Mải vẽ... suýt mất con

Mải vẽ... suýt mất con

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Mải mê vẽ, danh họa Bùi Xuân Phái quên bẵng cả đứa con nhỏ. Khi vẽ xong bức họa, ông lững thững đi về. Về đến nhà, bà Phái mới hỏi “Phương đâu rồi?”, ông mới nhớ ra là mình đã quên con nhỏ nơi góc phố cổ...

Nhà chật, nhiều lần, trẻ con trong nhà đùa nhau, ngã vào tranh vẽ dở bê bết màu. Vì thế, ông thường thức trắng đêm, chờ các con ngủ hết, mới căng toan dưới đất, ngồi vẽ. "Xưởng vẽ" của ông là góc nhà chỉ rộng 2 mét vuông. Sau này, khi cậu con trai Bùi Thanh Phương cũng vẽ cùng, cái "xưởng" ấy phải chia đôi. Điều ấy lý giải vì sao Bùi Xuân Phái có tới hàng ngàn bức tranh mini. Bởi ông không có chỗ để đặt vừa một bức toan rộng.

Lạ & Cười - Mải vẽ... suýt mất con

Bùi Xuân Phái và con trai Bùi Thanh Phương

Từ 1978, Bùi Thanh Phương bắt đầu "can thiệp" vào sự nghiệp của bố. Anh căng toan, soạn màu như một người phụ tá bên cạnh ông và kiêm luôn cả vệc quản lý. Ông Phái tính tình hào hiệp, rộng rãi, nhiều lần tỏ ra khó chịu khi con giữ tranh mình kỹ qua.

Ông nói: "Bán được tranh là niềm vui, thì sao tặng tranh không là niềm vui?". Lũ trẻ lít nhít, bạn của con đến nhà, thích tranh gì là ông tặng. Sau này những người ấy, khi gặp khó khăn, hoặc khi lấy vợ, những bức tranh đó cũng giúp làm một đám cưới, một căn bếp, hoặc chút vật chất. Có lẽ đấy cũng là phúc mà ông Phái để lại cho mọi người.

Không qua trường lớp mỹ thuật, Bùi Thanh Phương tự học bố từ cách căng toan cho đến bồi giấy, pha màu, bố cục, hòa sắc và lớn nhất là sự chân thành. Ông không bình luận nhiều về công việc của con. Khi không hài lòng, ông im lặng. Chính vì thế, khi thấy bố không nói gì trước một bức tranh mình vừa vẽ xong, Phương rất hoảng.

“Tôi đi mãi, ngẩng mặt lên vẫn thấy mình đang ở dưới bóng trùm của ông. Bốn lăm tuổi, tôi vẫn bị so sánh và phải mang gánh nặng là con trai của Bùi Xuân Phái, điều ấy đôi khi cũng thật mệt mỏi..." (Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái tự hào nói về bố).

Phương vẫn nhớ, khi anh 16 tuổi, có vẽ một bức bột màu mà bố rất thích. Bức tranh đó thực hiện trên một tấm toan, sơn mà họa sĩ Bùi Xuân dành dụm mãi (họa phẩm lúc đó quý hơn vàng) nên nó mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Rất may là tác phẩm đó đã được bố anh công nhận.

Mùa đông năm 1964, ngôi nhà 87 Thuốc Bắc làm thêm căn gác xép. Căn gác gỗ lấy chiều cao của nhà thơ Quang Dũng làm chuẩn (nhà thơ "Tây Tiến" là người cao nhất trong số bạn bè của ông Phái). Đây trở thành xưởng họa của ông. Từ tám mét vuông gác xép ấy, không biết bao nhiêu bức danh họa đã ra đời. Có nơi chốn riêng, ông bám lì để vẽ. Ngay cả lúc còi báo động rú ầm, ngột ngạt cả thành phố, Bùi Xuân Phái vẫn vẽ dưới ánh đèn dầu về một Hà Nội cổ kính đang mang đầy thương tích chiến tranh.

Nhớ đến phố cổ Hà Nội là người ta thường nghĩ ngay đến họa sĩ Bùi Xuân Phái. Phố cổ và ông cứ như hai người bạn không thể tách rời. Qua nét vẽ của ông, phố cổ lột tả được hết cái thần vốn có của nó. Ông bắt được vẻ đẹp của phố cổ khi ngồi uống cà phê, khi đi bộ một mình trên đường, khi ngồi trầm ngâm bên chén rượu trắng, và cả khi đếm lại những ký ức nhọc nhằn của cuộc đời mình. Ông vẽ phố trên giấy báo, gỗ, bao thuốc, vỏ hộp diêm, vải bao tải, trên những tấm toan căng nuột nà...

Phố cổ qua lăng kính tâm hồn ông lặng lẽ, buồn và đạm bạc. Dù là phố về đêm hay ban ngày, phố có người, có quán hay đôi khi chỉ là những nét run rẩy thì vẫn im lìm như không có bóng người Một ông đồ già che ô, một phụ nữ tất tả đi qua khung cửa nhìn xiên, dăm người trong quán trà quạnh vắng bên vỉa hè... đó là những "nét động" khe khẽ không đủ thức phố khỏi giấc mơ êm đềm.

Nhưng đã có thời, những bức tranh phố cổ của ông bị nhìn nhận là vô bổ. Triển lãm Hà Nội hàng năm, tranh phố tham dự của ông đều bị loại. Vẫn biết tranh mình sẽ bị loại, nhưng là hội viên Hội Văn Nghệ thì ông bắt buộc vẫn phải gửi tranh dự triển lãm. Tự tay cầm tranh bị trả về, ông thấy khổ tâm và tủi lắm.

Bùi Thanh Phương vẫn còn nhớ như in cảnh tượng đấy. Ngay cả mảng tranh về Chèo của ông, một gia tài vô giá của hội họa Việt Nam, cũng từng bị từ chối công nhận. Mặc dù vậy, ông vẫn điềm tĩnh vẽ, độc lập, kiên định với quan niệm nghệ thuật của mình. Họa sĩ Bùi Thanh Phương nói: "Tôi thương ông vì ông luôn là người cô độc trong tinh thần, không chia sẻ được tư tưởng với ai. Chắc chắn bố tôi ý thức được về tài năng của mình, nên ông cứ lặng lẽ can đảm trên con đường độc đạo".

Ngày 22/12/1984 tác phẩm hội họa của Bùi Xuân Phái được mở triển lãm, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời ông. Đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của mỹ thuật của nước nhà sau khi thống nhất. Chuẩn bị cho triển lãm, cả nhà nhộn nhịp căng toan, lồng khung... Họa sĩ Bùi Xuân Phái thì háo hức hơn ai hết. Có lẽ chưa bao giờ ông vui như thế. Trong vòng sáu tháng, 108 bức tranh được hoàn thành, mà toàn tác phẩm tuyệt vời.

Năm họa sĩ Bùi Thanh Phương lên 5 tuổi, một lần được cha dẫn đi dạo phố. Đang ngắm trời, ngắm đất, bất chợt họa sĩ Bùi Xuân Phái bắt gặp một góc phố đẹp, khơi nguồn cảm hứng. Ông vội lấy cuốn sổ tay mà lúc nào cũng mang theo bên mình ra để ghi chép. Mải mê vẽ, ông quên bẵng cả đứa con nhỏ. Khi vẽ xong bức họa, ông lững thững đi về. Về đến nhà, bà Phái mới hỏi “Phương đâu rồi?”, ông mới nhớ ra là mình đã quên con nhỏ nơi góc phố cổ. Ông vội vàng quay lại để tìm, nhưng cậu con trai đã không còn ở đấy nữa.

Bà Phái kể rằng, vụ đãng trí này của ông đã khiến họ suýt mất đứa con. Bởi thấy cậu bé đứng một mình nơi góc phố khóc, một cặp vợ chồng hiếm con ở ngõ Phất Lộc đã bế đem về nhà nuôi. Vài ngày sau, công an mới tìm được cậu bé và trao trả cho gia đình danh họa Bùi Xuân Phái.

Lạc Thành


Tag: VEC