"Loạn học thêm và lạm thu không thể đổ cho chính sách"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
"Cần phải cụ thể hóa những quy định để chấn chỉnh học thêm, lạm thu trong Luật Giáo dục, lấy đó làm thước đo mọi chuẩn mực", GS.TSKH Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ thẳng thắn.

Ban phụ huynh bị... giật dây?

Thưa ông, thời gian vừa qua, có nhiều phụ huynh phản ánh về tình trạng lạm thu, học thêm đầu năm học, ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Đây là “điệp khúc” không hay của ngành GD&ĐT, nó tồn tại nhiều năm rồi. Tuy nhiên hiện nay đầu năm học thì nó càng trở nên “nóng” hơn cũng là điều dễ hiểu. Các trường cũng muốn có những khoản thu cụ thể để chi phí cho một năm học, đầu tư cơ sở vật chất của năm học đó. Còn phụ huynh thì ngoài khoản chuẩn bị đầu năm học cho các con như quần áo, sách vở...thì cũng đau đầu với nhiều khoản thu mà nhà trường đề ra, dĩ nhiên chả ai muốn phải đóng nộp nhiều cả.

Tôi nghĩ việc bức xúc của phụ huynh về các khoản thu của nhà trường là điều có thật. Tuy nhiên, phụ huynh cần hiểu và phân tích rõ những khoản thu, mức độ thu của nhà trường có đúng theo Luật Giáo dục không? Những khoảng thu nào nằm ngoài quy định của đó không, có được các cấp thẩm quyền của địa phương duyệt hay chưa?

Xã hội - 'Loạn học thêm và lạm thu không thể đổ cho chính sách'

Nghĩa là bức xúc, phản ánh của phụ huynh đôi khi cũng cần phải xem xét?

Và chuyện nhiều phụ huynh phản ánh về việc các trường lạm thu dịp đầu năm, tôi nghĩ trước khi bày tỏ bức xúc này phụ huynh nên đối chiếu kỹ với các văn bản quy định của pháp luật, xem đã hợp lý hay chưa. Nếu một khi các khoản thu đó bất hợp lý thì do quá trình thực hiện chưa tốt chứ không thể bảo là chính sách chưa tốt được.

Nhưng thực tế, có nhiều trường để tạo ra sự tự nguyện đóng góp thường “đẩy” thông báo, thu tiền về Ban phụ huynh học sinh, lấy ý kiến trong cuộc họp nên ai phản đối lại bị coi là… không hết lòng vì con em. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Liên quan đến vấn đề lạm thu, tôi cho rằng phải có cơ chế cho ban phụ huynh hoạt động độc lập mà không bị nhà trường giật dây, các khoản thu tự nguyện phải thể hiện đông đảo nguyện vọng của phụ huynh chứ không phải do một cá nhân nào áp đặt. Nếu không thỏa thuận được thì nên bỏ phiếu kín.

Học thêm nhiều một phần do tâm lý phụ huynh

Vậy ông nghĩ sao khi mới đi học hè, ôn lại kiến thức năm cũ giáo viên nhiều trường đã chủ động thông báo lịch học thêm. Tại sao khi ngành giáo dục vẫn cấm dạy thêm mà tình trạng này vẫn cứ bùng phát?

Tôi nghĩ các năm vừa qua, dư luận đã bình luận nhiều phát biểu nhiều về vấn đề này. Trên diễn đàn Quốc hội, tôi cũng đã có nhiều phát biểu liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm. Mới đây, ngành giáo dục cũng có quy định mới rõ ràng của bộ GD& ĐT về vấn đề dạy thêm học thêm. Điều này đã khẳng định sự nghiêm túc của cơ quan quản lý về việc này. Tôi cho rằng, một khi đã có quy định rõ như vậy thì cần phải thực hiện thật nghiêm túc, khách quan từ trên xuống, không để xảy ra tình trạng bao che, làm chui. Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, bản thân nhiều vị phụ huynh, ngoài học ở trường còn bắt con đi học thêm đủ thứ, với mong muốn con mình thành thần đồng, thành chuyên gia. Đó là cách làm sai lầm mà nhiều phụ huynh đang mắc phải, mặt khác nếu phụ huynh tiếp tục làm cái sai đó sẽ làm khó chính giáo viên của con mình.

Không chỉ dạy thêm, nhiều giáo viên chủ nhiệm còn tổ chức cho cho các thầy cô bộ môn dạy thêm. Thực tế này khiến việc dạy thêm càng lộn xộn, theo ông chúng ta cần có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Chính vì vậy quy định lần này không cho phép giáo viên trường công lập trở thành các “ông bầu” về dạy thêm nữa. Quy định cũng không cho phép giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Điều này chắc chắn người đứng đầu phải có trách nhiệm và tùy từng mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Từ việc loạn lạm thu và loạn dạy thêm hiện nay, có ý kiến cho rằng, có một bộ phận không nhỏ nhà trường, giáo viên đang chạy theo xu hướng thương mại hóa?

Vấn đề đặt ra là phải xem xét khoản thu, yêu cầu học thêm có xuất phát từ nhu cầu đúng đắn và hợp với quy định hay trái với quy định thì mới bàn luận được. Chúng ta chưa vội kết luận ngay được, và nếu chỉ dựa vào một bộ phận giáo viên có biểu hiện đó mà đánh giá họ đang thương mại hóa trường học thì tôi e cũng hơi quá.

Ngay cả trong quy định mới cũng đề cập rất cụ thể vấn đề dạy thêm, học thêm và hoàn toàn không nói đến cấm dạy thêm. Do đó cũng không thể đánh giá dạy thêm là xấu được. Vấn đề là học thêm đó có phù hợp với quy định của bộ hay không mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

V.Hà- Q. Triều