vào, có lẽ nghĩ đây là chốn ăn chơi chứ không phải chỗ ở của sinh viên. Ngay cả hàng rào chắn bao quanh làng cũng được tháo ra để tận dụng “mặt tiền” đẹp cho kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Vân, từng sống tại Làng sinh viên Hacinco cho biết: “Tôi đã sống ở tầng 5 nhà E trong 4 năm. Nói chung về cơ sở vật chất cho sinh viên là rất tốt nhưng một vài năm gần đây Làng sinh viên bị thương mại hóa rất nhiều. Cách đây một tháng, ghé qua đây, tôi cảm thấy sốc về những hình ảnh Làng sinh viên hiện tại. Tất cả các khu vực đều bị biến thành nơi kiếm tiền. Nhà A từ tầng 1-3 làm khu cho thuê và văn phòng, nhà C và E bây giờ cho Khoa Quốc tế thuê. Tòa nhà 21 và 17 tầng mới được đưa vào sử dụng được vài năm giờ cũng thấy toàn văn phòng, công ty. Tôi thấy cái tên Làng sinh viên giờ không phù hợp nữa”.

Giờ để vào được Làng sinh viên là chuyện không hề đơn giản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, danh sách đăng ký chờ gọi vào làng sinh viên lên đến cả nghìn người. Từ năm 2011, mỗi năm chỉ có thêm khoảng vài chục sinh viên được vào làng. Trái ngược với việc sinh viên vào Làng sinh viên đầy khó khăn thì các hộ gia đình hoặc văn phòng lại dễ dàng thuê được. Bởi một lẽ, giá thuê phòng cho hộ gia đình cao hơn sinh viên đến một triệu đồng một phòng.

Thiết nghĩ trong bối cảnh nhà ở cho sinh viên vừa thiếu, vừa không đảm bảo chất lượng thì những căn hộ ở Làng sinh viên thực sự là niềm mơ ước với không ít sinh viên ngoại tỉnh. Tuy nhiên, việc đứng tên một nơi gọi là Làng sinh viên mà sinh viên ít, văn phòng thì nhiều khiến nhiều người.

Trao đổi với PV, ông Đinh Đại Cồ, giám đốc xí nghiệp dịch vụ và kinh doanh nhà Làng sinh viên Hacinco cho biết, hiện tại có 3.450 sinh viên đang cư trú trong làng sinh viên. Mức giá thuê phòng dao động từ 250 - 350.000 đồng/tháng. Chỉ có một vài phòng ở nhà A do thiết kế lỗi thời nên mới để cho doanh nghiệp thuê. Còn các căn hộ vẫn phục vụ đối tượng sinh viên là chính. Theo ông Cồ, hiện tại có 6 căn hộ tại nhà A, Làng sinh viên Hacinco có thiết kế cũ không phù hợp với nhu cầu sử dụng. Trong đó có căn hộ lên đến 150 m2, cho 24 người ở nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh nên gây bất tiện cho sinh hoạt của sinh viên. Chính vì thế, ban quản lý Làng sinh viên Hacinco đã cho một số công ty thuê lại làm văn phòng.

Hoàng Mai