Một trăm tỷ đồng không thể “cứu” được cầu Thăng Long

Một trăm tỷ đồng không thể “cứu” được cầu Thăng Long

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Từ trước đến nay, việc xử lý mặt cầu Thăng Long vẫn thực hiện theo kiểu hỏng đâu sửa đấy. Liệu cách khắc phục đó còn phù hợp với tình trạng của cầu Thăng Long hiện nay?

Mặc dù 2 năm trước, Bộ GTVT đã bỏ ra 90 tỷ đồng để sửa chữa nhưng cây cầu Thăng Long, con đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với Sân bay Nội Bài thời điểm này lại xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi. Thậm chí, trên mặt đường còn xuất hiện các rãnh sâu, vết lún nhằng nhịt, nhiều ụ đất cao đến 20cm. Tình trạng này khiến cho các phương tiện lưu thông di chuyển rất khó khăn, nguy hại hơn, tình trạng tai nạn giao thông xuất hiện ngày một nhiều.

Xã hội - Một trăm tỷ đồng không thể “cứu” được cầu Thăng Long

Sau nhiều năm sửa chữa năm mặt cầu Thăng Long vẫn hư hỏng nặng nề.

Được biết, nhiều năm qua, cầu Thăng Long sửa chữa rất nhiều. Tuy nhiên, cách khắc phục, sửa chữa vẫn theo kiểu hỏng đâu vá đấy. Chính vì vậy, chỉ một thời gian sau khi “vung” tiền, trên mặt lại xuất các vết lún mới. Trao đổi với chúng tôi, anh Minh (Tuyên Quang), một lái xe thường xuyên phải qua cây cầu này bày tỏ: “Các lái xe chẳng ai bảo ai, cứ lên cầu là giảm ga đi thật chậm. Nhiều lúc có việc gấp đi nhanh, gặp phải ổ trâu, xe nhảy lên như cưỡi ngựa, đâm vào đuôi xe khác. Mỗi lần qua đây, lái xe rất mất thời gian, đang đi trên cây cầu hiện đại nhất Việt Nam mà cứ cảm giác như đi trên đường làng”.

Theo một nhân viên bảo vệ trên cầu Thăng Long, mặc dù đã nhiều lần sửa chữa nhưng vẫn không giải quyết được tình hình. Những hư hỏng trên cầu liên tục được đơn vị thi công tu sửa nhưng chỉ vài ngày đâu lại vào đấy, các ổ trâu, ổ voi còn xuất hiện nhiều hơn. Tình trạng va chạm giao thông xảy ra, xe sau đâm vào đuôi xe trước được coi như chuyện thường ngày.

Điều đáng nói là chúng ta đã chi đến gần 100 tỷ đồng, dùng các nguyên liệu nhập từ nước ngoài nhưng vẫn bó tay trước mặt cầu. Nhiều người cho rằng, dường như các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa chữa chỉ với mục đích cho có. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp khắc phục dứt điểm chứ không nên áp dụng giải pháp nhất thời để xoa dịu dư luận.

Trao đổi với Người đưa tin, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho biết: “Khi mặt cầu Thăng Long hư hỏng, tôi đã góp ý với lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT) là trải mặt thảm mới sẽ khiến cho tình trạng trên xấu hơn. Tuy nhiên, họ cho rằng sẽ chỉ hỏng một vài chỗ và sau một thời gian không còn ai để ý đến nữa. Một tuyến đường huyết mạch quan trọng vậy mà xuống cấp nhanh là điều vô cùng đáng ngại. Nó không chỉ gây nguy hiểm cho các phương tiện mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành cầu đường nói riêng và GTVT nói chung".

Lãng phí và không hiệu quả

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: Cầu Thăng Long mặc dù được xây dựng bằng công nghệ mới nhất nhưng chúng ta áp dụng chưa đầy đủ. Rõ ràng quy trình làm chưa tốt nên mới xảy ra tình trạng hư hỏng như trên. Tôi được biết, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu để giải quyết triệt để vấn đề này nhưng phải thừa nhận là việc cứu chữa rất khó”. Theo ông Hùng, việc các cơ quan chức năng đổ lỗi cho thời tiết phá mặt cầu là thiếu thuyết phục. Bởi lẽ, nguyên nhân chính là từ khâu xây dựng, xử lý hư hỏng không đến nơi đến chốn. Họ phải hiểu là mặt thép ở dưới đã bị gỉ thì có trải thảm nhựa lên trên cũng chẳng để làm gì. Việc chi ra 100 tỷ đồng mà vẫn dùng cách khắc phục như trước thì sẽ gây lãng phí và không hiệu quả.

Sẽ dùng nhựa giá rẻ để vá mặt cầu?

Theo Tổng Cục trưởng Đường bộ (Bộ GTVT), từ tối 15 tới ngày 20/5, đơn vị thi công sẽ tiến hành sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Trước mắt, họ sẽ cắt vá những đoạn hư hỏng. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đánh giá lại toàn bộ. Trước đó, Tổng cục đã mời chuyên gia Đức sang tư vấn cách khắc phục. Được biết, phương án trước mắt cũng chỉ dùng loại nhựa rải đường giá rẻ trong nước để vá víu (thay vì nguyên liệu ngoại nhập tốn kém trước đây vẫn bị hỏng).

Thiên Vũ