"Lạnh gáy" với nhà thờ trưng bày xương người

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Cộng hòa Czech vốn nổi tiếng với những công trình xây dựng từ thời Trung cổ với phong cách kiến trúc gôtich. Trong số những kiệt tác đó có một công trình đặc biệt có một không hai: làm từ hơn 40.000 bộ xương người.

Hầm mộ Sedlec - 1 nhà thờ Thiên chúa giáo nhỏ nhắn, cổ xưa, nằm ngay bên dưới Nghĩa trang Các vị thánh ở vùng ngoại ô Kutná Hora (CH Séc) - là nơi quy tụ của hơn 40.000 bộ xương người lớn nhỏ. Có điều, hài cốt không nằm trong quan tài mà… nhảy nhót khắp nơi, thay thế cho đồ dùng và đồ trang trí.

Trước thế kỷ 13, vùng đất này là một khu nghĩa trang đơn sơ của làng. Vào năm 1278, ngài tu viện trưởng Henry người Sedlec viễn chinh đến miền đất thánh theo lệnh của nhà vua Bohemia lúc bấy giờ là Otakar II.

Khi trở về, ngài mang theo mình một nhúm đất Golgotha và rắc lên nghĩa địa. Từ đó người ta đổ xô đến vùng đất này để an táng cho người thân.

Vào những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, do nạn dịch hoành hành và cuộc nội chiến tôn giáo Hussite mà số người được an táng ở đây tăng vọt. Và đất thì có hạn nên người ta cho xây nhà thờ nhỏ này với một gian thờ như một hầm chứa để chứa những bộ xương được khai quật từ nghĩa trang, dành chỗ cho những “cư dân” mới.

Rồi đến lúc cả hầm chứa cũng đầy và vào năm 1870, một dòng họ có quyền thế ở địa phương là Schwartzenberg đã thuê nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng František Rint làm công việc kỳ quái là đưa những bộ xương từ hầm chứa lên, tạo thành các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mà bây giờ chúng ta được chiêm ngưỡng.

Giữa thế kỷ 15, một nhà thờ theo kiến trúc Gô-tich được dựng lên ngay chính giữa nghĩa trang, đồng thời mở thêm gian thờ nhỏ bên dưới, coi đó là hầm mộ cho những thi hài không khai quật trong quá trình tu sửa.

Đến mãi năm 1511, người ta mới tìm được 1 nhân vật đủ tài năng để khai quật hài cốt và bài trí xương xẩu, theo lưu truyền, đó là một thầy tu đã mù lòa 1 bên mắt.

Bốn ụ đất hình chuông khổng lồ nghiêm cẩn chiếm giữ 4 góc tối của nhà thờ. Chính giữa trần giáo đường lủng lẳng một ngọn đèn treo không kém phần “hoành tráng” - cũng là nơi duy nhất bạn tìm thấy không thiếu 1 loại xương nào thuộc cơ thể người, mỗi loại ít nhất 1 cái.

Ngay cả huy hiệu dòng họ Schwarzenberg và chữ ký của trưởng tu viện Rint cũng được tái tạo bằng xương, trưng bày ngay trước cửa ra vào.

Được biết ở Rome cũng có một hầm mộ xương người tương tự mang tên Santa Maria della Concezione dei Cappuccini.

Những sản phẩm được nhiều người quan tâm là chiếc vương miện và biểu tượng của nhà Schwartzenberg, chữ ký của nhà điêu khắc Rint, chiếc thập giá và chiếc chén thánh.Ngoài ra những hình ảnh về những con quạ đang rỉa xác chết, hay những con rắn chui ra từ hốc mắt đầu lâu… cũng thu hút người xem không kém.

Những bộ xương không được sử dụng hoặc được khai quật sau khi nhà thờ đã hoàn thành được đưa vào trong các ngăn chứa. Ước tính có hơn 40.000 bộ xương được sử dụng để thực hiện tác phẩm nghệ thuật có một không hai này.

Hiện nay có rất nhiều người vào tham quan nhà thờ có một không hai này, trong số khách tham quan, phụ nữ và trẻ em chiếm số lượng rất đông.

Một điều đáng ngạc nhiên là có rất nhiều phụ nữ và trẻ em vào tham quan nhà thờ, và theo quan sát của chúng tôi hầu như không có ai tỏ vẻ sợ hãi hay rùng mình mà ngược lại mọi người còn rất thích thú và chăm chú quan sát mọi hiện vật”- Một du khách cho biết.

Thủy Bình (tổng hợp)