Lễ khai giảng ấm áp với quà tặng ý nghĩa

Lễ khai giảng ấm áp với quà tặng ý nghĩa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Ánh mắt trong veo đến thơ dại của học sinh tiểu học vùng cao Trạm Tấu làm các thành viên đến tặng quà xúc động. Chúng tôi cảm nhận được sự biết ơn của các em qua ánh mắt ấy

Chúng tôi đến Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) vào tối muộn, trời se lạnh như mùa thu Hà Nội. 19h tối, cảnh vật và con người miền núi đã đi ngủ. Đường phố thị trấn - trung tâm của huyện vắng như ngày mùng 1 Tết nguyên đán ở Hà thành. Công việc chuẩn bị đã được đoàn và huyện thống nhất nhanh, dành thời gian nghỉ ngơi cho cuộc hành trình tiếp theo.

Xã hội - Lễ khai giảng ấm áp với quà tặng ý nghĩa

Ông Lê Tuấn Dũng và hiệu trưởng trường Tiểu học Trạm Tấu đang trao - nhận quà

Áo ấm đến nhiều trường tiểu học

Vì rất nhiều lý do, đoàn đi Trạm Tấu (Yên Bái) trao tặng quà cho học sinh vùng cao nhân ngày lễ khai giảng của báo Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin chỉ có ba thành viên, là ông Lê Tuấn Dũng - Phó Tổng biên tập, một cán bộ (của báo) và ông Nguyễn Văn Bổng - Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản An Thịnh - đại diện doanh nghiệp - hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình "Áo ấm tình thương" đợt này.

Dù ít người, nhưng đến Trạm Tấu, đoàn lại "bị" cán bộ huyện chia lẻ ra để cùng lãnh đạo huyện đến các điểm trường dự lễ khai giảng và trực tiếp trao quà. Đó là trường tiểu học Trạm Tấu, trường tiểu học xã Phình Hồ và điểm trường Tiểu học Lê Hồng Phong + trường mầm non Sao Mai của xã Hát Lìu.

Quả thật, lễ tựu trường của học sinh vùng cao đơn giản, ít màu mè và có thể nói là sơ sài hơn miền xuôi quá nhiều nhưng nếu được chứng kiến sự chuẩn bị rộn ràng của cán bộ ban ngành của huyện, xã cho ngày tựu trường đầu năm của học sinh, chúng tôi tin rằng, ai cũng đồng cảm với khó khăn của học sinh vùng cao.

Ngày hội khai trường của học sinh nơi đây không có cờ, hoa, bóng bay như học sinh miền xuôi, chỉ có những tiếng vỗ tay nhẹ nhàng…

Những cảm nhận chân thực

Ông Lê Tuấn Dũng - Phó Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin cùng ông Nguyễn Văn Khánh - Bí thư huyện ủy - đến dự lễ khai giảng và trao quà tại trường Tiểu học Trạm Tấu - cách trung tâm huyện 17km.

Tại điểm trường này có sự hiện diện của ông Phạm Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Vậy là quan chức địa phương, cơ quan báo chí, doanh nghiệp đã "gặp nhau" vì những học sinh khó khăn vùng cao...

Xúc động với những món quà mà báo và doanh nghiệp trao tặng, ông Khánh phát biểu: "Quả thực, nhận sự giúp đỡ của báo, doanh nghiệp ở Hà Nội, lãnh đạo huyện ủy, ủy ban, các ban ngành rất xúc động. Đó là sự phối kết hợp ý nghĩa để có những hình ảnh đẹp trong ngày khai trường của nhiều trường tiểu học ở Trạm Tấu".

Xã hội - Lễ khai giảng ấm áp với quà tặng ý nghĩa (Hình 2).

Ông Vũ Duy Bổng - Chủ tịch HĐQT công ty BĐS An Thịnh tặng áo cho học sinh trường Tiểu học Phì Hô

Ông Vũ Duy Bổng - Chủ tịch HĐQT - Công ty Bất động sản An Thịnh đã theo đoàn cán bộ huyện tặng quà ở tận xã Phì Hồ, cách trung tâm huyện Trạm Tấu hơn 40km. Muốn đến xã Phình Hồ, bắt buộc phải đi qua địa phận huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ thì mới tới. "Đặc sản" của vùng cao là thế đó - ông Chủ tịch HĐND huyện nói.

Đến đây, chứng kiến những ánh mắt ngời sáng, thích thú của các em học sinh khi cầm trên tay chiếc áo khoác cho mùa đông sắp tới được ấm áp - chắc chắn, nhiều người sẽ khóc vì xúc động. Học sinh lớp 3 nhưng chỉ nhỏ bé như các cháu mẫu giáo 4 - 5 tuổi ở dưới xuôi. Các em nhỏ bé, đen đúa, khuôn mặt vẫn còn ngơ ngác khi phải tạm xa gia đình để đến trường học tạm trú.

Và, những ai quan tâm đến trẻ em vùng cao, huyện đặc biệt khó khăn này sẽ còn suy nghĩ nhiều hơn nữa, khi vài học sinh lớp 4, 5 (người dân tộc Mông, các em sống trong các gia đình thuộc diện hộ nghèo) trường Tiểu học Trạm Tấu nói: "Từ nhỏ đến giờ, cháu chưa được mặc cái áo mới như thế này bao giờ". 10,11 tuổi mà chưa từng 1 lần được mặc áo mới - có đáng để chúng ta khóc và yêu cái quyết tâm đến trường trong khó khăn, giá lạnh của các em không?

Ông Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư huyện ủy chia sẻ: "Lời nói của các em rất chân thực. Trẻ nhỏ không biết màu mè, với trẻ em người dân tộc, chẳng ai dạy được các em nói khác với cuộc sống thực tế của mình. Không chỉ những em này mà nhiều học sinh tiểu học khác ở huyện Trạm Tấu cũng trong tình trạng như vậy.

Nhiều em không được cha mẹ cho đến trường nhưng vì thầy cô đến từng nhà vận động, các em đi học trong sự miễn cưỡng của cha mẹ. Họ không muốn cho con đi học vì nhiều lý do. Trong đó, lý do cơ bản nhất là do gia đình quá nghèo".

Ông Phạm Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBDN tỉnh Yên Bái khẳng định: "Mùa đông ở vùng cao dài hơn miền xuôi và thường có rét đậm. Chương trình "Áo ấm tình thương" mà báo Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin khởi xướng, cùng sự ủng hộ về kinh phí của Công ty An Thịnh thực hiện tại các trường Tiểu học huyện Trạm Tấu có ý nghĩa xã hội rất lớn.

Chúng tôi rất cảm ơn và trân trọng những tình cảm này. Tôi mong muốn báo và doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành với học sinh miền núi, chia sẻ những khó khăn với các em".

Học tập chương trình làm từ thiện của Báo và doanh nghiệp, năm học 2102 - 2013, UBND huyện Trạm Tấu đã phát động phong trào cán bộ toàn huyện thực hiện phong trào kho thóc khuyến học để ủng hộ thóc, gạo cho các trường, lấy lương thực nấu ăn cho học sinh bán trú. Được biết, học sinh bán trú ở các điểm trường vùng cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn, được đi học là tốt cha mẹ không có điều kiện. Thực hiện phong trào kho thóc khuyến học, Công an huyện Trạm Tấu đã ủng hộ 1,2 tấn thóc, riêng Trưởng công an huyện ủng hộ 200 kg thóc. Khi nhận áo, các thầy cô cùng với đại diện báo và doanh nghiệp cùng mặc áo cho các cháu, cô Cao Thị Hợp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Hát Lìu) xúc động nói: "Áo 3 lớp, dày dặn, rộng rãi quá. Chắc các đồng chí ở báo và doanh nghiệp không hình dung được học sinh ở đây hình dáng nhỏ bé đến thế. Thay mặt nhà trường, chúng tôi trân trọng cảm ơn báo Đời sống & Pháp luật và doanh nghiệp đã đem đến sự ấm áp cho học sinh trong mùa đông giá lạnh này".

P.V