Mường Chậm qua trí nhớ của bậc cao niên

Mường Chậm qua trí nhớ của bậc cao niên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Sáng sớm, bản Mường Chậm hiện lên như một bức tranh núi rừng, đẹp và êm đềm. Dưới thung lũng, sương mù ken đặc trên những ngọn cây cùng với khói bếp lan man một màu bình yên, ấm cúng

Mường Chậm nằm lọt thỏm giữa thung lũng Mường Bi - xứ Mường cổ nhất của đất Hòa Bình. Mỏm núi cột cờ đứng chơ vơ giữa cánh đồng rộng bát ngát, trông xa tựa như một cái chùy cắm giữa trời, sừng sững bao đời. Con đường độc đạo dẫn vào mường Chậm, xẻ đá vịn rừng, len lỏi. Nó tựa như một người đi núi, lúc nào cũng chăm chắm nhìn về phía trước, cặm cụi và bền bỉ. Núi tiếp núi. Những thung nhỏ hổn hển cùng những mó nước bịn rịn một mối thâm tình...

Xã hội - Mường Chậm qua trí nhớ của bậc cao niên

Cụ Hà Thị Nỉ đã bước sang tuổi 100 nhưng vẫn tự nấu ăn, tắm giặt

Dường như trời đất Tây Bắc đã quy ước với nhau một điều, những xứ Mường cổ nhất và đẹp nhất, thường là những thung lũng rộng mướt mát và phì nhiêu cây trái, được phân bổ chạy theo trục dọc giữa hai con sông Đà và sông Mã. Đất của những quan lang, những dĩnh, nhưng tạo, ậu cả... truyền đời kế nghiệp nhau đã xây dựng nên một xứ Mường trù phú, từ Tân Lạc, Kim Bôi xuôi theo sông Mã về Lạc Thủy, đến Quan Hóa, Ba Thước (Thanh Hóa) chạy thẳng vào đất Mường (Nghệ An)... Thế nhưng, trời đất cũng dành cho xứ Mường Hòa Bình một diễm phước lớn lao khi là xứ Mường đẹp nhất, duyên dáng nhất như một thiếu nữ yêu kiều.

Theo các cụ cao niên kể lại, tính về địa giới hành chính, Mường Chậm Lũng Vân chính là nóc nhà của đệ nhất Mường Bi. Chuyện kể rằng tự thuở hồng hoang, khi trời đất còn bời lời bạc lạc đã xảy ra một cơn đại hồng thủy chưa từng có. Nó bất thần đổ ập xuống trong một đêm mưa gió bão bùng. Nước chảy thành suối, thành sông. Đất lở bồi thành đồng bằng. Đá lăn chất đầy thành gò, thành đống, thành đồi, thành núi. Từ dưới đất mọc lên một cây si.

Cây si lớn như thổi trở thành to lớn, cành lá che kín cả bầu trời. Cây si bị sâu đục ăn làm cho gãy cành rụng lá. Từ gốc cây si đẻ ra một đôi chim. Chim Ây là đực, Chim Ứa là cái. Đôi chim rủ nhau bay lên cành cây si làm tổ. Cành si gãy. Chim bay lên cây đa làm tổ. Cây đa đổ. Chim Ây và Ứa lại rủ nhau bay lên núi đá lấy cỏ làm thành tổ Hang Hao. Chim Ứa đẻ ra trăm ngàn quả trứng. Trứng chim nở ra thành muôn loài muôn vật. Còn lại một trăm cái trứng thì nở ra con người. Đó là người Mường và người Kinh.

Nhớ ơn cây si, người Mường đã đặt cho vùng đất này là Mường Pi. Về sau người ta gọi chệch ra thành Mường Bi. Đó cũng chính là vùng Mường Bi ngày nay - một Mường lớn và trù phú nhất trong 4 mường Bi - Vang - Thàng - Động của xứ Mường Hòa Bình.

Nếu như trước đây Lũng Vân được coi là một xã nghèo nhất của huyện Tân Lạc với 60% số hộ thuộc diện nghèo thì nay số hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 31%, số hộ khá giàu trong xã ngày càng tăng; 85% hộ gia đình trong xã đã được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa, 7/12 khu dân cư đạt danh hiệu làng văn hóa.

Giờ đây, Lũng Vân đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cây rau màu và hoa trái. Không còn cảnh đồi trọc, đất để hoang như trước nữa, nhiều trang trại trồng rừng, cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi lớn đã được hình thành và phát triển cho thu nhập khá. Cuộc sống của người dân Mường Chậm đã thực sự khấm khá, nhiều gia đình đã mua sắm được những trang thiết bị sinh hoạt hiện đại và có điều kiện đầu tư cho con em đến trường. Trong đợt khai giảng năm học mới ngày 5/9/2012 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng đã về Lũng Vân dự khai giảng những ngôi trường nội trú mới, vui cùng xóm bản ngày tựu trường.

Bí quyết sống lâu của các "bô lão"

Đẫy một buổi nói chuyện và nhấp nhiều lượt rượu bên sàn nhà, tôi vẫn chưa hết thắc mắc về bí quyết sống lâu của các cụ nơi đây. Cụ Hà Thị Nỉ (100 tuổi) cười nói: "Mế chẳng có bí quyết gì cả. Từ nhỏ ta chỉ biết theo bố mẹ làm nương, làm rẫy. Về nhà chồng ta cũng chỉ làm nương, làm rẫy". Các con cụ cũng cho biết, mế Nỉ không uống rượu và rất siêng làm việc. Ngày mế vẫn ăn 3 bữa, mỗi bữa hai lưng bát cơm. Món ăn khoái khẩu của mế là rau rừng, rau muống, rau má và đặc biệt là cá dưới suối.

Xã hội - Mường Chậm qua trí nhớ của bậc cao niên (Hình 2).

Cụ Trẵn cho biết, răng cụ vẫn còn khỏe và vẫn ăn uống thoải mái

Cụ Nỉ cũng bảo, có một bí quyết giúp mọi người ở đây khỏe mạnh là nhờ vào cây thuốc nam. Trước đây, khi chưa có sự giao lưu và khám phá của người vùng khác thì đây thực sự là một "khu vườn" của những cây thuốc nam quý. Bên cạnh đó, khí hậu trong lành, mát mẻ nên có rất nhiều thảo dược trong rừng. Mọi người thường hái về uống, làm thức ăn và chữa bệnh nên rất khỏe mạnh mà chẳng mấy khi ốm đau, bệnh tật.

Trưởng bản Đinh Văn Nưng bảo mọi người ở vùng đất này chưa ai biết đến khái niệm nước máy vì nước uống của xứ mường Chậm đều từ các con suối mà ra. "Ở Lũng Vân ba dòng suối, suối Hượp, suối Trong và suối Miêu tạo thành một hợp lưu dòng chảy, dân làng bao đời cứ đến đó múc nước về sinh hoạt. Ăn uống, pha trà, cất rượu đều lấy từ nguồn nước đó".

Cũng theo ông Nưng, ở Lũng Vân, trà uống hàng ngày các ông đều tự trồng, tự sao, nước không đắng mà có vị ngọt, rất tốt cho gan, thận. Các vị thuốc này được người dân lấy từ trong rừng về đun lên, cứ để trong góc nhà sàn uống dần trong ngày, uống như uống nước trà của người dưới xuôi. Người dân Lũng Vân uống những loại nước cây rừng này như một loại nước để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên. Mùa hè uống nước này, người uống có cảm giác rất mát, mùa đông lại có thể giữ ấm cho cơ thể rất tốt.

Người dân ở Lũng Vân hầu như sống biệt lập với bên ngoài. Cá bắt dưới suối, lúa lấy trên nương, tự sản tự tiêu và đặc biệt, khái niệm "ô nhiễm môi trường" chưa bao giờ xuất hiện ở đây. Nhiều người đến Lũng Vân thấy cuộc sống nơi đây còn khó khăn, nhưng nhiều cặp vợ chồng lại sống với nhau "bách niên giai lão". Ông Dũng, chủ tịch hội người cao tuổi cho biết từng chứng kiến cảnh băng tuyết ở các thôn bản của mình, đó là một buổi sáng sớm khi ông thức dậy thì băng tuyết đã rơi ngập các mái nhà, các vũng nước bên con suối đều bị đóng băng. Rét làm cho những con trâu ở đây cũng không chịu được mà ngã xuống, ấy vậy mà những người già ở đây thì vẫn bình chân như vại.

“Cứ vậy có mấy khi thấy bệnh đâu”

Cụ Đinh Thị Trẵn kể: "Ngày trước đói lắm, không có gì mà ăn. Mọi người rủ nhau vào trong rừng tìm cây lá ráy, rau rừng, măng tre để ăn. Có lúc ốm đau, cho con nhái vào trong ông nứa, thái củ măng cho vào trong đó, nấu lên để ăn. Các cụ già ở đây vẫn giúp con cháu làm nương rẫy, cơm ăn ba bữa. Cứ vậy, già rồi mà vẫn khỏe mạnh chứ có mấy khi thấy bệnh tật gì đâu".

Tuân Cao