Lão

Lão"thần y gàn dở" 25 năm chữa bệnh miễn phí

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Hai mươi mấy năm rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, lão "thần y gàn dở" vẫn không quản ngại nắng mưa trên những con đường và miệt mài với hành trình của mình: Chữa bệnh miễn phí. Sự hy sinh thầm lặng đó khiến bao con người phải cảm phục.

Giờ đây khi tuổi đã cao, dù không thể đi xa người đàn ông ấy vẫn một lòng vì "chữ tâm" với nghề của... Ngày nào yên chân ở nhà là ông lại thấy bứt rứt, thiếu cái gì đó. Có lẽ sự tận tâm, mải mê giúp người của ông là bản chất, là phong cách của anh chiến sĩ quân y ngày nào... ông là bác sỹ Đặng Cát (Ngụ tại Phường Nhật Tân- Quận Tây Hồ, Hà Nội) với quãng đường 74 tuổi đời và gần 25 năm chữa bệnh miễn phí...

Xã hội - Lão'thần y gàn dở' 25 năm chữa bệnh miễn phí

Ông Đặng Cát

Lão "thần y gàn dở" 25 năm chữa bệnh miễn phí

Ông Cát sinh năm 1938 quê ở Nam Định, trong một gia đình có truyền thống về nghề y. Sự tận tâm, mải mê giúp người của ông là bản chất, phong cách của anh chiến sĩ quân y Đặng Cát thời những năm 50-60. Thời trẻ, năm 1952, khi mới vào bộ đội, anh Cát "may mắn" được phân công làm y tá cho Đội Điều trị 2 của Cục Quân y, phục vụ khắp các chiến trường từ Tây Bắc đến Thượng Lào và sau đó được đơn vị cử đi học tại Học viện Quân y.

Cái nghề y đến với ông tự nhiên vậy đó. Sau 8 tháng học, bàn chân của người chiến sĩ quân y này đã từng đặt đến vùng Thượng, Hạ Lào, phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, ông không theo nghiệp y mà quay sang học sư phạm làm thầy giáo. Những tưởng cái nghiệp phấn trắng bảng đen sẽ là tương lai của ông nhưng lại một lần nữa, do lệnh điều động của đơn vị, năm 1962, ông Cát bỏ dở việc học để đi phục vụ chiến trường. Những ngày ấy, bàn chân ông xuyên rừng lội suối trong mưa bom bão đạn để cứu sống biết bao chiến sĩ ở chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An... "Có những chuyến đi rừng đến vài ngày, chúng tôi mới tới nơi khám bệnh", ông nhớ lại.

Năm 1966 ông được đơn vị gọi trở lại Hà Nội để học tại Học viện Quân y. Năm 1969, ra trường, ông lại tiếp tục ba lô con cóc lên Tây Bắc làm Chủ nhiệm quân y của Công an vũ trang Sơn La. 10 năm sau, ông trở về trường Sĩ quan Biên phòng tại Sơn Tây (nay là Học viện Biên Phòng) làm Chủ nhiệm quân y rồi nghỉ hưu năm 1989 với quân hàm trung tá. Lẽ thường tình khi nghỉ hưu, người ta tìm đến sự an nhàn vui vầy với con cháu. Nhưng ông Cát thì khác, chắc có lẽ bởi tận tình với nghề trở thành bản tính của ông cộng thêm về hưu lại thấy "ngứa nghề" ông chẳng chịu "yên phận".

Chính từ ngày "tự do" ấy, ông lại tự "cùm" mình, gánh trên vai gánh nặng "lo bệnh thiên hạ". Đầu tiên là việc bà con phường Nhật Tân thấy có ông bác sĩ nghỉ hưu nên đến nhờ đến khám, tiêm cho người nhà. Và rồi, tiếng tăm của ông ngày một vang xa bởi không những ông chẳng lấy tiền công mà một bữa cơm cũng khó mời nhưng lại khám chữa rất tận tình, chỉ cần có người nhờ là ông xách đồ nghề lên đường bất kể lúc nào... Nhớ lại, ông Cát nói: "Học chỉ là một phần, quan trọng phải biết suy luận và tiếp cận kiến thức thường xuyên. Vì vậy, đến giờ tôi vẫn chịu khó đọc sách, để không bị tụt hậu".

Tổng cộng đến giờ đã gần 25 năm, một quãng thời gian để có thể làm chúng ta cảm phục con người ấy. Hai mươi mấy năm không quản ngại nắng mưa, ông vẫn một lòng chữa bệnh cho người nghèo mà chẳng bao giờ lấy tiền của họ. Cách đây mấy năm người dân con phố này vẫn thường thấy ông lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi lại khắp các phố phường để chữa bệnh. Giờ đây khi bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm”, tuổi cao sức khỏe cũng giảm sút, ông chỉ ở nhà và thăm bệnh kê đơn thuốc.

Được biết lúc đầu cũng chỉ là đôi lời tư vấn về sức khỏe, tiêm thuốc, kê đơn cho những người xung quanh. Tiếng lành đồn xa, nhiều người biết và tìm đến với ông hơn. Ông "bác sĩ gàn" không lấy tiền chữa bệnh của ai bao giờ, mà đâu cần là ông tới đó, không quản đường xa, nắng nóng hay mưa lạnh. Nhưng thực ra, đâu phải đến lúc về hưu, ông mới khám bệnh miễn phí. Dường như nó đã trở thành cái tính của ông rồi. Khi tôi hỏi tại sao không lắp điện thoại cho tiện liên lạc? Ông cười bảo: "Tôi sợ điện thoại lắm vì nhỡ ra, nhiều người gọi quá mà mình bận, không đi được, thành ra mang tiếng với lại bây giờ tuổi cao đi lại cũng khó khăn, cũng không như trước đây không đi lại được nhiều nữa chú à".

Tuổi già nhưng vẫn một lòng "làm dâu trăm họ"

Ông tiết lộ: "Tôi lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái, các cụ bảo rằng, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, như vậy mỗi ngày tớ uống vài chục thang thuốc bổ rồi còn gì". Khi chúng tôi hỏi ông về công việc, ông chia: "Được người là được mình" - ông quan niệm đơn giản vậy. Cái được của nhiều người nhờ sự tận tâm chữa trị của ông cho sức khỏe của họ, còn cái ông được thì lại vô hình: Đó là cảm thấy mình có ích giữa đời.

Xã hội - Lão'thần y gàn dở' 25 năm chữa bệnh miễn phí (Hình 2).

Ông Đặng Cát đang trò chuyện cùng với phóng viên

Bà Bài (vợ ông Cát) cười nói: "Lúc nào mà ông ấy chẳng vui, trừ khi có bệnh nhân nặng khó qua khỏi mà ông ấy không giúp được thôi. Tôi thì chả sao cả, ông ấy giúp đỡ người ta là cái để phúc chú à". Ông Cát chia sẻ: "Cơm nước, sức khỏe cho tôi thì đã có người lo rồi, mình chỉ còn việc đi lo cho thiên hạ. Tôi lại có tiền lương hưu đủ phục vụ cho ăn uống nên tôi cũng chẳng phải lo gì, cũng chẳng mấy khi phải tiêu tiền, mình giúp đỡ được người ta coi như là cái tâm làm phúc cho đời...".

Có những người dân ở đây gọi ông là bác sĩ của người nghèo. Tôi thì chưa hẳn đồng ý với cách gọi đó. Có nhiều người bệnh là gia đình khá giả, nhưng họ vẫn cần đến ông bởi họ tìm thấy ở ông sự tin cậy, chân thành. Đâu chỉ chữa quanh quẩn ở cái phường Nhật Tân hay mảnh đất Hà Nội này nhiều lúc còn có người ở tận Huế, Nha Trang hay thậm chí cả Việt kiều ở Mỹ về cũng tìm đến ông chữa bệnh. Bệnh gì có thể chữa là ông dốc hết tâm, hết sức. Đó là lý do ông không bao giờ lấy của ai thứ gì bởi ông vẫn luôn tâm niệm: "Giá trị tinh thần mới là vô giá. Sức khỏe con người mới là vô giá".

Ông Cát bảo:"Ở đời, nhiều chuyện thương tâm lắm. Người dân đến viện là đủ thứ tiền, tiền mua sổ, tiền khám, tiền kê đơn, mua thuốc, tiền viện phí, người nghèo lấy đâu ra. Cách Hà Nội 30km thôi, còn nhiều người khổ lắm. Tôi chẳng có gì để giúp họ. Vì thế, tôi chỉ biết tư vấn, dùng kiến thức, kinh nghiệm của mình, giúp họ phòng bệnh, chữa bệnh, làm sao có sức khỏe ổn định lâu dài. Có khỏe, họ mới làm ra của cải vật chất, gia đình con cái mới ấm êm, hạnh phúc. Nghĩ thế, tôi đã thấy vui rồi, còn cần gì nữa".

Lần giở lại những kỷ niệm, ông Cát khoe một lá thư bất ngờ của một nhạc sĩ, gửi tặng ông bản nhạc bài hát "Thầy thuốc nghề cao quý". Thư viết ngắn gọn: "Thân tặng bác sĩ Đặng Cát, với lòng trân trọng, khâm phục của tôi, một thầy thuốc, một sĩ quan công an hiếm có", ký tên: Nhạc sĩ Ngọc Thanh, Câu lạc bộ âm nhạc gia đình tại Hà Nội. Ông Cát cảm động lắm, vì nhìn bản nhạc, chẳng biết giai điệu thế nào, nhưng ông cảm nhận được sự tin tưởng, tình cảm ấm áp của người bạn chưa bao giờ biết mặt này. Tôi cũng biết được rằng mới đây công ty Microsoft tặng ông huân chương về "Sự hy sinh thầm lặng" dành cho vị bác sỹ đáng kính này.

Ông nghĩ: "Đời không cho con thì trời cho con vậy". Mà quả thế, trời đã cho ông người vợ hết mực yêu chồng và những đứa con ngoan, đã trưởng thành. Trời cũng cho ông sức khỏe, sự minh mẫn, càng cuối đời, càng thấy tiền bạc, địa vị là phù phiếm mà thôi. Cái cần là tình người và sức khỏe...

Hoàng Việt- Văn Thịnh