Lão nông

Lão nông "vẽ" Hà Nội phố bằng giấy phế thải (2)

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Các bức tranh về phố cổ Hà Nội với những con phố cổ kính từ đầu thế kỷ trước được ông Đặng Hữu Tiến vận dụng vào tranh thật sinh động, nhiều màu sắc.

Ý tưởng làm tranh bằng những sợi giấy được ông Tiến ấp ủ từ hơn chục năm về trước. Qua nhiều lần mày mò, làm thử công cụ bị thất bại không làm bản thân ông nản chí. Sau bao công sức tìm tòi, năm 2001, ông và vợ bắt tay vào làm tranh giấy. Những sợi giấy mỏng manh được cắt từ chiếc máy cắt miến với nhiều màu sắc được ông cuốn rồi dán lên thành các bức tranh tĩnh vật.

Lạ & Cười - Lão nông 'vẽ' Hà Nội phố bằng giấy phế thải (2)

Hình ảnh chùa Một cột được tái hiện bằng tranh giấy.

Các đề tài trong tranh của ông thường thiên về Hà Nội cổ kính, tranh phong cảnh Hồ Gươm, chùa Một cột, Tháp rùa và cả con người Hà Nội. Dưới một góc nhìn hoàn toàn mới lạ về cảnh vật, con người Hà Nội xưa được ông vẽ bằng những sợi giấy. Các bức tranh về phố cổ Hà Nội với những con phố cổ kính từ đầu thế kỷ trước được ông vận dụng vào tranh thật sinh động, nhiều màu sắc.

Theo ông Tiến, tùy từng kích thước, đề tài mà cắt những sợi giấy dài ngắn, màu sắc khác nhau, nhưng tất cả cũng phải đạt được quy chuẩn của giấy như không lệch, không xước làm ảnh hưởng tới các công đoạn của bức tranh. "Các bức tranh có độ rỗng về chi tiết làm rất khó, làm như thế nào để các chi tiết không được "đạp" nhau. Khó nhất là uốn các chi tiết rỗng để tạo ra các hình, làm sao độ loãng nở phải chạy đều, thêm nữa là dán các sợi giấy đã cuốn vào từng chi tiết cảnh vật, đòi hỏi phải tỉ mỉ, làm chậm không được ẩu", ông Tiến cho biết.

Ông Tiến khoe với chúng tôi, ông đã làm khoảng 60-70 bức tranh về chùa Một cột, kích thước 60x60 được trưng bày trên phố Hàng Gai trong đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Ngoài đề tài là cảnh vật Hà Nội xưa, ông Tiến còn bắt tay vào làm các bức về tranh dân gian như Hứng dừa, Đám cưới chuột, Đánh ghen...

Ông Đặng Hữu Tiến chia sẻ với chúng tôi rằng, cuộc đời cho đi rồi sẽ được nhận lại. Còn nhớ những ngày đầu theo bố về quê lập nghiệp với bao vất vả, khó khăn nhưng ông đã vượt qua. Ngôi nhà hiện gia đình ông đang ở cũng do bàn tay của hai vợ chồng ông tự đào đất đóng gạch rồi gom góp tiền từ làm bưu thiếp xây nên. Khi cuộc sống đã phần nào bớt cực nhọc, lão nông có đam mê nghệ thuật lại quyết tâm mở xưởng làm tranh giấy, nuôi sống những ước mơ tương lai của cả gia đình. Đặc biệt, ông muốn tạo điều kiện cho thanh niên ở quê có việc làm.

Hiện tại, mỗi tháng ông thuê hơn 10 người cuốn giấy làm tranh, mức lương ông trả cho mỗi người là hơn 2 triệu đồng. Trăn trở lớn nhất khiến ông luôn day dứt là: "Liệu thuê người làm thì tranh của mình có còn chỗ đứng không?". Nhưng những người thợ tâm huyết, có năng khiếu cùng với sự kèm cặp của chính ông, những bức tranh làm ra vẫn đạt tiêu chuẩn và được mọi người yêu chuộng.

Một dự định lớn mà ông đang theo đuổi là thành lập một trung tâm từ thiện, đào tạo cho người khuyết tật làm nghề này. Với ông đơn giản chỉ là: "Điều gì tốt thì mình làm thôi, quan trọng là sống và làm được việc gì? Tôi hy vọng có thể tạo điều để các cháu có thu nhập và quan trọng là tìm được nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Bản thân tôi cũng đã trải qua những bước thăng trầm, khốn khó trong cuộc đời. Tôi hiểu phần nào sự khó khăn của các em".

Hiện tại, các mẫu tranh giấy như của ông Tiến đã xuất hiện nhiều trên thị trường. Không ít tác phẩm của ông bị làm nhái nhưng chỉ là những thứ đơn giản, còn các sản phẩm đòi hỏi chi tiết, cầu kỳ thì khó ai có thể làm và hiểu từng tiểu tiết như ông. "Cũng có thể thời gian nữa, các mẫu tranh giấy của tôi không đủ hấp dẫn? Lúc đó, tôi sẽ phải sáng tạo thêm nhiều thứ mới, mẫu mới. Luôn luôn thay đổi và làm mới mình thì mới có thể tồn tại được. Có thể, tôi sẽ kết hợp với hoa tươi ép và tranh sợi giấy, biết đâu cho ra những sản phẩm không tưởng", ông Tiến lạc quan.

Đỗ Thơm - Thanh Sơn

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.