NASA thu bắt đầu thu

NASA thu bắt đầu thu "trái ngọt" từ tàu thăm dò

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Không lâu sau khi Curiosity hạ cánh thành công xuống sao Hỏa, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố những hình ảnh màu đầu tiên về Hành tinh Đỏ do con tàu thăm dò hiện đại nhất và lớn nhất ghi lại. Đây là những thành quả đáng khích lệ đầu tiên, trước khi Curiosity mang về nhiều thông tin ấn tượng hơn, như đáp án cho câu trả lời, liệu sao Hỏa có sự sống hay không.

Những bức ảnh ấn tượng đầu tiên

Theo NASA, tàu Curiousity đã chụp và quay phim toàn bộ quang cảnh của sao Hỏa bằng hệ thống camera HiRISE gắn trên tàu khi đang bay cách bề mặt hành tinh này khoảng 300 km. Bức ảnh màu và đoạn video dài khoảng 2,5 phút do con tàu ghi lại rồi gửi về mặt đất có bề mặt gồ ghề sỏi đá của sao Hỏa và một "vòng tròn" lớn - chính là miệng của ngọn núi lửa Gale Crater nằm gần đường xích đạo của sao Hỏa, nhìn từ trên cao.

Xã hội - NASA thu bắt đầu thu 'trái ngọt' từ tàu thăm dò

Một trong những bức ảnh đầu tiên do Curiosity chụp sau khi hạ cánh cho thấy bánh xe của nó và núi Sharp ở phía xa

Các hình ảnh chụp từ nhiều vệ tinh nhân tạo bay quanh sao Hỏa cũng cho thấy tàu Curiousity đã hạ cánh gần núi lửa Gale với các bộ phận tách rời nằm ở các vị trí khác nhau. Chiếc "cần cẩu trên không" với các động cơ phản lực dùng để hãm tốc và thả Curiousity từ từ xuống đất trong những phút trước khi nó đáp xuống Sao Hỏa, đã nằm cách thân tàu khoảng 650 mét về phía Tây Bắc. Trong khi đó, lá chắn nhiệt của module chứa tàu văng ra xa khoảng 1.200 mét về phía Đông Nam.

Các kỹ sư của NASA cho biết những hình ảnh này cho thấy tàu Curiousity đã trải qua một hành trình có một không hai để đáp xuống bề mặt Sao Hỏa. NASA nói rằng do hạn chế về hoạt động truyền dữ liệu nên các bức ảnh chụp bề mặt Hành tinh Đỏ được gửi trong thời gian tới đây sẽ tăng dần độ chi tiết và rõ nét.

Trước đó, chỉ vài phút sau khi hạ cánh thành công, Curiosity đã gửi về Trái đất các tấm ảnh đen trắng đầu tiên. Các hình ảnh này được tải lên kênh truyền hình NASA, nằm trong một đoạn video có cảnh lá chắn nhiệt tách ra và bụi tung lên khi con tàu chạm bánh xuống đất. Các bức ảnh trắng đen khác cho thấy bóng của tàu thăm dò và núi Sharp ở phía xa. Curiosity sẽ chinh phục ngọn núi này trong hành trình 2 năm nhằm khám phá sao Hỏa và phân tích các mẫu đất đá đã có tuổi đời 1 tỉ năm.

Truy tìm sự sống

Theo kế hoạch, ngày 8/8, NASA sẽ lần đầu tiên tháo bỏ bộ ăngten điều khiển từ xa gắn trên tàu Curiousity và bắt đầu kiểm tra hàng loạt hệ thống trên con tàu. Phó giám đốc chương trình Curiosity, Richard Cook, cho biết các kỹ sư ở Trái đất sẽ dành phần lớn tháng 8 để kiểm tra các hệ thống nằm trong phòng nghiên cứu di động của con tàu.

Phòng nghiên cứu này có rất nhiều "đồ chơi", gồm một hệ thống tia laser đốt đá, 17 máy thu hình, một chiếc khoan, các cảm biến phóng xạ, các cảm biến tìm dấu vết của nước và nhiều công cụ lấy mẫu đất để tìm kiếm các hợp chất được tạo thành dựa trên gốc carbon, vốn là nền tảng của sự sống. Curiosity sẽ bắt đầu di chuyển lần đầu trên bề mặt sao Hỏa vào tháng 9 tới và kết quả thử nghiệm các mẫu đất bề mặt đầu tiên trên sao Hỏa sẽ được gửi về vào cuối tháng đó. Nó sẽ tiến hành khoan thử để lấy mẫu đất trong lòng sao Hỏa vào tháng 10 hoặc tháng 11.

Được phóng lên sao Hỏa vào ngày 26/11/2011 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, bang Florida, Curiosity là loại tàu thăm dò vũ trụ lớn nhất và hoàn thiện nhất của NASA, trị giá tới 2,5 tỷ USD. Việc cho con tàu tự hành này hạ cánh xuống Hành tinh Đỏ được NASA coi là khó khăn nhất do Curiosity quá nặng, không thể giảm bớt tác động bằng các túi khí. Chính vì vậy, các kỹ sư của NASA đã thiết kế một loại "cần cẩu trên không" với các tên lửa hãm để giữ Curiousity trong những phút trước khi nó đáp xuống hành tinh này.

NASA cho biết thời gian tới, nhiệm vụ của Curiosity không phải là đi tìm người ngoài hành tinh hay dấu vết của các sinh vật sống trên sao Hỏa. Thay vì thế, con tàu sẽ phân tích các loại đất đá nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống từng xuất hiện trong quá khứ, hoặc rất có thể vẫn đang tồn tại hiện nay. Cho tới giờ, vẫn có hướng giả thuyết nói rằng sự sống ở dạng tế bào đang tồn tại bên dưới lớp vỏ của sao Hỏa và việc tìm thấy chúng có thể mang tới câu trả lời chắc chắn, rằng chúng ta không cô đơn trong vũ trụ rộng lớn này..

Ngoài ra, người ta cũng cũng sử dụng Curiosity để nghiên cứu môi trường tại đây, nhằm chuẩn bị cho việc đưa con người lên hành tinh này trong những năm tới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thề sẽ đưa con người lên đây vào năm 2030 và nhiều khả năng sẽ sử dụng sao Hỏa làm tiền đồn để tiến sâu hơn vào vũ trụ.

Thảo Nguyên (tổng hợp)