"Michael Jackson" xuất hiện ở Sài Gòn

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Chỉ cần bỏ ra 3000 đồng để mua kẹo kéo, hoặc thậm chí chẳng cần mất đồng nào mà chỉ phải dừng xe bên lề đường là người ta có thể "mãn nhãn" thưởng thức những điệu nhảy điêu luyện giống hệt cách biểu diễn của "Vua nhạc pop" Michael Jackson.

Cảnh tượng này vẫn diễn ra hàng ngày tại một số đường phố thuộc khu vực Quận 1 (Tp HCM). Anh thanh niên bán kẹo kéo Hồ Thanh Điền (28 tuổi, quê An Giang) có tài nhảy nhót "nhái" Michael Jackson giống đến mức cha đẻ của ca sĩ này khi sang Việt Nam và bắt gặp đã sửng sốt, mời anh vào bàn nhậu cụng ly chúc mừng.

Lấy đèn quán nhậu thay cho ánh đèn sân khấu

Chỉ vì mê hát

Điền kể anh đến với nghề kẹo kéo như một "duyên trời định" và dù đã hơn mười năm gắn bó với nghề lang thang này nhưng đến giờ anh vẫn không muốn từ bỏ. Lớn lên trong một vùng quê nghèo của tỉnh An Giang, Điền nói từ nhỏ đã ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên học hết lớp 9, anh quyết định xin cha mẹ nghỉ học lên đất Sài thành tìm kế mưu sinh.

Những ngày đầu "chân ướt chân ráo", cậu bé 15 tuổi phải bán vé số suốt 3 năm ròng. "Duyên" với nghề kẹo kéo đến với anh thật bất ngờ. Một bữa khi đang bán vé số, anh thấy một xe bán kẹo kéo kiêm hát rong. Vốn từ nhỏ đã mê ca hát nên cậu bé liền xin hát một bài.

Với chất giọng hay, nhấn và nhả chữ giống hệt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, anh được thực khách khen ngợi rất nhiều. Người bán kẹo kéo hỏi anh "Có muốn đi bán chung không"? Anh không đắn đo mà vui vẻ gật đầu cái rụp. Kể từ đó anh chính thức trở thành thành viên của đại gia đình "ca sĩ kẹo kéo”.

Chiêu kiếm sống lạ và cuộc gặp gỡ đặc biệt

Thấy việc vừa hát vừa mời không còn thu hút thực khách nữa, Điền kể anh đã suy nghĩ rất nhiều, không biết phải làm gì mới để mọi người ủng hộ? Sau khi Michael Jackson qua đời, anh đã mua đĩa về xem và nảy ra ý định: "Tại sao mình không làm mới bằng cách thể hiện những bước nhảy này? ". Nghĩ là làm ngay, mỗi ngày anh dành hết thời gian cho việc luyện tập. Nhảy không được anh quyết nhảy lại, tới khi nào được mới thôi. Cuối cùng anh cũng thành công.

Ngày đầu tiên nhảy tại một quán nhậu, mọi người rất thích, cứ chăm chú nhìn anh biểu diễn. Có những khách đi xe cũng dừng lại xem khiến nghẹt cả đường, sau đó mọi người mua kẹo ủng hộ anh rất nhiều.

Anh Tuấn, thực khách của một quán nhậu nói: "Tôi bị lôi cuốn bởi những bước nhảy của "Michael Jackson". Dù không thích ăn nhưng tôi sẽ ủng hộ "Michael Jackson" một cây, giá có ba ngàn đồng, rất rẻ so với mồ hôi đầm đìa "Michael Jackson" đã đổ ra". Một đồng nghiệp của anh chia sẻ: "Tôi không nhảy được như Điền nên buôn bán khó khăn hơn, thu nhập ít hơn. Nhưng tôi ngưỡng mộ Điền lắm và rất mừng cho anh".

Nhưng với Điền, hạnh phúc không chỉ đơn giản là bán được vài cây kẹo mà nó còn lớn lao hơn khi anh được phục vụ mọi người những bước nhảy bằng cả trái tim mình. Nhìn đôi giày đã mòn theo năm tháng, tôi mới cảm nhận được anh yêu nghề đến nhường nào và vì sao mọi người lại quý mến anh đến vậy.

Vừa tấp xe vào một quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Thập, có người đã reo lên: "Michael Jackson kìa! " Nụ cười anh sáng đến lạ. Anh nói đi bán vui lắm, được nhiều người biết đến. Có người còn xin số điện thoại của anh để khi họ nhậu ở đâu sẽ kêu anh lại góp vui, có người thì kêu anh dạy nhảy hoặc ít nhất để làm bạn với anh.

Và niềm vui lớn nhất là gần đây, khi biểu diễn xong, có người khách mời anh một ly bia, qua giới thiệu anh mới biết đó chính là cha của Michael Jackson từ nước ngoài qua Thành phố Hồ Chí Minh. Nhân chuyến đến Việt Nam đầu tư khách sạn, ông rất vui vì tình cờ được xem những bước nhảy điêu luyện của anh và không ngờ ở Việt Nam lại có một người thú vị như vậy. Ông đã xin số điện thoại và ngỏ lời mời anh biểu diễn cho một số chương trình của ông tại Long An.

Anh Điền nói: "Khoảng thời gian đó, tôi hạnh phúc lắm. Lúc nào cũng chờ một cuộc gọi từ ông ấy nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy tin tức gì. Cũng hơi buồn, nhưng giờ đã quen rồi, không hy vọng nhiều nữa. Có thể đó chỉ là lời mời xã giao, nhưng điều đó đã tạo cho tôi một động lực rất lớn".

Đắng cay nghề hát dạo chốn phồn hoa

Đang hào hứng nhảy theo điệu nhạc, bỗng một cơn mưa trút xuống, anh vội vàng lấy tấm bạt che chắn cẩn thận dàn âm thanh rồi chạy vù vào trú dưới mái hiên. Anh nói với giọng buồn tủi: "Vậy là mai hai thầy trò đói". Với anh mưu sinh không chỉ kiếm bữa cơm cho riêng mình, mà còn cả chú Long, người thầy đã giúp đỡ anh từ chỗ ở đến vốn làm nghề.

Anh chia sẻ thêm: "Mùa mưa là mùa thất thu. Có khi xe hư hay hết xăng giữa đường, không có tiền tôi phải đẩy bộ về nhà. Còn thầy thì chạy đầu này đầu kia mượn tiền để có cơm ăn, nhiều lúc ra sau hè hái đại một rổ rau muống luộc ăn qua ngày".

Để thu nhập được nhỉnh hơn, nhiều bữa anh đi bán một mình, không cần người đi theo. Tuy nhiên, khi anh đang mời khách nếu đội trật tự đô thị đến, xe anh sẽ bị giữ vì không có ai kịp thông báo cho anh chạy như những nhóm "ca sĩ" khác. Mỗi lần như vậy nếu gặp người dễ tính thì họ chỉ cảnh cáo, nhưng nếu họ không thương tình, anh sẽ bắt đóng phạt từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng. "Có lúc tôi phải cầm điện thoại lấy tiền chuộc xe về", Điền cười mà miệng... méo xệch.

Với anh, buồn nhất là khi mình biểu diễn bằng cả trái tim, đổi lại nhận được sự thờ ơ của một số thực khách. Họ có thái độ thiếu tôn trọng, đôi khi lăng mạ anh trước đám đông khiến anh ê chề.

Anh chia sẻ: "Có người bỏ hẳn cái micro vô nồi lẩu, có người lấy đồ chọi thủng dàn âm thanh, cũng có người ăn xong không chịu trả tiền, còn lấy chai bia đập vào đầu". Vừa nói, anh vừa lấy nón xuống chỉ cho tôi xem những vết thương trên da đầu hằn sự trải đời đầy tủi phận. Có những hôm không bán được, anh phải diễn đến ba bốn giờ sáng. Dẫu biết sau 23h nếu gây ồn ào sẽ bị bắt giữ nhưng vì mưu sinh, anh đành phải đánh liều.

Tôi hỏi có khi nào anh mơ về một mái nhà nhỏ của riêng mình? Anh cười tủi: "Có chứ, nhưng ít ai chấp nhận lắm. Vì họ bảo tụi tôi đi bán khắp nơi, chẳng ai chung tình mà thực lòng mình đâu phải vậy". Ước mơ lớn nhất của anh là có vợ có con như bao người bình thường, rồi anh sẽ tìm một nghề ổn định để lo cho gia đình nhỏ của mình. Đến khi anh lớn tuổi sẽ sắm một dàn âm thanh để mỗi tối anh đi bán, ôn lại kỷ niệm và thỏa niềm đam mê.

13 năm mưu sinh là chừng ấy năm anh không được đến trường, nhưng đó chưa phải là điều làm anh hối tiếc nhất. Với anh, việc không thể lo cho cha mẹ nơi quê nhà khi tuổi đã ngoài 60 mới là điều làm anh đau buồn nhất.

Quốc Dũng