Mỹ bác tin đồn về sự tồn tại của tiên cá

Mỹ bác tin đồn về sự tồn tại của tiên cá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Một bộ phận dân Mỹ và thậm chí cả người dân thế giới tới nay vẫn tin rằng tiên cá là có thực, nhất là sau khi kênh truyền hình Animal Planet mới phát sóng một serie phim tài liệu về chủ đề này. Tuy nhiên, một cơ quan khoa học uy tín của Mỹ đã khẳng định điều ngược lại.

Không có sinh vật biển mang hình người

Cơ quan Dịch vụ Hải dương Quốc gia Mỹ (NOS- thuộc Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia, NOAA) vừa ra thông báo nói rằng tiên cá không tồn tại. Thông báo của NOS dường như khá kỳ quái, khi nhiệm vụ của cơ quan trực thuộc Chính phủ này là tập trung nghiên cứu các hiện tượng lạ, nhưng có thật, tồn tại trên biển.

Xã hội - Mỹ bác tin đồn về sự tồn tại của tiên cá

Tiên cá chỉ là một sinh vật tưởng tượng.

Thời điểm NOS đưa ra thông báo diễn ra ngay sau khi kênh truyền hình Animal Planet vừa kết lúc serie phim tài liệu mang tên "Tiên cá: Thi thể được tìm thấy" hồi cuối tháng năm vừa qua. Kênh truyền hình nói rằng mục đích của serie là tìm kiếm xem liệu có chút bằng chứng sự thực nào nằm sau các truyền thuyết về tiên cá hay không. Tuy nhiên NOS đã khẳng định chắc chắn rằng không hề có tiên cá sống dưới biển.

NOS từ chối xác nhận tin đồn rằng thông báo của họ là nhằm công kích chương trình của Animal Planet song cụm từ "sinh vật biển mang hình người" mà NOS sử dụng đã nhắc người ta nhớ tới một giả thuyết gây tranh cãi mang tên "động vật linh trưởng sống dưới nước". Giả thuyết này nói rằng con người cổ đại từng có giai đoạn sống dưới nước trong quá trình tiến hóa.

Tuy nhiên giả thuyết này đã bị nhà nhân chủng học John Hawks xem là điên rồ và cũng không được nhiều khoa học gia ủng hộ. Trong phần giới thiệu, Animal Planet nói rằng serie phim tài liệu của họ nhằm "kể một câu chuyện về sự tiến hóa của con người, dưới góc độ lạ trong khoa học" - có ý nhắc tới giả thuyết động vật linh trưởng sống dưới nước kể trên.

Sản phẩm của trí tưởng tượng

Trong các truyền thuyết tồn tại tới nay, tiên cá là loài động vật nửa người, nửa cá chuyên sống ở biển. Đó là những sinh vật có nửa thân trên là phụ nữ và có đuôi cá. Những câu chuyện đầu tiên về tiên cá xuất hiện tại Assyria vào năm 1000 trước Công nguyên.

Chuyện kể rằng nữ thần Atargatis là mẹ của nữ hoàng Assyria Semiramis đã yêu một người chăn cừu bình thường, nhưng vô ý làm anh ta chết. Xấu hổ, bà nhảy vào hồ nước để hóa cá, nhưng nước biển không giấu được vẻ đẹp thần thánh của bà. Vì thế, bà đã chọn làm tiên cá, với nửa thân trên là thân hình phụ nữ và nửa dưới là đuôi cá.

Một truyền thuyết khác của Hy Lạp lại biến em gái Thessalonike của Alexander Đại đế thành tiên cá sau khi cô qua đời. Tiên cá Thessalonike hay rong chơi ở biển Aegean và khi gặp tàu, cô chỉ hỏi các thủy thủ đúng một câu: "Vua Alexander còn sống không?". Nếu câu trả lời là "Ngài vẫn sống, trị vì và chinh phục thế giới" thì cô sẽ hài lòng và khiến nước biển bình lặng, đồng thời còn chúc con tàu thượng lộ bình an. Nhưng các câu trả lời khác sẽ khiến tiên cá tức giận, gây bão tố, khiến con tàu gặp nạn.

Homer cũng đã viết về tiên cá trong tác phẩm kinh điển "The Odyssey". Tại vùng Viễn Đông, tiên cá lại được xem là vợ của những vị long vương hùng mạnh, hoặc đóng vai trò là người chuyển tin giữa các vị vua biển và vua trên mặt đất.

Thậm chí tới thời hiện đại, không ít người vẫn cho rằng họ đã phát hiện tiên cá. Năm 2009, tại thị trấn Kiryat Yam của Israel, người dân địa phương và du khách đã đổ tới đây vì có tin đồn một sinh vật với nửa thân cá, nửa thân gái trẻ xuất hiện. Thực tế, các nhà khoa học tin rằng các thủy thủ đi biển dài ngày mệt mỏi có thể đã nhìn thấy loài lợn biển và các động vật có họ với loài này và tưởng chúng là tiên cá. Truyền thuyết cũng nói rằng khi Christopher Columbus đi chinh phục miền đất mới, ông có nhìn thấy một "nàng" tiên cá lợn biển và thắc mắc không hiểu vì sao tiên cá lại xấu thế.

"Các sinh vật nửa người nửa thú, còn gọi là sinh vật tưởng tượng, chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Ngoài tiên cá, nhân loại còn cho ra đời giống sinh vật nửa người nửa ngựa, nửa người nửa dê hoặc thân người đầu trâu và các sinh vật tương tự" - NOS tuyên bố.

Thảo Nguyên