Lo chữa bệnh, quên bảo vệ môi trường

Lo chữa bệnh, quên bảo vệ môi trường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Suốt 13 năm thành lập, bệnh viện không hề đề án bảo vệ môi trường mà xả thải ra khu dân cư.

Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (ĐD&PHCN) Trung ương (Sầm Sơn, Thanh Hóa) được thành lập vào ngày 30/7/1999, với quy mô 260 giường bệnh. Hiện tại bệnh viện đang xây dựng khu điều trị mới cao 12 tầng với 400 giường bệnh. Nhìn vào cơ sở khang trang ấy không ai nghĩ rằng, môi trường xung quanh bệnh viện lại ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân nơi đây, kể từ khi thành lập đến nay, nguồn nước thải của bệnh viện đều đi chung với đường dẫn nước thải của khu dân cư.

Xã hội - Lo chữa bệnh, quên bảo vệ môi trường

Trụ sở Bệnh viện ĐD&PHCN Trung ương

Những ngày thời tiết mưa nắng thất thường, nước rửa phim X-quang, cùng các loại nước khác xả trực tiếp ra ngoài bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc. Chưa dừng lại ở đó, người dân nơi đây còn thường xuyên phải hít khói đen mỗi khi bệnh viện đốt rác và các phế thải y tế. Trong quá trình xử lý, tro bụi bay mù mịt vào nhà dân xung quanh, mùi hóa chất bốc lên bao phủ cả một vùng. Tuy vậy, dân cư xung quanh không còn có cách nào khác ngoài việc chấp nhận sống chung với lũ.

Theo anh Trần Học Giáp, người được giao phụ trách lò đốt, lượng rác thải y tế nguy hại phát sinh thu gom chỉ khoảng 4kg/ngày, thời gian 2 ngày đốt một lần. Các loại đốt được chủ yếu là bơm tiêm, túi nhựa, số còn lại như chai lo thủy tinh thì được thu gom và chôn lấp tại 4 hố đất gần lò đốt, tổng khối lượng đã chôn lấp khoảng 6m3. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, so với quy mô của một bệnh viện Trung ương với 260 giường bệnh, những con số trên dường như chưa phản ánh đúng thực trạng rác thải y tế nơi đây.

Chị Vũ Thị Vân, người phụ trách khoa chẩn đoán hình ảnh cho biết: “Hiện toàn bộ lượng nước rửa phim X-quang chảy theo hệ thống thoát nước của bệnh viện ra môi trường. Khoa cũng không lưu giữ nước chụp X-quang. Tại khu vực lò đốt có 4 hố chôn chất thải y tế, nhiều chai lọ, thủy tinh, kim tiêm vẫn còn chưa cháy hết”.

Được biết, ngày 24/11/2011, Phòng cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản đối với Bệnh viện ĐD&PHCN Trung ương. Từ kết quả kiểm tra, đơn vị này đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Bệnh viện ĐD&PHCN Trung ương. Ngày 26/12/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Bệnh viện ĐD&PHCN Trung ương mức phạt 208 triệu đồng. Theo kết luận, bệnh viện đã không lập đề án bảo vệ môi trường, chôn lấp chất thải rắn không đúng quy định…

Ngoài hình thức phạt tiền, tại quyết định nói trên, UBND tỉnh Thanh Hóa còn buộc bệnh viện phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường và đầu tư hệ thống xử lý môi trường theo quy định của pháp luật. Được biết, sau khi bị xử phạt, bệnh viện đã có văn bản xin miễn hoặc giảm mức phạt, nhưng không được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận.

Hiện tại, Bệnh viện đã tiến hành lập Đề án đánh giá tác động môi trường với Trung tâm quan trắc và xây dựng thêm bể phốt để chứa chất thải rắn sau khi đốt. Tuy nhiên, qua quan sát, vấn đề chúng tôi thấy quan ngại là liệu diện tích của những bể chứa ấy có đủ sức chứa khối lượng rác của một bệnh viện hoạt động với quy mô 260 giường bệnh hay không?. Đó là chưa kể đến 400 giường bệnh tại khu điều trị mới đang được xây dựng sẽ đi vào hoạt động trong tương lai.

Hiện tại những người dân xung quanh bệnh viện vẫn từng ngày sống trong lo lắng và mong chờ hệ thống xử lý rác thải sớm đi vào hoạt động, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.

Các vi phạm đều do nguyên nhân chủ quan

Ông Trịnh Viết Xuân, gíam đốc Bệnh viện cho biết: “Trước đây, bệnh viện đã được Bộ Y tế chỉ đạo lập đề án xử lý nước thải, chất thải rắn để bảo vệ môi trường, nhưng do nhiều lý do, đến nay công tác đó chưa thực hiện được. Chúng tôi xin nhận lỗi và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước lãnh đạo Bộ Y tế. Việc xử lý chất thải y tế có nguy cơ phơi nhiễm mầm bệnh và ô nhiễm môi trường. Các lỗi đều do nguyên nhân chủ quan của bệnh viện”.

Hưng Trung