Máy móc “soán ngôi”, trí tuệ con người về 0?

Máy móc “soán ngôi”, trí tuệ con người về 0?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Từ xưa, con người luôn cố gắng thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh sống để tồn tại và phát triển. Chính vì sự "thích nghi" đó mà trí thông minh của con người ngày một nâng cao. Rất nhiều nhà thiên tài đã ra đời và có những phát minh lỗi lạc nhằm thay thế con người trong một số hoạt động của đời sống.

Trí tuệ con người vẫn tăng

Theo một công bố mới đây của các nhà nghiên cứu, con người đã đạt đến đỉnh điểm của trí thông minh cách đây hơn 2.000 năm trước và trí tuệ của nhân loại bắt đầu tăng chậm dần, đến nay đã dừng lại và đi theo chiều ngược lại. Kể từ khi người hiện đại nắm giữ thế giới, trở thành phe chiến thắng trong cuộc chiến tiến hóa với các loài khác, cơ thể và trí óc của loài người đã biến đổi không ngừng dưới áp lực của quá trình chọn lọc tự nhiên và giới tính. Còn về trí thông minh, con người dần nhận ra để tồn tại, họ phải sử dụng đầu óc và trí tuệ. Kể từ khi vũ khí đá đầu tiên ra đời, khả năng nhận thức của con người cứ phát triển đều đặn cho đến nay. Các cỗ máy siêu việt bắt đầu được chế tạo nhằm giúp con người giảm nhẹ các công việc hàng ngày.

Công nghệ - Máy móc “soán ngôi”, trí tuệ con người về 0?

Robot "đấu trí" cùng con người

Gerald Crabtree, nhà di truyền học thuộc trường đại học Stanford (Mỹ) đã đánh cược vào việc thời đại hoàng kim của trí tuệ đã qua lâu rồi. Ông cho rằng, nếu một người Hy Lạp bình thường vào thời điểm 1.000 năm trước Công Nguyên được "bốc" về thời hiện đại, chắc chắn họ sẽ thuộc vào nhóm tinh hoa nhất của xã hội hiện đại.

Trong hai bài báo đăng trên chuyên san Trends in Genetics, Crabtree đã trình bày lý thuyết tích lũy về trí thông minh nhân loại. Trong lý thuyết này, ông đưa ra các dẫn chứng chứng minh trí tuệ con người không những đã dừng lại mà còn đang đi xuống. Cũng chính Crabtree thừa nhận rằng, ý tưởng này cần được chứng minh rõ ràng hơn và ông sẽ rất vui nếu có người đưa ra được bằng chứng và lý thuyết ngược lại với ông.

Trong lý thuyết của Crabtree, ông cho rằng con người ngày càng trở nên thông minh hơn nhờ áp lực tiến hóa của môi trường. Chẳng hạn, người tiền sử chỉ có thể tồn tại nếu họ săn bắt hoặc hái lượm giỏi. Vì thế, họ luôn phải nghĩ cách nâng cao hiệu quả săn bắn và hái lượm. Song từ khi con người sống trong những dân cư đông đúc từ vài nghìn năm trước, áp lực đó đã biến mất.

Ông nhận định: "Sự phát triển trí tuệ của loài người diễn ra khá nhanh khi tổ tiên của chúng ta chưa có ngôn ngữ và sống thành từng nhóm rải rác ở châu Phi. Sau khi loài người biết trồng cây, nuôi gia súc và sống tập trung trong các khu dân cư, trí tuệ của họ đã phát triển chậm hơn".

Crabtree còn lấy dẫn chứng cụ thể, trong cơ thể con người, khoảng 2.000 tới 5.000 gen quyết định trí tuệ người. Những gen đó rất dễ thay đổi trước những biến động của môi trường. Crabtree và các đồng nghiệp khẳng định rằng, trung bình mỗi người phải hứng chịu hai đột biến gen liên quan tới trí tuệ trong vòng 3.000 năm qua. Điều đó chứng tỏ, trí tuệ con người đang dần biến đổi và nếu cứ tiếp tục như vậy, trí tuệ con người sẽ quay về con số 0.

Tuy nhiên, giả thuyết của Crabtree vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học. Một số người lập luận rằng, trí tuệ của con người không giảm mà chúng ta đang đa dạng hóa trí thông minh. Chẳng hạn, Thomas Hills, một nhà tâm lý của trường đại học Warwick tại Mỹ, nói rằng những đột biến trong các gen quyết định trí tuệ không thể làm giảm trí thông minh. Thay vào đó, cuộc sống tiện nghi ngày nay cho phép trí thông minh của con người phân chia thành nhiều loại. Con người ngày nay có trí thông minh về ngôn ngữ, xúc cảm, cơ thể, logic, không gian, âm nhạc. Thậm chí, một số người còn chỉ ra rằng, IQ trung bình của loài người đã tăng trong vòng 100 năm qua.

Robot "làm chủ" trong mọi lĩnh vực

Thời xa xưa, mọi công việc đều do bàn tay con người đảm nhiệm, nhưng với sự phát triển của công nghệ, robot và máy móc ra đời, chúng ta đã "nhàn hạ" hơn rất nhiều. Robot ngày càng trở nên "thông minh" hơn và hoàn thành công việc chính xác, năng suất hơn. Lịch sử có ghi lại, cách đây hơn 100 năm, những nhà máy lớn sử dụng sức lao động của con người đã được thay thế bằng các cánh tay robot và các loại máy móc chuyên biệt.

Cho đến nay, không chỉ có các nhà máy mới sử dụng đến robot và máy móc sản xuất công nghiệp mà công nghệ tự động hóa đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội loài người, từ sản xuất công nghiệp trong các nhà máy lớn cho đến các thiết bị gia dụng trong mỗi hộ gia đình. Con người ngày càng "lười biếng" hơn và có xu hướng chuyển giao công việc cho máy móc phụ trách nhiều hơn. Liệu người máy với trí thông minh nhân tạo có đang "soán ngôi" của loài người?

Công nghệ - Máy móc “soán ngôi”, trí tuệ con người về 0? (Hình 2).

Robot sẽ thay thế con người?

Vào năm 2010, các bác sỹ ở thành phố Pisa thuộc vùng Tuscany của Italy đã thực hiện thành công cuộc giải phẫu cấy ghép tuyến tụy nhờ vào một con robot lần đầu tiên trên thế giới. Robot tham gia vào cuộc phẫu thuật này mang tên Da Vinci SHDI. Đây là một cỗ máy lớn có vài cánh tay nhỏ được Trung tâm phẫu thuật bằng robot của Ý thiết kế. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ robot, sắp tới sẽ còn nhiều cuộc phẫu thuật được thực hiện chủ yếu nhờ vào máy móc. Công nghệ này đang được hướng đến mục tiêu "giải phẫu từ xa", có nghĩa là trong tương lai, các bác sĩ giải phẫu có thể thực hiện các ca mổ phức tạp ở cách xa bệnh nhân của họ nửa vòng trái đất mà không cần phải di chuyển.

Ngoài những chú robot lấn sân con người trong các lĩnh vực nghệ thuật và âm nhạc để thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần của chúng ta, các chú robot đa tài còn đang dần làm chủ lĩnh vực ẩm thực. Hàng năm, tại Triễn lãm Công nghệ và Máy móc Chế biến thực phẩm ở Nhật, các nhà khoa học lại cho ra mắt hàng loạt các "tay đầu bếp máy" với khả năng chế biến các món ăn từ đơn giản như bánh bột đến những món cầu kỳ hơn như sashimi. Không những chế biến món ăn một cách chuyên nghiệp, các "chú" robot còn có thể "nếm" đồ ăn và đồ uống rất sành điệu - lĩnh vực chỉ con người mới có thể thực hiện.

Như vậy mới thấy con người với đầu óc siêu việt, có thể tạo ra máy móc và cho ra đời những "chú" robot đáng yêu và hữu ích. Nhưng việc máy móc dạy dỗ con người hết sức khó tin? Nếu bạn đã từng tham gia một khóa học trên mạng hay làm một bài trắc nghiệm trên máy tính thì bạn sẽ tự "À" lên một tiếng và tự nhủ "mình vừa giao tiếp, học hỏi với chương trình được lập sẵn".

Tuy nhiên, viễn cảnh một ngày nào đó tất cả thầy, cô giáo đều thay bằng robot và "gõ đầu" những đứa trẻ hiếu động khiến bạn lắc đầu, không tin? Bạn khẳng định: "Con người không thể thay thế con người, truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau được". Đối với giáo sư Hiroshi Kobayashi thuộc trường đại học Khoa học Tokyo thì đó không phải là viễn cảnh mà đã là hiện thực.

Năm 2009, Kobayashi đã phát triển và giới thiệu một cô giáo robot dạy một lớp tiểu học với các học sinh là những đứa trẻ bình thường. Saya có thể nói chuyện bằng bất cứ ngôn ngữ nào, xoay đầu và trả lời các câu hỏi. Cô hiện nói được khoảng 300 nhóm từ và có vốn từ vựng 700 từ. Dù các thầy, cô giáo "bằng xương bằng thịt" vẫn là nhân tố quan trọng không thể thay thế trong ngành giáo dục nhưng với sự phát triển không ngừng của các cỗ máy thông minh thì khả năng robot tham gia vào các lớp học là điều hoàn toàn có thể tưởng tượng được.

Cứ như vậy, robot dần trở nên quan trọng hơn với con người, thay thế con người trong tất cả các lĩnh vực thiết yếu của đời sống. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu con người phụ thuộc quá nhiều vào robot thì họ sẽ "lười biếng" và phó mặc cho robot tất cả, kể cả việc suy nghĩ - điều chỉ con người có. Liệu trí tuệ con người có thụt lùi đến mức IQ bằng 0? Điều này sẽ do chính loài người chúng ta trả lời và giải đáp.

Hồng Nhung