“Mốt” lang thang với trà Việt của giới trẻ Sài thành

“Mốt” lang thang với trà Việt của giới trẻ Sài thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Trà một thức uống vừa mang giá trị truyền thống, vừa hiện đại, lại vừa tốt cho sức khỏe, tiện dùng đãi khách, giao lưu kết nối quan hệ xã hội.

Lang thang trà Việt Sài thành

Ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay có rất nhiều quán trà thuần phong cách Việt tại quận 1, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình... Mỗi quán trà đều mang một phong cách và không gian riêng biệt. Nhưng phần lớn đều là trà đạo, với những cái tên mỹ miều như: Trà Thiền, trà Mỹ, trà Hòa, trà Phật.

Và, nó đang là "mốt" thưởng thức của giới trẻ Sài thành. Tôn Nữ Hà lang thang ở đường Trần Quý Khoách để tìm "trà thiền". Hà thích tĩnh tâm để thiền sau những giây phút vật vã với mưu sinh hàng ngày. Hà tâm sự: Trà thiền chỉ là cái tên. Nó có không gian rộng rãi, tĩnh để người thưởng thức trà ngồi thiền luôn thể. Chẳng có trà nào tên như vậy.

Xã hội - “Mốt” lang thang với trà Việt của giới trẻ Sài thành

Trà giả đang biểu diễn nghệ thuật pha trà.

Theo Đinh Minh Phú - CLB Trà Việt thì: "Phong cách chỉ là cái cớ để đến cái cốt lõi của trà. Trà là phương tiện kết nối mọi người. Sau chén trà là gia đình quây quần bên nhau trò chuyện. Bạn bè gặp nhau mời trà để cùng tâm sự và trà kết nối mọi người. Đó là sự dung hòa giữa người và người. Vì thế chúng tôi theo đuổi chữ Hòa trong đạo uống trà". Được biết, Phú cũng là “tín đồ" trung thành của trà Hòa. Nhiều người bạn của Phú thừa nhận, từ khi Phú lang thang với môn trà này, sự thay đổi tính cách theo hướng hòa nhã cũng rõ ràng hơn.

Sự khác biệt của trà và người thưởng thức

Có sự khác biệt trong cách gọi tên các loại trà đạo hình sự xuất phát từ nhu cầu thưởng thức của người uống. Phong cách người pha trà phục vụ khách của Thiền, Hòa cũng khác nhau... Người pha trà trong Thiền gọi là Trà giả, còn người trong phong cách Hòa gọi là Trà nô. Tất nhiên dụng cụ pha trà và không gian, cách thưởng thức cũng có những điểm khác biệt.

Quán trà Thiền mang vẻ một thư phòng riêng biệt, thiên nhiên nguyên sơ, yên tĩnh với những bụi tre, bụi trúc xanh tươi. Một vài bức tranh, những câu thư pháp về triết lý cuộc sống, những bài nhạc thiền... khiến cho khách thưởng lãm trà có một không gian yên ắng để tĩnh tâm sau những giờ bon chen với cuộc sống.

Dụng cu pha trà cầu kì kết hợp giữa thiên, địa. Bên ngoài dụng cụ pha trà được trang trí hình trái tim thể hiện cái tâm của Trà giả dành cho khách. Ngoài muỗng pha trà, đũa gắp chén, cây thông trà, thuyền trà, gối chén hình bàn tay bắt ấn Thiện, chén tống còn có thêm 1 đồng hồ cát để đo thời gian trà tan.

Trước khi pha trà, trà giả dùng khăn lau thật sạch những dụng cụ. Nước pha trà đã đun sôi, sau đó luôn giữ ở nhiệt độ không quá 70 độ C để hương vị trà đậm đà không phai nhạt. "Tắm" trà là công việc quan trọng để giữ cho bình trà nóng từ trong ra ngoài và cũng để rửa sạch trà. Rót trà cũng là một nghệ thuật thể hiện sự kính trọng của Trà giả đối với khách thưởng thức trà.

Đối với những vị khách trẻ, Trà giả phải rót trà xoay vòng để biểu thị cho sự quây quần bên nhau. Còn với những vị khách cao tuổi thì Trà giả rót từ trên xuống thể hiện sự lễ phép. Điều quan trọng mà ít ai để ý khi uống trà là vòi ấm trà phải để hướng ra ngoài tránh xoay vào mặt những người đối diện.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng - một Trà giả của phong cách trà thiền cho biết: "Cung cách phục vụ và vũ điệu nghệ thuật pha trà của Trà giả giúp tôi cảm thấy mình được tôn trọng và sảng khoái khi thưởng trà". Ngoài ra, khi thưởng thức trà ở những không gian riêng biệt, bạn trẻ cũng có những liên tưởng, suy nghĩ về văn hóa Việt rất tích cực - anh Hoàng nói.

Nghệ thuật và dụng cụ pha trà của Trà nô không quá cầu kì, chỉ là nồi đồng, bát gốm, gáo dừa. Trang phục là áo dài, guốc mộc, phong cách thư thái, uyển chuyển, duyên dáng, e ấp mang dáng vẻ riêng biệt của người phụ nữ Việt Nam. Bởi thế, phong cách Trà nô gói gọn trong chữ Hòa. Đó là ý tưởng được chắt lọc từ các bạn trẻ yêu trà.

Ngày Tết, phong cách pha trà có khác?

Nghệ thuật pha trà đãi khách ngày Tết hướng về phong cách tự nhiên, không đòi hỏi phải cầu kì, có dụng cụ gì thì dùng dụng cụ ấy. Chỉ cần giữ mùi thơm của trà không bị ảnh hưởng từ những mùi thơm khác là thành công. Bởi ngày Tết, có rất nhiều hương vị nên cảm nhận của người thưởng thức trà sẽ khác.

Một phong cách thưởng trà Việt - Sài Gòn khác cũng được nhiều người yêu thích, đó là trà Phật. Trường phái này cũng không cầu kỳ trong vũ điệu pha trà, dụng cụ pha trà nhưng đậm chất ngưỡng Phật. Người thưởng trà sẽ được người pha trà giới thiệu những tích Phật, những triết lý nhà Phật. Khách cầm chén trà nghi ngút hương, tai vẳng nghe điệu kể u trầm, lòng hướng đến sự thanh khiết, mọi u uất phiền muộn toát hết theo làn hơi mỏng của chén trà.

Trà Việt đã và đang dần thu hút sự quan tâm và yêu thích của những người yêu trà. Đã có một số cuộc đối ẩm giữa trà Việt với những bạn trẻ yêu trà trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong những buổi giao lưu, mỗi nước đều biểu diễn nghệ thuật pha trà của nước mình với niềm tự hào dân tộc. Và trà Việt đã dần tạo nên một "thương hiệu" đặc trưng của người Việt. Phong cách đã góp phần hướng giới trẻ về truyền thống ngàn đời của người Việt Nam.

Hồ Huyền