Lật tẩy nhiều chiêu trò trong liên kết đào tạo thạc sĩ

Lật tẩy nhiều chiêu trò trong liên kết đào tạo thạc sĩ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Việc TTCP kiến nghị không công nhận 2000 bằng cử nhân, thạc sĩ trong chương trình liên kết đạo tạo mới đây đã tạo ra những tranh luận nóng về chuyện quản lý giáo dục hiện nay.

Những năm vừa qua, Việt Nam bùng nổ các hình thức đào tạo liên doanh, liên kết chương trình đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với các trường ĐH ở nước ngoài. Nhập nhằng, lạm dụng và có quá nhiều sai phạm là những từ ngữ chính xác để miêu tả hoạt động của các mô hình giáo dục này.

Xã hội - Lật tẩy nhiều chiêu trò trong liên kết đào tạo thạc sĩ

Mô hình liên doanh, liên kết đào tạo sau đại học của Việt Nam với nước ngoài vẫn là một bài toán chưa có lời giải thỏa đáng

Những con số giật mình

Kết thúc đợt thanh tra mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện hầu hết các đối tác liên danh liên kết đều chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng còn thấp hơn các trường của Việt Nam. Qua kiểm tra hồ sơ của 20 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của trường Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), TTCP phát hiện có 16 chương trình không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác; 12 chương trình có nội dung đề án không đầy đủ theo quy định. Hồ sơ sinh viên không có giấy báo trúng tuyển, tốt nghiệp MBA không phải viết luận văn và bảo vệ tốt nghiệp là những chuyện khó tin nhưng có thật và tồn tại khá phổ biến trong các hình thức đào tạo liên kết, liên doanh hiện nay. Có lẽ con số TTCP công bố chỉ là “giọt nước tràn ly”, còn trên thực tế, thực trạng này cũng đã được báo chí nhiều lần đề cập đến.

TTCP và nhiều cơ quan chức năng khác cho rằng, đào tạo liên doanh, liên kết cần đi đúng quy trình. Theo đó, TTCP sẽ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT xem xét quyết định không công nhận 2000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm - ETC (ĐHQG HN) cấp và bằng thạc sĩ do ĐH Kinh tế (ĐH QGHN) cấp.

Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị thanh tra toàn diện việc liên kết đào tạo với nước ngoài, có biện pháp xử lý các chương trình đào tạo chưa có giấy phép; thanh tra toàn diện công tác quản lí thu chi tài chính của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan. Đồng thời chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của ETC với Cty CP phần đầu tư phát triển giáo dục và du lịch sinh thái cho Cục Điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật.

Người theo học lên tiếng

Tuy nhiên, nói về loại hình đào tạo này, một doanh nhân tham gia khóa học MBA lại cho rằng: “Hầu hết các chương trình liên kết đều là MBA. Nếu hiểu quy trình MBA của nước ngoài thì đó là mô hình để mọi người kinh doanh có kinh nghiệm trong các lĩnh vực học hỏi lẫn nhau và tạo thêm mối quan hệ cộng đồng kinh doanh bền vững. Trong khi đó, hệ thống đào tạo thạc sĩ công của ta lại mang đậm tính lý thuyết và học thuật. Mặc dù, đầu vào của ta rất cao và chất lượng nhưng đào tạo chính quy liệu có đáp ứng được với yêu cầu từ các công ty và tổ chức xã hội?. Trong khi đó, những khóa cao học liên kết như thế này được lập ra đều do những giáo sư, tiến sỹ đầu ngành thực hiện. Uy tín của họ là những căn cứ để đảm bảo cho cả một quá trình đào tạo. Hãy nhìn vào cách nghĩ và tư tưởng của họ chứ đừng nhìn đến hành vi và văn hóa bằng cấp hiện tại của một số tầng lớp để kết luận cho một quá trình và xu thế mới”.

Mặc dù vậy, những sai phạm trong quá trình đào tạo liên doanh, liên kết của một loạt các trường đại học danh giá thời gian vừa qua vẫn khiến dư luận bức xúc, hoài nghi. Những cái tên danh giá như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm kĩ thuật TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh, ĐH Mở Hà Nội, thậm chí ĐHQGHN… lần lượt “nhúng chàm” khi bất ngờ bị thanh tra. Hầu hết các “tội danh vi phạm” của họ đều khó có thể châm chước như: Ký hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia. Năm trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép của Bộ. Hồ sơ lưu trữ các lớp liên kết của ĐH Vinh năm 2006 - 2008 còn không có danh sách thí sinh dự thi.

Làm bài thi từ bút bi “đặc biệt”?

Giáo sư Văn Như Cương - hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, những sai phạm về tuyển sinh ở các trường trên cần làm triệt để, để làm gương cho các trường khác. Không thể để tiến sĩ “giấy” được đào tạo một cách hời hợt, không chuyên môn rồi ung dung ra làm việc ở các cơ quan nhà nước được. “Tôi không thể tưởng tượng được là ở Việt Nam lại xảy ra chuyện vô lý như thế. Điều này chứng tỏ sự quản lý giáo dục từ trên là quá lỏng lẻo. Tôi còn biết, có trường cũng liên kết đào tạo với nước ngoài và yêu cầu thí sinh nộp tiền thi. Ai đã nộp tiền, sẽ được phát một cái bút bi “đặc biệt”. Bài nào được viết từ loại bút bi này thì sẽ được cho qua. TTCP cần nhổ tận gốc những con sâu làm rầu nồi canh này để trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Không phải cứ xin giấy phép liên kết đào tạo là các đơn vị liên quan muốn làm gì thì làm. Tất cả đều phải được làm đúng theo quy định của pháp luật, của Luật giáo dục. Nếu TTCP làm rõ những việc trái pháp luật, việc thu hồi lại những tấm bằng kia là hợp lý. Những người làm sai cũng phải bị xử lý theo quy định.

Trong khi TTCP vẫn tiếp tục đưa ra các bằng chứng khẳng định những sai phạm của mô hình đào tạo này ở Việt Nam thì một bộ phận doanh nhân lại đang cố ra sức bảo vệ tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ danh giá của mình. Họ đang tạo ra những tranh cãi nóng bỏng trên các diễn đàn.

Hé lộ nhiều sai phạm tại ETC

Theo TTCP thì từ năm 2008 - 2010, ETC được ĐH QGHN cho thực hiện liên kết đào tạo hệ cử nhân (159 sinh viên) và thạc sĩ quản trị kinh doanh (2.035 học viên) với hai đối tác nước ngoài là ĐH Griggs và ĐH Delaware. Tuy nhiên, việc liên kết này đã để xảy ra nhiều sai phạm. Thứ nhất, việc ETC chi thanh toán cho ĐH Griggs có trụ sở tại Hoa Kỳ nhưng lại chuyển 177,8 tỉ đồng vào tài khoản tại Singapore. Bước đầu xác định tài khoản này có liên quan đến bà Nguyễn Quang Hòa Bình, giám đốc ETC. Thứ hai, các hóa đơn chuyển tiền cho ĐH Griggs không có chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Dù được chi trả số tiền trên nhưng ĐH Griggs chỉ thực hiện 30-40% khối lượng công việc theo hợp đồng.

Lạc Thành – Bích Đào