Ly kỳ săn “cá thần” ở phá Tam Giang

Ly kỳ săn “cá thần” ở phá Tam Giang

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Ở phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế), ngày xưa ngư dân gọi con cá Vược (hoặc Vượt) là ‘Hà Bá” bởi theo truyền thuyết, đây là một giống cá thiêng, từ xưa đến nay không ai dám đánh bắt, ăn thịt. Trong thực tế, loài cá hung dữ này dài có thể đến 2m, nặng đến hơn 100kg đã có lúc hại người, ăn thịt các loài cá khác.

Thế nhưng anh em lão ngư Nguyễn Dồn, Nguyễn Dàng (ngụ thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) từ 60 năm nay đã là "sát thủ" của loài cá dữ này.

Linh thiêng cá Vược

Trong ngôi nhà hướng ra đầm phá Tam Giang mênh mông sóng nước, cụ ông Nguyễn Dồn (82 tuổi) kể về truyền thuyết cá Vược. Theo lời ông Dồn, cá Vược thuộc giống cá lớn, tính rất hung dữ, nhiều ngư dân ven biển từng khiếp vía với nó: "Con cá Vược tạp ăn, nó ăn sạch cá nuôi, phá rách lưới của bà con, có khi còn cắn đứt cả chân người đang bơi và có thể còn ăn cả những xác người chết đuối. Tuy nhiên không ai dám bắt nó...".

Theo lời giải thích của ông: "Thời xưa nghe cha ông kể rằng đây thuộc giống cá thiêng, là phương tiện đi lại của thần linh trên biển. Chính vì vậy mới có tên cá ông, cá thiêng". Không chỉ nghe cha ông kể lại mà bản thân ông từng chứng kiến nhiều chuyện kì lạ khi săn bắt cá Vược giữa đầm phá: "Ở làng này từng có người dám bước qua truyền thuyết mà cả gan săn Vược bị tan hoang cửa nhà, con cái đau ốm triền miên. Hay người ta còn quan niệm khi thuyền đang chạy gặp con Vược nằm ngửa bụng (cá chết) hoặc nó lao lên thuyền thế nào cũng có điềm dữ xảy ra nên phải quay thuyền về ngay. Nếu không tuân theo, nhẹ lắm thì lật thuyền, nặng thì người nhà chết".

Còn theo lời ngư ông Nguyễn Dàng (84 tuổi), giống cá Vược thường sống dưới các miếu thờ hay cột cờ phướn mà ngư dân dựng nên giữa đầm nước để cầu nguyện điều may mắn. Ông Dàng cũng cho hay chính nơi cư ngụ này khiến nhiều người không dám đụng đến cá Vược hay thích thú gì khi "ngài" xuất hiện (tên ngư dân gọi cá Vược). "Những đêm ngủ trên chồ (chòi canh giữa phá) có lúc giật mình bởi tiếng quẫy vùng của "Ông" (một tên gọi khác của cá Vược), âm thanh chúng đạp nước như tiếng súng nổ. Có con to dài đến gần 2m, hung dữ chẳng khác nào con hổ trên rừng", ông Dàng so sánh.

Sự thiêng liêng, kì bí mà con người tô vẽ cho giống cá vược khiến không ai dám đánh bắt chúng, thậm chí thấy bóng dáng cá vược từ xa đã vội quay mũi thuyền. Tuy nhiên với anh em ông Nguyễn Dàng, Nguyễn Dồn đó chỉ là "chuyện bịa đặt". Từ lúc tròn hai mươi, hai anh em ngư ông đã "chinh chiến" trên biển, xem mặt biển là nhà, nền thuyền là giường.

Có lẽ bởi vậy nên với hai ông chuyện bắt "cá ngài" chẳng khác nào bắt con tôm, con cá giữa biển. Lão ngư Nguyễn Dàng lấy làm khoái chí: “Thấy cá Vược phá hoại dữ quá nên anh em tui quyết sắm đồ nghề, đan lưới chắc bắt chúng bằng được, con người mình chẳng nhẽ sợ một giống cá".

Mặc dù người nhà không ít lần can ngăn, bảo rằng "có kiêng cữ có hơn" nhưng anh em lão ngư quyết không nhùn chí, bà Trần Thị Niệm, vợ ông Dàng nhớ lại: "Nghe hàng xóm đồn thổi giống cá dữ tui sợ lắm, nhỡ may ông nhà có chuyện gì thì mẹ con tui biết sống răng đây". Ông lão sang sảng giọng nạt nộ vợ: "Thì bà thấy đấy, bắt cái giống cá dữ này đi cho nó khỏi hại người, khỏi ảnh hưởng đến việc đánh bắt loài cá khác của ngư dân là việc tốt. Mấy chục năm rồi đâu đã thấy ma tà quỷ quái gì".

Bí kíp săn cá dữ

Bí kíp đầu tiên khi săn loài cá này, theo hai lão ngư là trước khi đi săn cá không ai được nói với ai về việc sẽ đi bắt "cá thần". "Cứ lẳng lặng mà làm, nhìn vào mắt nhau để hiểu ý hoặc ra ám hiệu, tuyệt đối không nhắc đến chữ Vược, nếu không thì ít khi bắt được lắm", ông Dồn giải thích.

Hai ngư ông cho biết khi đi săn loài "hổ dưới nước" này, họ chỉ thường dùng tay không, ngoại trừ "công cụ hỗ trợ" là 2 lớp lưới chắc chắn bủa vây vòng ngoài. Ông Dành tả: "Sau khi bủa lưới theo trận pháp, sáu người đàn ông "tùm" xuống nước xua cá vào bẫy, con cá lồng lộn sẽ tìm cách tung người ra ngoài. Khi đó mình phải nhanh như chớp chụp lấy đầu cá rồi quật ngửa con cá trên tay, sau đó dùng dây buộc chặt".

Hai ông Nguyễn Dồn, Nguyễn Dàng kể lại chuyện săn "cá thần"

Trả lời câu hỏi từ trước đến nay từng đánh bắt bao nhiêu con Vược rồi, anh em ông Nguyễn Dàng cười đắc chí: "Không nhớ hết. Nhiều lắm, có hôm anh em tui bắt được chục con, hôm ít lắm năm bảy con nhưng cũng có hôm về tay không. Săn cá Vược khó lắm, đòi hỏi các thành viên phải phối hợp nhịp nhàng, ai nấy phải nhanh nhẹn mới không để nó lừa. Giống cá này tinh khôn, thấy lưới bủa có khi nó nằm lì dưới bùn, nếu không kinh nghiệm mà bỏ đi coi như sổng con mồi".

Hơn 60 năm hành nghề săn cá thiêng, cái tên Nguyễn Dồn, Nguyễn Dàng như trở thành một biểu tượng ở làng chài Mỹ Thạnh. Không chỉ giúp bà con trong thôn chế ngự giống cá dữ, hễ có ai ở xã khác đến nhờ hai ông đều không quản khó về tận nơi giúp đỡ. "Có chuyến phải ở lại gần cả tuần mới xác định vị trí nó ở. Hai anh em tui làm giúp chứ không lấy tiền bao giờ, nhà nào hảo tâm tặng con cá làm mồi nhấm rượu tụi tui nhận, ngư dân với nhau bày vẽ làm gì, có lòng ngồi với nhau làm cốc rượu cũng ấm lòng", lão ngư Dồn cho biết.

Đưa bàn tay quăng lưới làm mẫu, ít ai tin rằng hai kì nhân săn cá Vược đã ngoài tám mươi xuân. Nét mặt đượm buồn hai ông thở dài: "Bữa nay già rồi tui chỉ ngồi trên thuyền hướng dẫn thôi, nhưng chắc cũng không truyền nghề cho ai nữa. Con Vược không nhiều như trước đây, mấy năm rồi chưa gặp con nào dài quá một mét. Không còn cá thì vừa vui vừa buồn. Buồn vì coi như mất nghề, nhưng vui hơn vì dù sao thì người dân cũng không bị loài cá này quấy nhiễu nữa".

Tất nhiên câu chuyện không ai dám đánh bắt, ăn thịt cá Vược chỉ còn trong quá khứ bởi giờ đây giống cá này trở thành đặc sản vùng biển với giá hàng trăm ngàn đồng trên mỗi kg. Giá trị kinh tế cao cộng với nhiều thiết bị đánh cá hiện đại khiến con người ta nhiều lúc quên đi những chuyện bí hiểm ngày xa xưa xung quanh loài cá Vược.

Cũng cùng với nghề săn cá Vược, ông Lê Văn Phép (62 tuổi, ở xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thường săn cá trên vùng đầm phá Ô Loan) lại có nhiều cách khác: 1. Phóng lao vào cá. Khi đầu nhọn cây lao cắm phập vào thân cá, ông thả lỏng dây cước dậu (được cột ở đuôi cây lao) cho cá chạy đến khi mệt nhừ và nằm im, rồi ông bơi theo dây cước đến bắt cá. 2. Súng bắn mũi tên sắt ở dưới nước. Cũng giống như mũi lao, mũi tên cũng được cột dây cước dậu, khi cá trúng tên bỏ chạy, ông cũng bơi lần theo dây để bắt cá. 3. Dùng cước câu cá ngừ đại dương để đan lưới (cao 4 sải, dài 150 sải) đánh quây tròn bắt cá vược. So với các "chiêu" phóng lao, bắn tên sắt, "chiêu" bắt cá vược bằng lưới quây tròn cần nhiều người với nhiều công sức hơn, nhưng bù lại khai thác được nhiều cá, bán giá cao thu lợi nhiều hơn.

"Cá vược rất khôn lanh, nên phải biết kỹ thuật đánh bắt một cách tinh vi. Cứ mỗi khi trời êm, cá Vược thường bơi đứng tại chỗ ở gần gộp đá và thỉnh thoảng nổi lưng trên mặt nước. Do vậy, người săn cá phải bơi lặn dưới nước để phát hiện chính xác vị trí cá đứng, rồi xác định địa hình xung quanh với nguồn nước nông, sâu, sau đó mới gọi người nhà mang lưới ra quây bắt cá", ông Phép giải thích.

Mai Long