Lùng bùng quy định miễn giảm học phí sinh viên

Lùng bùng quy định miễn giảm học phí sinh viên

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Quy định mới về thực hiện miễn giảm học phí cho những sinh viên thuộc diện chính sách đang khiến nhiều sinh viên khó khăn hơn trong việc nhận được khoản tiền hỗ trợ này. Hiện hàng nghìn sinh viên vẫn chưa nhận được tiền miễn giảm học phí.

Sinh viên vẫn mòn mỏi chờ tiền

Không giống như quy định trước đây, sinh viên được miễn giảm học phí trực tiếp tại trường ĐH, CĐ - nơi sinh viên đó theo học. Quy định từ năm nay, sinh viên vẫn phải đóng 100% học phí tại trường rồi lấy xác nhận để về địa phương nhận lại khoản tiền hỗ trợ đó. Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2010 những thủ tục đề nghị cấp học phí đã hoàn tất nhưng nhiều sinh viên vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ các địa phương.

Cho đến thời điểm này, dù đã bước sang học kỳ 2 nhưng sinh viên Phan Thành Luân, khoa Quản lý tài nguyên môi trường, trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội vẫn chưa hề nhận được tiền hỗ trợ miễn học phí do phòng LĐTB&XH huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu chi trả. Luân là con em vùng sâu vùng xa, theo quy định sẽ được giảm 100% học phí.

Gia đình Luân có hoàn cảnh khó khăn, lo liệu cho Luân được đến trường là một điều vô cùng khó khăn. Năm nay, theo quy định mới gia đình Luân phải "vay nóng" để có tiền đóng học phí, chờ đến khi nào có tiền từ phòng LĐTB&XH sẽ trả lại. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đã đóng tiền học phí ở trường ĐH đã được gửi đến phòng nhưng đã mấy tháng nay gia đình em vẫn mòn mỏi chờ đợi mà chưa thấy tiền về.

Sinh viên vẫn mòn mỏi ngóng tiền miễn giảm học phí

Tương tự như trường hợp của Phan Thành Luân, Lại Xuân Tào (quê Sơn La), sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chưa hề nhận được tiền hỗ trợ. Gia đình sinh viên này đã nhiều lần lên gặp phòng LĐTB&XH để hỏi về việc chi trả số tiền hỗ trợ nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

Theo nhiều sinh viên, việc họ chưa nhận được tiền là do các phòng LĐTB&XH cho rằng học phí nhà trường thu cao hơn mức trần học phí mà Nghị định 49 quy định.

Sở LĐTB&XH lúng túng

Hiện nay, do nhiều trường áp dụng học theo hình thức tín chỉ, tức mỗi sinh viên được quyền đăng ký số môn học tùy vào khả năng học tập và sự bố trí thời gian cho phù hợp với nguyện vọng của từng cá nhân. Vì thế nếu sinh viên nào có năng lực và thời gian có thể đăng ký nhiều môn học trong một học kỳ và tốt nghiệp trong vòng 3 năm.

Ngược lại, có sinh viên sẽ phải học đến 6 năm mới có tấm bằng ĐH. Điều này dẫn đến việc, mỗi sinh viên, tùy vào số môn đăng ký học trong năm học đó mà có mức đóng học phí khác nhau. Người đăng ký nhiều tín chỉ sẽ có số tiền học phí cao hơn mức khung quy định.

Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương lại thực hiện chi trả cho sinh viên dựa vào mức trần học phí mà Nghị định 49 đã quy định. Vì thế, với những trường hợp sinh viên có giấy báo đóng học phí cao hơn khung thì các Sở LĐTB&XH tỏ ra lúng túng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐTB&XH Lai Châu cho biết: "Công tác chi trả tiền hỗ trợ cho các sinh vên thuộc diện chính sách đã được tiến hành. Sở đã cấp cho mỗi sinh viên một sổ ưu đãi giáo dục. Sinh viên đó cần chứng minh đang học ở trường nào và mức đóng học phí là bao nhiêu cùng một vài giấy tờ khác sẽ được các phòng LĐTB&XH tiến hành trả tiền".

Với những sinh viên có mức đóng học phí cao hơn khung quy định, theo ông Dũng Sở LĐTB&XH Lai Châu vẫn cấp theo mức trần học phí của nhà nước. Sở sẽ nhận tiền từ cấp trên theo mức trần học phí mà nhà nước quy định trong khi thực tế nhiều sinh viên có mức đóng cao hơn. Ông Dũng cho rằng, nếu không có chỉ đạo Sở sẽ thực hiện chi trả theo đúng mức trần học phí, sinh viên nào học nhiều và có mức học phí cao hơn sẽ phải trả thêm số tiền đó.

Ông Lê Bắc Hải, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Sơn La cho biết: Hiện Sở đã triển khai và các huyện đang tổng hợp các đối tượng để tiến hành chi trả tiền. "Cho đến nay mới chỉ có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 49. Thông tư hướng dẫn chi trả ở đâu, chi trả thế nào... còn chưa thấy nói đến việc giải quyết những sinh viên có mức học phí cao hơn khung quy định, hoặc chệch với khung. Sở sẽ lưu tâm đến việc này và chắc chắn sẽ có ý kiến với Bộ để giải quyết thỏa đáng cho sinh viên" ông Hải cho biết.

Lý do tiền vẫn chưa về đến với dân, theo nhiều Sở LĐTB&XH là do họ còn chưa biết xử lý ra sao với những sinh viên có mức học phí vượt trần. Tuy nhiên các trường ĐH, CĐ cho rằng họ không hề thu cao hơn mức trần học phí.

Ông Phạm Quang Vũ, Phó trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết, tổng học phí 4 năm chia theo số tín chỉ sẽ ra số tiền của từng tín chỉ. Mỗi sinh viên có quyền được đăng ký số lượng tín chỉ khác nhau trong một học kỳ tùy theo nhu cầu của họ.

Sinh viên sẽ tích lũy đủ số tín chỉ yêu cầu trong suốt quá trình học. Có thể kỳ này sinh viên học nhiều tín chỉ thì phải đóng nhiều tiền học phí nhưng kỳ sau học ít thì phải đóng ít. Tổng cộng số tiền học phí trong cả quá trình học là một con số không đổi, không cao hơn trần.

Ông Vũ cho rằng, nhà trường đã thu đúng còn công tác chi trả cho các sinh viên thuộc diện chính sách như thế nào là do các phòng LĐTB&XH. Nếu các phòng LĐTB&XH không trả tiền căn cứ vào số tiền thu ở phòng tài vụ của các trường ĐH, CĐ mà dựa mức trần học phí như quy định thì cũng cần trả đủ số tiền học phí ấy trong suốt thời gian sinh viên theo học.

Nhìn nhận lại việc chi trả tiền hỗ trợ học phí, ông Vũ cho rằng: "Các trường thu đúng, làm đúng và không vượt trần. Nhưng việc các phòng LĐTB&XH kêu khó khăn trong việc chi trả cũng là điều dễ hiểu.

Đó là bất cập mà các trường ĐH, CĐ khó có thể giải quyết được, muốn giải quyết được phải do liên Bộ. Đào tạo tín chỉ do Bộ GD&ĐT quy định, trả tiền hàng năm là do Bộ Tài chính quy định. Vậy trả tiền theo kiểu đào tạo tín chỉ như thế nào thì liên Bộ phải bàn để cởi trói chỗ đó. Nút thắt đó phải được cởi thì các trường mới làm được và các phòng LĐTB&XH mới không bị lúng túng, tiền mới sớm đến được với sinh viên khó khăn".

Thành Huế