Năm Thìn nói chuyện Rồng

Năm Thìn nói chuyện Rồng

Thứ 7, 10/02/2024 | 07:00
0
Trong mười hai con vật của hệ can chi, rồng là con vật duy nhất không có trong đời thực mà được hình thành bởi trí tưởng tượng của con người.
 
Ngoài tên gọi phổ biến là rồng, còn có cách gọi theo âm Hán Việt là Long và cách gọi theo bảng can chi là Thìn. Có tất cả năm loại Thìn theo cách gọi của bảng Can Chi. Đó là Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn, Nhâm Thìn. Từ nguyên mẫu rồng, đời sống sinh hoạt và ngôn ngữ người Việt còn phái sinh ra những tên gọi khác như: giao long, thuồng luồng, đều là những con vật nằm trong trí tưởng tượng.
 
Quan sát từ hình dáng bên ngoài có thể thấy con rồng là kết quả tổng hợp các đặc điểm của hai loài vật là con cá sấu và con rắn. Rồng giống con cá sấu ở các bộ phận đặc thù như đầu, vẩy, chân và giống con rắn ở đặc điểm thân dài. Rồng sinh ra ở dưới nước nhưng lại có thể bay lên trên trời. Có thể bay được lên trời mà không cần phải có cánh. Miệng của rồng vừa có thể phun nước lại vừa có thể phun lửa. Tuy thế, tâm thức của người Việt thường gắn con rồng với việc phun nước làm mưa là chính. Điều này thể hiện qua hai truyện cổ tích tiêu biểu là Sự tích hồ Ba BểSự tích đầm Mực
 
Sự kiện - Năm Thìn nói chuyện Rồng

Ảnh minh họa

 
Nhắc đến rồng là nhắc đến con vật có phong cách uy nghiêm dữ dội bậc nhất trong tất cả các con vật của bảng can chi. Rồng vì thế tượng trưng cho sức mạnh và sự thống trị nên hay được gắn với nhà vua. Trong hệ thống từ vựng Hán Việt đã hình thành cả một lớp từ để chỉ các đồ đạc, vật dụng mà nhà vua sử dụng hàng ngày hoặc những gì thuộc về vua đều có chữ “long” (rồng) tham dự: long bào, long sàng, long xa, long giá, long nhan, thuyền rồng… Vị thần làm mưa thì được gọi là long vương. Chữ long cũng mang ý nghĩa gắn với những điều tốt lành, hạnh phúc và phát triển. Đấy là cơ sở để hình thành nên một loạt các từ ngữ như: long mạch, long môn, long phụng, long vận, long vân (hội rồng mây).
 
Trong phong thủy xây dựng nhà cửa hoặc đền chùa miếu mạo, người ta thường trang trí, chạm khắc rồng, hổ và có các câu thành ngữ quen thuộc: Tả thanh long hữu bạch hổ, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu. Nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam được đặt tên với chữ Long (Rồng): Hàm Rồng, Hàm Long, Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long, Bạch Long Vĩ, Long Đỗ, Long Điền… Rồng cũng có khi được ví với những nhân vật có khả năng phi phàm, đặc biệt.
 
Người Việt Nam tự hào là con rồng cháu tiên, gắn với câu chuyện truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ. Con rồng cũng đã đi vào nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt với các ý nghĩa biểu tượng khác nhau, trong đó đa số gắn với những điều tốt đẹp: Rồng bay phượng múa, Rồng đến nhà tôm, Một ngày tựa mạn thuyền rồng/Còn hơn chín kiếp ngồi trong thuyền chài, Cá chép hóa rồng, Cá gặp nước rồng gặp mây, Có phúc trúc hóa long, Nước chảy lòng ròng như long cuốn thủy. Cũng có lúc rồng thất thế, bị rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, không phù hợp và tương thích với vị trí cao quý đáng có: Rồng thất thế hóa thành rắn, Rồng vàng tắm nước ao tù.
 
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, hình tượng con rồng có sự biến đổi qua các thời kỳ, in dấu phong cách hoặc tư tưởng của người cai trị. Rồng thời Lý có đường nét uốn khúc nhẹ nhàng, đơn giản trong tạo hình: thân dài, uốn khúc và mang vẩy. Sang đến thời Trần, rồng bắt đầu biến đổi nhiều hình vẻ, phát triển đa dạng, mỗi nơi lại có sự khác biệt nhất định. Thân rồng thời Trần mập mạp khỏe khoắn hơn, vòi ngắn lại, kiểu dáng sừng phong phú, bờm xuất hiện hai loại dải ngắn vòng xuống gáy, vẩy nhiều hơn, móng vuốt ngắn và to hơn. 
 
Sang đến thời Lê sơ, vòi của rồng được thay thế bằng mũi của loài ăn thịt, mặt rồng trông dữ hơn, thêm lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, sức mạnh uy quyền đế vương được thể hiện qua hình ảnh con rồng 5 móng. Nhiều người cho rằng con rồng thời Lê sơ rất giống con rồng của nhà Minh nhưng thực ra con rồng thời Lê sơ có vẩy và đuôi mềm mại hơn, phần bờm thường xẻ ra hai bên, xuất hiện tư thế một chân trước cầm lấy râu rất đặc trưng. 
 
Rồng thời Mạc có sừng hai chạc trên đầu, hai mắt lồi, mũi sư tử, mồm thú nhô phía trước và các chân rồng thường chạm bốn móng.
 
Sang đến thời kỳ Lê Trung Hưng, đây là thời kỳ nhiều biến động và cũng lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Với sự nở rộ của nhiều kiến trúc đình chùa, hình tượng con rồng cũng theo đó mà phát triển rất phong phú, trong đó nổi bật nhất là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng sắc nhọn. Đầu rồng không còn bổ luống mà chia thành từng dải đều nhau, lông mày, râu cằm và lông khuỷu chân loe ra, hai sợi râu mép uốn cong lại. Đến thời Cảnh Hưng gần giữa thế kỷ 18 đã xuất hiện con rồng đuôi xoáy, thân rồng mảnh hơn và đường nét tạo hình này được cho là xuất hiện sớm nhất trên các sắc phong. 
 
Cho đến triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam là triều Nguyễn, hình tượng con rồng về cơ bản kế thừa hình tượng rồng thời Lê Trung Hưng, phát triển thêm những con rồng thềm bậc, độ uốn khúc không còn đều đặn mà chỉ vồng lên hai khúc nhỏ dần về đuôi, trán rồng có phần lõm hơn và bợt ra sau, đuôi rồng duỗi ra với các dải lông thưa thớt, cũng có khi sắc nhọn tua tủa. 
 
Trong tất cả các tạo hình con rồng thời phong kiến, có lẽ đặc biệt nhất là tượng con rồng đầu cắn thân chân xé mình, cao 79cm, chiều ngang 136cm, chiều dài 103cm, tổng trọng lượng 3 tấn, được tìm thấy năm 1991 khi nhân dân địa phương tiến hành tu sửa đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh tại phía nam núi Thiên Thai, thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Pho tượng thể hiện một trạng thái sống động, đau đớn, quằn quại, bi thương phẫn uất đến cùng cực.
 
Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng tác giả bức tượng này muốn thể hiện nỗi đau đớn oan khuất của thái sư Lê Văn Thịnh khi bị vu oan là hóa hổ để giết vua. Nhưng thông điệp của tác phẩm có lẽ còn lớn hơn như thế. Con rồng vốn là biểu tượng tối thượng cho đấng minh quân, rồng mà tự cắn vào thân thì làm sao có thể bay lên được nữa. Điều ấy cũng giống như làm vua mà không anh minh, mà để xảy ra các án oan khuất, nhất là đối với những kẻ sĩ tài năng và đức độ, thì đó chính là ngọn nguồn của bao đau khổ và hủy hoại chính mình. 
 
Khác với phương Đông, rồng với nhiều đất nước phương Tây xuất hiện như một biểu tượng của cái ác và gần với quỷ dữ. Rồng thường gắn với nhiệm vụ là con vật canh giữ các kho báu được giấu kín, phải đánh bại rồng thì mới vào được kho.
 
Trong khi đó, rồng đối với Việt Nam luôn là biểu tượng của sự cất cánh, bắt đầu từ giấc mơ của vua Lý Thái Tổ thấy một con rồng vàng bay lượn giữa bầu trời trong xanh nên đã chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên mới là Thăng Long, con rồng trong cảm thức của đông đảo người Việt hôm nay và mai sau vì thế luôn gắn với những gì đẹp đẽ, phát triển và trường tồn.
 
Đỗ Anh Vũ
 

Quảng Bình: Sôi động lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập

Thứ 7, 02/09/2023 | 21:15
Cứ vào dịp Tết Độc lập, người dân huyện Lệ Thủy nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung lại nô nức tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông, biển.

Tp.HCM: Khai mạc Lễ hội Đường sách Tết lớn nhất trên đường Lê Lợi

Thứ 5, 19/01/2023 | 22:20
Lần thứ 13 tổ chức, Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023 của Tp.HCM được bố trí tại không tuyến đường khác và quy mô lớn hơn so với các năm trước.

Phong tục Tết: Độc đáo Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai

Thứ 7, 21/01/2023 | 07:00
Lễ hội Gầu Tào được người Mông tổ chức để cúng tạ trời đất, thần linh, cầu mong cho mùa màng, gia súc bội thu, trẻ em được hạnh phúc.

Tết Ramưwan lễ hội văn hóa đặc sắc của người Chăm ở Bình Thuận

Chủ nhật, 11/04/2021 | 15:41
Cũng giống như Tết Nguyên đán của người Kinh, Tết Ramưwan là tết cổ truyền mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm tại Bình Thuận.
Cùng chuyên mục

Đà Nẵng rộn ràng với mùa du lịch biển

Thứ 7, 27/04/2024 | 21:08
Để mùa du lịch Biển thành công, các hộ kinh doanh ký cam kết niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Cát Bà và Đồ Sơn thưa khách trong ngày đầu nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Thứ 7, 27/04/2024 | 20:56
Dự kiến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, 2 khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà ở Hải Phòng đón khoảng 390.000 lượt du khách trong nước và quốc tế.

Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường 1C

Thứ 7, 27/04/2024 | 20:33
Ngày 27/4, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C.

Cơ hội vàng cho bóng đá Việt Nam đang mở

Thứ 7, 27/04/2024 | 13:54
Kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil năm nay sẽ ghi dấu ấn bằng những sự kiện văn hoá chưa từng có và đặc biệt là nhịp cầu tuyệt vời cho Bóng đá (BĐ) mà Cộng hoà Liên bang Brazil muốn dành cho Việt Nam.

Quảng Ninh: Tìm thấy nạn nhân cuối trong vụ lật thuyền ở Quảng Yên

Thứ 7, 27/04/2024 | 13:41
Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể toàn bộ 4 nạn nhân của vụ lật thuyền nan xảy ra trên luồng sông Chanh ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
     
Nổi bật trong ngày

Cơ hội vàng cho bóng đá Việt Nam đang mở

Thứ 7, 27/04/2024 | 13:54
Kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil năm nay sẽ ghi dấu ấn bằng những sự kiện văn hoá chưa từng có và đặc biệt là nhịp cầu tuyệt vời cho Bóng đá (BĐ) mà Cộng hoà Liên bang Brazil muốn dành cho Việt Nam.

Quảng Ninh: Tìm thấy nạn nhân cuối trong vụ lật thuyền ở Quảng Yên

Thứ 7, 27/04/2024 | 13:41
Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể toàn bộ 4 nạn nhân của vụ lật thuyền nan xảy ra trên luồng sông Chanh ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Tp.HCM: Đánh giá kỹ khi đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm Metro 2

Thứ 7, 27/04/2024 | 11:00
Để thực hiện dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), có hơn 400 cây xanh phải di dời, đốn hạ là điều khiến người dân quan tâm.

Người dân Hải Phòng có thể thưởng thức pháo hoa mỗi dịp cuối tuần

Thứ 7, 27/04/2024 | 13:41
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đồng ý với đề nghị của UBND Tp.Hải Phòng về việc tổ chức 1 điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp mỗi tối cuối tuần tại đảo Vũ Yên.

Tuyên Quang: Níu chân du khách bằng sắc màu thổ cẩm

Thứ 7, 27/04/2024 | 14:43
Vừa qua, chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề đã được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang.