Một ngôi chùa có nhiều lễ hội

Một ngôi chùa có nhiều lễ hội "đột xuất"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Lễ hội "đột xuất" chỉ xảy ra khi chùa có những công việc lớn như tạc tượng, đúc chuông, hay trùng tu, xây dựng ..., chùa đều mở một lễ coi như là xin phép thần linh trong chùa.

Tùy vào mức độ quan trọng của công việc mà chùa có thể tổ chức to, nhỏ khác nhau. Đáng chú ý là ngày lễ lớn nhất tại chùa làng có ngày giỗ Tổ Viên Các (ngày lễ vị thần Nguyễn Huy Biên). Đây là ngày lễ gần như lớn nhất trong năm và còn lưu giữ đến ngày nay. Ngoài phần lễ rất trang nghiêm và trịnh trọng thì ngày nay còn là ngày hội thường niên đông nhất được tổ chức tại chùa. Bởi lẽ, ngày lễ thu hút được hầu hết các tăng ni, phật tử ở 6 tỉnh thuộc Tổ đình Yên Ninh, và theo đó dân chúng ở khắp nơi cũng đổ xô về dự lễ chùa. Cả một không gian rộng của chùa có thể bao gộp lại vừa là hội, vừa là chợ diễn ra suốt 3 ngày, 3 đêm.

Xã hội - Một ngôi chùa có nhiều lễ hội 'đột xuất'

Gian chính chùa Trăm Gian Vĩnh Khánh

Điều lý thú nhất là hàng chục Hội, Đoàn, Cơ cánh đem theo những "gánh hát" đoàn chèo, họ bảo nhau tự lập lấy sân diễn. Từ đoàn trong nhà đến đoàn ngoài sân, có đoàn rông đèn (tiếng địa phương có nghĩa là treo đèn) diễn ngay dưới tán cây cổ thụ của chùa. Theo tính chất tự do, họ rất phóng túng trong cách chơi hội để hợp với lễ đột xuất của làng. Trong lễ đột xuất này, mọi người dân có thể tham gia mọi hình thức vui chơi, cầu mong sự thịnh vượng đến cho các năm tiếp theo. Họ quan niệm rằng, vào lễ hội càng vui chơi thoải mái thì sẽ là một báo hiệu tốt tạo nên những điều may mắn trong năm tới.

Vì là lễ hội "đột xuất" nên những vở chèo dân gian truyền thống, đặc biệt những vở chèo mang dấu ấn lịch sử được biến tấu và trưng dụng hơn bao giờ hết. Những vở chèo xếp vào loại "hiếm có khó tìm" hiện nay lại được công diễn phổ biến tại những dịp lễ này như: Quan âm Thị Kính, Lưu Bình, Dương Lễ, Trương Viên đến hát văn, chèo đò giáo ngựa, Ba mươi sáu giá đồng... Ngoài ra, lễ hội cũng không thể thiếu các trò chơi dân gian truyền thống của làng như cờ người am cúc điểm, bắt vịt, đu tre, cầu thùm, chọi gà... Vào những ngày này, dân làng gác lại hết công việc ruộng đồng dẫn trẻ con trong nhà đi chơi, đáp ứng mọi thứ quà vặt mà chúng ưa thích, những thức quà mà ngày thường chúng luôn thèm thuồng nhưng không có tiền mua.

Hay hơn cả là những buổi chợ ngày lễ. Để có chỗ bán hàng thì trước đó nửa tháng, người dân phải đến để chia phần "xí chỗ". Vào những ngày hội này, chợ sẽ họp suốt đêm để phục vụ mọi nhu cầu của người dân. Người dân địa phương biết rõ đêm nào có bán thực phẩm tươi sống vì đây là thời gian diễn ra các cuộc họp mặt anh em gia đình, bạn bè, hàng xóm. Ban ngày, họ còn mải mê với những phong tục tập quán ngày hội nhưng đến đêm thì các thành viên trong gia đình thường họp mặt nhau trong mâm cơm để trao nhau những món quà, tấm bánh của ngày hội. Thông thường vào ngày hội, người dân hay mua một vài vật phẩm để tặng người thân để lấy may. Họ quan niệm khi tặng người thân một món quà bất kì vào ngày hội là họ đã đem "lộc" của Phật về và may mắn sẽ đến với người được nhận quà. Người lớn thường tặng nhau đồ dùng như quần áo, hàng mây tre, thêu ren, trẻ con là những gói cốm gói trong lá sen, bánh đa kê, còn người già lại chỉ đơn giản mấy miếng bánh đúc cũng thể hiện tình cảm với nhau.

Theo tục lệ, khi lễ hội kết thúc thì trẻ con trong làng sẽ kéo đến sân chùa để nhận quà của nhà chùa. Đây là những hoa lễ cúng bái suốt trong mấy ngày hội gọi là "lộc Phật" rất quý. Do vậy vào ngày kết thúc hội, người lớn trong nhà luôn nhắc nhở trẻ con đến sân chùa nhận lộc để hưởng sự che chở, đùm bọc của đức Phật.

Khoảng mấy chục năm trở về trước thì những lễ hội "đột xuất" còn hay diễn ra với sự hồ hởi của người dân. Nhưng cùng với thời gian, ngày nay, các giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong những lễ hội này đã dần mai một. Và lễ hội cũng không được tổ chức linh đình như trước nữa mà chỉ mở ra dưới dạng duy trì ngày lễ là chủ yếu. Những trò chơi dân gian cũng theo đó mờ nhạt dần trong tiềm thức của người dân.

Hải Bình