Bị hàng xóm 'bạo hành', tố cáo ở đâu?

Bị hàng xóm 'bạo hành', tố cáo ở đâu?

Thứ 7, 06/07/2013 | 09:24
0
Người dân liên tục phải hứng chịu những kiểu "bạo hành" của những người hàng xóm đã khiến cuộc sống và điều kiện đảm bảo an ninh trật tự bị đe dọa nghiêm trọng.

PV báo Nguoiduatin.vn có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM về các vấn đề pháp lý liên quan đến sự việc này.

Tố cáo ngay, nếu có dấu hiệu vi phạm

Bị hàng xóm "bạo hành" trong một thời gian dài, nhiều người viết đơn tố cáo gửi chính quyền địa phương để can thiệp. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc chỉ dừng lại ở mức độ hòa giải, nhắc nhở. Sau đó, các vụ "bạo hành" ngày càng tăng khiến nhiều hộ gia đình chịu không nổi đã tự chuyển nhà. Vậy để vụ việc được giải quyết triệt để, người dân nên tìm đến cơ quan nào giúp đỡ?

Khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, người dân cần tố cáo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền ở cấp xã, cấp huyện, cơ quan công an, thanh tra chuyên ngành, Sở Tài nguyên & Môi trường, hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác. Tại Điều 19 Luật Tố cáo năm 2012 quy định: Công dân có thể tố cáo bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ.

Luật sư - Bị hàng xóm 'bạo hành', tố cáo ở đâu?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM.

Ông có thể nói rõ hơn về các thủ tục pháp lý liên quan, khi người dân thấy quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại?

 Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp, thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo, hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên, hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung cần tố cáo.

Với những đối tượng có hành vi côn đồ tự ý xông vào nhà dân đánh người, đập phá tài sản trong nhà sẽ bị xử lý như thế nào? 

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà các đối tượng trên có thể bị xử lý hành chính hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hành chính, tại Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 quy định: Khi đối tượng có hành vi đánh nhau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng. Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 2- 5 triệu đồng theo quy định của Điều 18 Nghị định 73/2010/NĐ-CP.

Về xử lý hình sự: Theo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, hành vi đánh người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác với tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thuộc một trong các trường hợp như dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người nhất là đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Trường hợp phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người sẽ bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. Bên cạnh đó, hành vi hủy hoại, đập phá đồ đạc, tài sản của người khác cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử lý thế nào là thoả đáng?

Không chỉ bị đập nhà cửa, nhiều người dân còn bị "hàng xóm"có thói đố kỵ, ganh ghét dùng những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ nhân phẩm ở bất cứ nơi đâu. Gặp phải trường hợp này người dân nên áp dụng biện pháp nào để tố cáo thủ phạm? Theo ông, những trường hợp có lối hành xử phạm pháp trên bị xử phạt như thế nào là thỏa đáng?

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân khi gặp phải những trường hợp này cần đến báo cáo ngay với cơ quan công an phường, xã hoặc UBND nơi gần nhất về hành vi vi phạm. Theo Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 quy định hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng - 200 ngàn đồng. Ngoài hình thức xử phạt trên lãnh đạo chính quyền địa phương, tổ dân phố trên địa bàn dân cư có thể đưa sự việc nói trên ra nhắc nhở, cảnh báo người vi phạm.

Hiện nay, nhiều người thường xuyên gây ra tiếng ồn lớn vào ban đêm khiến gia đình xung quanh không ngủ được, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Thưa luật sư, quy định pháp luật xử lý vấn đề này như thế nào?

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn áp dụng cho các khu vực có người dân đang sinh sống làm việc được quy định cụ thể: Từ 6h đến 21h giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là 70 dBA. Từ 21h đến 6h, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 55 dBA.

Theo Điều 12 Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Các cá nhân, tổ chức có hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 1,5 lần trong khoảng thời gian từ 6h - 22h sẽ bị phạt tiền từ 2- 5 triệu đồng.

Trường hợp gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dưới 1,5 lần trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau sẽ bị phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng. Mức 30-50 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 6h đến trước 22h. Phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau. Dù có quy định rõ ràng nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bỏ ngoài tai những quy tắc áp dụng trên.             

Xin cảm ơn ông!   

QUYÊN TRIỆU

Bé trai hai tháng tuổi bị bạo hành dã man

Thứ 2, 24/06/2013 | 12:35
Bé trai vô danh, 2 tháng tuổi, nặng 3,8kg, bị chấn thương phần mềm ở đầu do người lớn bạo hành.

Người phụ nữ bị chồng hờ bạo hành suốt 12 năm

Thứ 4, 17/04/2013 | 13:41
Sau khi bị chồng hờ hành hung và lăng mạ, chị Sinh (đã đổi tên) phải nhập viện cấp cứu.