Nấm mồ chung của 9 hảo hán Lâm Trung Trại vẫn bí ẩn

Nấm mồ chung của 9 hảo hán Lâm Trung Trại vẫn bí ẩn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Người dân muốn được đưa thi hài các hảo hán Lâm Trung Trại về mai táng. Tuy nhiên, họ đã bị họng súng của giặc ngăn lại. Cuối cùng, một nấm mồ chung chôn 9 nghĩa sĩ được dựng nên. Trải qua bao năm, mộ xưa nay đã mất tích. Những anh hùng chỉ còn trong sử sách.

Hồn thiêng gửi nơi Dốc Sỏi

Sau khi xử tử 9 phạm nhân bị khép tội cướp của giết người, đám lính Pháp lên xe ra về. Họ bỏ lại 9 cái xác đang gục rũ trên những cọc gỗ. Đám lính quèn và các tội nhân khác ở lại để thu dọn trường bắn. Chứng kiến sự hi sinh anh dũng của những anh hùng một đời theo lý tưởng cứu nước, người dân Dốc Sỏi quỳ gối tiễn biệt họ. Sau ít phút chuẩn bị, đám tội nhân được lệnh tháo dây trói cho 9 anh hùng Lâm Trung Trại và tiến hành công việc mai táng.

Các bô lão sống quanh chùa Cô Hồn (gần khu vực Dốc Sỏi) cho biết: "Cha ông chúng tôi kể lại rằng, sau khi chứng kiến lũ giặc bắn những nghĩa sĩ, người dân đã lao ra đòi khiêng xác các hảo hán về mai táng nhưng không được. Trước sự hung hăng của đám lính, người dân cũng không dám làm căng. Họ sợ bị khép tội tòng phạm với tử tù nên đành đứng nhìn giặc khiêng xác các anh hùng đi chôn".

Xã hội - Nấm mồ chung của 9 hảo hán Lâm Trung Trại vẫn bí ẩn

Bảng thông tin của chùa Bửu Hưng Tự.

Thời gian trôi đi, trải qua nhiều biến cố lịch sử, khu vực chôn cất những nghĩa sĩ dần phai nhòa trong ký ức người dân nơi đây. Hiện tại, khi được hỏi về 9 anh hùng Lâm Trung Trại, rất ít người biết đến. Vì thế, những thông tin về nơi chôn cất của các nghĩa sĩ lại càng mờ mịt hơn. Ngoài một số bô lão cao tuổi thường xuyên làm công quả tại chùa Cô Hồn, người dân bản xứ không hề nghe nói về vụ xử bắn cũng như nơi an nghỉ của các anh hùng Lâm Trung Trại.

Tìm hiểu tại chùa Cô Hồn (phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), chúng tôi được biết, khu vực chùa không phải là nơi chôn cất các anh hùng Lâm Trung Trại. Được biết, chùa Cô Hồn được xây dựng khá lâu sau vụ hành quyết các hảo hán ngày nào. Những bô lão làm công quả tại chùa khẳng định: Vì thương tiếc và cảm phục tinh thần đấu tranh của những anh hùng nghĩa sĩ, người dân Dốc Sỏi đã dựng một am lá để hương hỏa cho họ.

Tuy nhiên, vị trí chính xác nơi chôn cất 9 anh hùng giờ rất khó xác định. Bởi đất đai và phong cảnh ở đây đã đổi thay nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, người xưa cũng như các giai thoại kể lại rằng, 9 hảo hán bị xử bắn rồi được chôn chung tại gốc cây Gõ "cụt" thuộc khu vực sân bay Biên Hòa.

Trong cuốn Biên Hòa lược sử ký, tác giả Lương Văn Lựu cũng khẳng định cây Gõ "cụt" chính là nơi an nghỉ của 9 vị anh hùng. Cũng theo tài liệu trên, phía tây của Dốc Sỏi có một cây Gõ cổ thụ vì bị sét đánh gẫy ngọn nên được người dân trong vùng gọi là cây Gõ "cụt". Cũng từ sự sống sót kỳ lạ sau khi bị sét phạt ngang, người dân cho rằng, đây là loài cây thiêng. Vì coi là nó linh thiêng nên thường ngày ít ai dám bén mảng đến gần gốc cây cổ thụ này. Chính nơi đây được các tội nhân có nhiệm vụ lo hậu sự chọn làm nhà chung cho các anh hùng Lâm Trung Trại.

Cảm thương trước sự ra đi của những anh hùng thất thế, các tội nhân khác xin giặc cho mỗi người anh em Lâm Trung Trại nằm một huyệt riêng biệt. Tuy nhiên, đám lính Pháp không đồng ý. Cuối cùng, họ đành đào một hầm sâu làm mồ chung cho 9 thi thể anh hùng. Trong khi đó, như một nỗ lực cuối cùng, người dân địa phương gom góp tiền mua 9 manh chiếu mới thay cho áo quan để các vị anh hùng an nghỉ. Cuối cùng, không nhang khói, không trống nhạc tiễn đưa, 9 hảo hán nằm chung một ngôi mộ trong tiếng khóc than của người dân.

Vẫn chưa tìm thấy mộ của các anh hùng

Dưới sự cấm đoán của giặc, người dân yêu nước không thể hương khói cho 9 vị anh hùng thất thế. Tuy nhiên, sau khi khóc tiễn đưa họ về với đất mẹ, nửa đêm, dân địa phương bí mật sắm lễ cúng đến thăm viếng. Được biết, các vị anh hùng cũng được người dân và các thành viên khác của trại bí mật để tang trong một thời gian dài sau đó.

Từ ngày định mệnh trên, người dân tưởng nhớ các vị anh hùng Lâm Trung Trại một cách bí mật. Ban đầu, việc nhang khói, tưởng niệm, cúng bái chỉ được tiến hành vào ban đêm. Về sau, nhận thấy thực dân Pháp đã quên đi các anh hùng từng khiến chúng điên đảo, dân địa phương quyết định công khai hương khói. Theo đó, dân địa phương cho dựng một am nhỏ tại gốc cây đa lớn ở đầu Dốc Sỏi để thờ Phật và cầu siêu cho những người đã khuất. Vì mục đích xây dựng để hương khói những người đã khuất, am cỏ trên được dân địa phương quen gọi là chùa Cô Hồn. Từ đó, nơi đây được xem là nơi thờ tự, lưu dấu hồn thiêng của 9 vị anh hùng Lâm Trung Trại.

Xã hội - Nấm mồ chung của 9 hảo hán Lâm Trung Trại vẫn bí ẩn (Hình 2).

Chùa Cô Hồn, nơi lưu dấu hồn thiêng 9 anh hùng Lâm Trung Trại.

Trong cuốn Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu có ghi, chùa Cô Hồn trải qua nhiều biến cố và gắn liền với những sự kiện lịch sử mang tính trọng đại của đia phương. Chùa được xây dựng vào năm 1918 ở ngã ba Dốc Sỏi, xóm Bình Thành xưa. Sau đó hai năm, Sở hỏa xa (thời Pháp thuộc) mở đường ray qua vị trí chùa để chở đá ở núi Lò Gạch về xây dựng đường. Chính vì vậy, chùa buộc phải dời về phía Tây Nam so với vị trí ban đầu. Trong lần di dời địa điểm này, chùa được xây dựng khang trang hơn và một vị tu sĩ đã đến nhận chức trụ trì. Từ đây, chùa Cô Hồn được vị trụ trì đổi lại hiệu là Bửu Hưng Tự.

Thông tin về chùa Cô Hồn, người dân phường Quang Vinh cũng như những cá nhân thường xuyên công quả tại chùa nhận định: "Chùa đúng là nơi thờ tự những anh hùng Lâm Trung Trại. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nghe ai nói rằng đây là nấm mồ chung của 9 vị anh hùng bị hành quyết". Được biết, từ lâu, người dân địa phương đã xem chùa như nơi lưu giữ hồn thiêng và những ký ức về những anh hùng Lâm Trung Trại nổi tiếng với vụ phá Khám Biên Hòa gần 1 thế kỷ trước.

Khu vực được sử sách nhận định là Dốc Sỏi - pháp trường thực hiện buổi hành quyết 9 người đứng đầu Lâm Trung Trại giờ đã trở thành đại lộ Nguyễn Ái Quốc (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Ngược với những miêu tả đầy hoang sơ của tác giả Lương Văn Lựu, ngày nay, Dốc Sỏi là những công trình kiến trúc, khu giải trí, kinh doanh hiện đại. Thời gian trôi đi, quá trình hiện đại hóa gần như đã đổi thay con đường Dốc Sỏi chạy qua pháp trường năm nào. Vị trí gốc cây Gõ "cụt" cổ thụ, nơi được nhận định là nấm mồ chung của các vị anh hùng thất thế cũng không còn dấu tích.

Theo đó, những đầu mối dẫn chúng tôi trên con đường tìm kiếm hình hài của những anh hùng "Lương Sơn Bạc" đất Biên Hòa xưa đều hướng về chùa Cô Hồn. Tại đây, dẫu đất xưa đổi dời nhưng hồn thiêng, dũng khí và sự ra đi của những anh hùng Lâm Trung Trại trong buổi đầu đấu tranh cứu nước vẫn như còn vang danh mãi mãi.

Di tích lịch sử cách mạng

Bửu Hưng Tự không chỉ là nơi ghi dấu buổi hành quyết đẫm máu đối với các anh hùng Lâm Trung Trại mà còn là một di tích lịch sử cách mạng. Theo đó, chùa cũng là nơi diễn ra Hội nghị cán bộ Đảng ở Biên Hòa vào tháng 6/1945 do đồng chí Hoàng Minh Châu trụ trì. Đây là hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền trong cách mạng Tháng 8/1945. Chùa được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích cách mạng theo quyết định số 62/QĐ UBT ngày 16/2/1979.

Hà Nguyễn - Ngọc Lài