Mạc Can: Một ngày tôi nghĩ đến tự tử một lần

Mạc Can: Một ngày tôi nghĩ đến tự tử một lần

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Tình cờ gặp ông ở quán cà phê số 81 Trần Quốc Thảo (TP.HCM), tôi không biết nên gọi ông là diễn viên hài Mạc Can hay nhà văn trẻ Mạc Can, nhưng có lẽ cái đó chỉ là danh xưng chứ thực ra ông cũng không quan tâm tới nó.

Khi tôi mời trưa nay ông có đi ăn cơm cùng tôi không, ông ẩm ừ không trả lời không, cũng không nói có. Ông nói sẵn đâu thì ông ăn đó, ông đi dòng dòng khắp thành phố mệt đâu ông ghé lưng vào ngủ: Khi thì cà phê võng, khi khách sạn.

Nghệ sỹ Mạc Can và fan hâm mộ

Bây giờ ông không nói về cái nghèo, về những thăng trầm trong đời của một nghệ sỹ hài vắt cùng cực sức lực cho đời mà nhận lại những đắng cay. Tôi thấy cuộc đời với ông giờ có vẻ bình yên hơn, thảnh thơi hơn nhưng trong sâu thẳm tôi vẫn nhận ra sự đơn độc trong tâm hồn người nghệ sỹ.

Khi ông nói vừa đi thăm nghệ sỹ Hồ Kiểng đang nằm trên giường bệnh về, ông cười như tự diễu bản thân mình: "Mai mốt tui cũng vậy đó, nằm đó và lắp một cục sắt vào ngực làm tim. Ông dơ tấm hình ông chụp với Hồ Kiểng ra hỏi tôi xem có giống anh em không? Tôi không trả lời bởi tôi biết nếu tôi trả lời thì ông sẽ đứng dậy, lặng lẽ dắt cái xe máy mà đi mất. Bởi ông có lẽ cũng đang mơ hồ nghĩ dại khôn về một kiếp nghệ sỹ không nhà.

Ông lại hút thuốc, rít từng hơi thuốc như rít đắng cay vào tận cùng sâu thẳm lòng mình. Rồi ông kể những ngày tháng ông ra nước ngoài, giờ nghĩ lại ông sợ nó, sợ sự cô độc bên xứ người. Ông nhớ có những lần ông đi ngoài đường phố Mỹ mà thèm thấy sự nhốn nháo của TP.HCM, thèm một tiếng còi xe máy rầm rĩ của thằng cha mắc dịch nào đó nó rú rít xin đường, thèm một tiếng rao đêm.

Mọi cái thèm ấy đúc kết thành nỗi nhớ để ông chỉ có viết, ông trải lòng mình trên những trang giấy dài ngút ngát. ông kể về những lần đi diễn ở xứ người và tình cảm những đồng bào xa quê hương là động lực duy nhất để ông có thể tồn tại được hai năm ở đó. ông nói ngoài đi diễn ra thì ở nước ngoài ngày cũng như đêm, dằng dặc nỗi nhớ nhà và sự lạnh lẽo.

Hai năm dài đằng đẵng ở xứ người, ngày về nước ông mừng đến phát khóc. Rồi bạn bè, bằng hữu giúp ông mở quán Hòn Đảo Xanh. Ông cười tít mắt nói nó bị phá sản rồi. Có lẽ người nghệ sỹ như ông chỉ biết mang tiếng cười đến cho mọi người chứ không biết cách kiếm tiền bằng kinh doanh.

Ông khoe với tôi có một cô bé nhắn tin cho ông. Ông nói cô bé này ngộ lắm nghen, cứ gọi bằng ông và xưng em không hà. Tôi cười hỏi ông có phải là có bồ trẻ không? Ông nói: Tui làm gì có phước đó, chỉ là người ta quý thôi, tui như cái pin điện thoại cùi bắp này nè, giờ hết pin rồi. Tôi nói với ông hết pin lại xạc lo gì. ông cười ngất nói: Nhưng mà xạc hoài cũng có chạy nổi đâu.

Tôi muốn hỏi ông nhiều về những mối tình và những người đàn bà đã đi qua đời ông, nhưng ông không hé lộ bất cứ câu gì. Ông chỉ cho tôi nhìn một tấm hình có một cô gái trẻ bế một em bé, ông nói chỉ cho nhìn thôi nghe, không được viết gì đâu, mà cũng không có gì mà viết đâu. Tôi cũng chỉ biết được từng đó còn tuyệt nhiên không được nghe thêm gì.

Có vẻ như đàn bà với ông là những điều xa xỉ, hay không có người đàn bà nào đủ sức để níu giữ bước chân ông trên con đường phiêu bạt của mình? Chỉ nghe phong thanh ông có một đứa con gái ở Nhật với người tình một đêm cách đây mấy chục năm. Giờ hỏi ông cũng chỉ cười chứ không nhận cũng không chối.

Rồi ông lại lỉnh kỉnh đưa ra nào máy tính, nào điện thoại nhưng cái nào cũng cũ kỹ và hết pin, chỉ có ông mới biết cách dùng nó chứ không ai dùng được. Ông nói như thế mà hay, nếu nó có bị rơi ai lượm được cũng trả lại cho mình. Ông đưa cho tôi xem những tấm hình độc giả yêu mến xếp hàng xin chữ ký tặng sách của ông. Ông hỏi tôi nhìn có thấy bị kịch không? Thay vì fan hâm mộ sẽ vây quanh đằng này lại từ tốn xếp hàng, ông nói yêu mến ai đó mà cũng khuôn phép quá thì cũng tạo ra bi kịch thôi.

Có lẽ cuộc đời ông cũng là một bi kịch, bi kịch khi từ thuở nhỏ sinh ra trong một gia đình đông anh em, một người một cảnh vất vả mưu sinh bằng trăm thứ nghề. Nghệ thuật đã chọn ông bằng những vai diễn nhỏ mà làm nên một tên tuổi in sâu trong lòng người hâm mộ. Đi đâu làm gì người ta cũng nhận ra ông, nếu ai nhìn vào thì dường như ông có mọi thứ nhưng thật ra ông chẳng có gì ngoài lòng yêu mến của người hâm mộ.

Đã có thời gian trong túi ông không có một xu, cầm cố cả máy tính. Cả một cuộc đời nghệ sỹ mà chưa bao giờ mua nổi cho mình một ngôi nhà. Có lẽ vì thế nên chưa bao giờ ông cho ai biết về nơi ông ở. Ông chỉ nói số nhà của ông là cái số điện thoại.

Tôi hỏi ông giờ có ai mời ông đi đóng phim nữa không. Ông bảo vẫn có lời mời, mà giờ đối với ông ai mời thì đóng, thời gian còn lại là du ngoạn và viết lách. Ông đã cầm bút ở tuổi 60, với những chuyện mà những gì cuộc đời ông đã trải qua.

Ông lại hỏi tôi có bao giờ trong đời tôi từng muốn tự tử chưa? Ông thường một ngày nghĩ đến nó một lần vào mỗi buổi chiều sau giấc ngủ trưa. Ông mở mắt nhìn lên trần nhà và cứ nghĩ sao mình không thể chết? Sao có những lúc ông thấy cuộc đời nó bỗng dưng vô nghĩa thế?... Cái cảm giác đó nó ám ảnh ông suốt những tháng năm dài. Nhưng rồi ông lại trấn tĩnh và đón ngày mới bằng tâm huyết của một người nghệ sỹ được sống và làm việc.

Nói chuyện với ông suốt cả buổi tôi lại rơi vào một tâm trạng mơ hồ, mơ hồ trong mớ bòng bong những ngôn từ và câu chuyện chắp vá của ông. Cái kiểu trả lời có có không không của Mạc Can khiến cho người đối diện có cảm giác như mình càng nghe ông nói càng không biết gì và càng tò mò về ông hơn, nhưng có lẽ cái mà ông không giấu được đó là một tâm hồn và một trái tim đa cảm sau cái vẻ ngoài kỳ cục hài hước ấy.

Bởi có lẽ ông đã nghĩ cuộc đời này không tự nhiên mà có tiếng cười mà con người phải tạo ra tiếng cười để làm cho nhau vui, để sống có ý nghĩa hơn và điều quan trọng như ông đã từng nói để mình vượt qua những phút giây buồn đau nhất của đời người.

Tô Hương Sen