Ngày xuân đi tìm nguồn tích Hội Lim

Ngày xuân đi tìm nguồn tích Hội Lim

Thứ 4, 20/02/2013 | 15:44
0
Những ngày này, trên mảnh đất giàu truyền thống Kinh Bắc, ai cũng chuẩn bị cho mình đôi ba làn điệu quan họ để cùng góp vui cho vẹn câu hát giao duyên. Thế nhưng ít ai biết rằng đằng sau những câu giao duyên ấy lại chất chứa bao câu chuyện li kỳ về nguồn gốc lễ hội hát quan họ lớn duy nhất ở Việt Nam này.

Ngôi chùa mang nhiều huyền tích

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Bởi thế từ lâu những câu hát giao duyên đã ngấm sâu vào tiềm thức thành niềm tự hào. Chính điều đó đã đưa chân tôi đi khắp nẻo đất Kinh Bắc mong tìm được những gì là nguồn cội, là gốc rễ. Và lần này, tôi thỏa ý nguyện khi gặp những con người của một thế hệ đã gần đất xa trời nhưng vẫn hào sảng, tinh anh khi nhắc về lễ hội có một không hai trên dải đất hình chữ S.

Lạ & Cười - Ngày xuân đi tìm nguồn tích Hội Lim

Hội Lim đến hẹn lại lên, năm nào cũng là một lễ hội thu hút sự quan tâm của du khách thập phương.

Cụ Nguyễn Đình Tiến (SN 1928), đã trải qua 85 mùa Hội Lim ở thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Tuổi già in hằn những nếp nhăn trên khóe mắt, mái tóc đã bạc, bước chân đã chậm, nhưng nhắc về Hội Lim, cụ như được tiếp thêm một nguồn sinh khí mới. Thì ra, cái giá trị của văn hóa là đây! Nó làm trẻ hóa những tâm hồn tưởng đã bị khuất phục bởi sự khắc nghiệt của thời gian. Đôi mắt đa tình đặc trưng của một liền anh quan họ như không hề biết đến tuổi, cụ Tiến hào sảng kể: "Xưa kia, đất đồi Lim vẫn thuộc xã Nội Duệ.

Vào triều đại nhà Lý, tương truyền có một cô cung nữ rất hiếu thảo. Mười năm làm cung nữ chăm chỉ ngoan hiền nên rất được lòng vua. Nhân buổi mẹ già ở quê ốm đau, cô cung nữ xin với đức vua được về quê chăm mẹ. Vua thương, cho cô về hẳn với mẹ, lấy chồng và không cần quay vào cung nữa. Cô gái vui mừng trở về, nhưng mẹ cô đã may mắn qua khỏi. Tuổi xuân gửi lại chốn thâm cung, cô đã trở nên quá lứa lỡ thì. Đến khi mẹ cô qua đời, không còn ai thân thích, cô quyết định lên vùng đất đồi Lim, tu tạo và phục dựng ngôi chùa bị bỏ hoang đã lâu, đặt tên là Hồng Ân Tự (ơn đức của vua ban). Sau này cô cung nữ cũng mất ở chùa, vì thế mà người ta đồn rằng chùa Lim rất thiêng.

Sau khi cung nữ qua đời, người kế cận và cũng được coi là sư tổ của chùa Lim ngày nay là Mụ Ả, người làng Duệ Nam, xã Nội Duệ. Vì cung cao số nặng, bảy lần lấy chồng thì cả bảy người chồng đều chết. Buồn chuyện gia đình, Mụ Ả quyết tâm làm giàu, sau đó còn bày cách giúp dân khắp vùng làm ăn phát đạt. Khi đã giàu có, bà đem tiền đó tu sửa lại chùa Lim và tự thiêu tại chùa. Ghi nhớ công ơn bà giúp dân phát triển ruộng đồng làm ăn thuận lợi, người đời sau tôn bà làm sư tổ chùa Lim.

Cụ Tiến được nghe câu chuyện từ cha mình, vào năm 1930, khi giặc Pháp sang chiếm đóng trấn Kinh Bắc, vợ một tên quan cầm quyền Pháp là người Việt Nam đi vãn cảnh chùa Lim. Thấy bức tượng Phật đẹp bày trong chùa thì lén mang về nhà mình để thờ tự. Không ngờ tượng chùa linh thiêng, bà ta lăn ra ốm, chữa cách nào cũng không khỏi. Có vị thầy cúng mách mua đồ tạ lễ mang trả tượng chùa thì bệnh sẽ tan biến hết. Viên quan nọ làm theo và vợ hắn ta khỏi thật. Để tạ ơn trời đất, ông ta mở hội tại chùa rất linh đình. Cho đến bây giờ trong dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca: "Ba năm hai cái hội chùa/ Nào ai có nỡ bỏ bùa cho ai. (Tức là ngoài ngày hội chùa truyền thống thì cả làng năm đó được tham gia một hội khác do viên quan Pháp mở ra để tạ ơn đất trời cứu thế vợ mình - PV).

Lạ & Cười - Ngày xuân đi tìm nguồn tích Hội Lim (Hình 2).

Cụ Nguyễn Đình Tiến luôn mong muốn  Hội Lim thuần chất như một ngày đã xa.

Linh hồn của hội Lim là Lộ Bao, Đình C

Xưa kia, Hội Lim được tổ chức do sự hợp sức của sáu xã quanh vùng. Nhưng cái gốc tích phát hội thì chỉ có ở hai thôn Lộ Bao và Đình Cả. Ông Đào Tiến Hậu (SN 1957), trưởng thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết: "Thôn Đình Cả và thôn Lộ Bao là hai thôn trong xã có chung một sắc phong của vua ban. Sử sách lâu đời hai làng truyền lại rằng, chiếc sắc phong quý giá ấy, mỗi làng mỗi năm chỉ được giữ một lần và phải luân phiên đều đặn. Nếu làng nào cố ý giữ lại quá một năm thì sẽ bị phạt vạ, cả làng làm ăn lụn bại. Bởi thế, các cụ hai làng đã bàn nhau chọn một ngày rước sắc phong để làm ngày lễ hội.

Sau phần nghi lễ rước sắc phong người ta tổ chức hát quan họ, đánh đu và chơi những trò chơi dân gian. Sắc phong sẽ được rước trang trọng từ Đình Cả sang Lộ Bao (hoặc ngược lại), sau đó rước lên phía chùa Lim, nơi thờ vị sư tổ có công với dân làng khắp vùng Nội Duệ và vị quận công Nguyễn Diễn có nhiều công dẹp giặc cứu nước. Sau khi cúng tế tại chùa Lim, sắc phong lại được rước về một trong hai thôn để thờ tự. Để rồi ngày này sang năm, đến hẹn lại lên theo lời cha ông truyền lại, cả làng lại tổ chức lễ hội rước sắc phong.  Hội Lim được hình thành từ đó.

Ông Hậu khẳng định: "Người người bốn phương tìm về Hội Lim thường lầm tưởng Hội Lim chính là Hội được tổ chức trên chùa Lim. Nhưng thực chất linh hồn của Hội Lim lại từ hai thôn Đình Cả và Lộ Bao mà ra. Nếu không có tục rước sắc phong vua ban là phần lễ chính hội vào ngày 13 âm lịch hàng năm thì Hội Lim sẽ mất đi phần giá trị văn hóa lớn".

Cũng theo ông Hậu, đám rước thường tập trung tất cả dân làng. Người trong đám rước có tuổi nhỏ như những em bé lên 6, 7 tuổi cho đến những cụ già cao niên. Điều đó thể hiện sự thịnh vượng và cũng là cảm ơn hồng phúc của những bậc tiền bối để lại cho con cháu hai làng. Lễ hội được mở trong ba ngày chính là 12, 13, và 14 tháng giêng âm lịch. Trước đây, hội được tổ chức vào hai ngày 14, 15 tháng tám âm lịch. Nhưng qua nhiều năm tổ chức lễ hội thường gặp ngày mưa do mùa mưa lũ. Mặt khác, dịp tháng tám cũng gắn với vụ mùa nên người nông dân thường bận rộn. Bởi vậy, người hai làng bàn bạc và quyết định chuyển ngày tổ chức sang đầu tháng giêng.

Chính hội là ngày 13 nhưng từ ngày 10, 11, mọi công tác chuẩn bị đã hết sức sôi nổi. Ở Lộ Bao và Đình Cả có một điểm chung là có rất nhiều nghè thờ các vị thành hoàng. Trước ngày rước sắc, bát hương từ các nghè sẽ được làm lễ nghi rước về quy tụ tại đình làng. Vào chính hội, tức ngày 13 âm lịch, từ sáng sớm, người làng và du khách thập phương đã tề tựu đông đủ. Nghi lễ trao nhận sắc phong sẽ được hai vị đứng đầu của hai làng thực hiện một cách trang trọng. Phần tế lễ được tổ chức trước chùa Lim cũng là một phần trong toàn bộ nghi lễ rước sắc phong. Riêng đoàn rước sắc hai làng lên tới hơn một nghìn người, kéo dài hàng cây số. Đầu đoàn rước có thể chạm tới đình làng thôn này nhưng cuối đoàn rước vẫn ở thôn kia. Chính sự góp mặt của đông đủ mọi tầng lớp nhân dân tạo nên sự uy nghiêm, trang trọng và hoành tráng đặc biệt của Hội Lim so với các lễ hội khác trên khắp vùng đất Kinh Bắc. Sau nghi lễ rước sắc phong, hoạt động phần hội tập trung vào những làn điệu quan họ, đặc sản của quê nhà.

Hẹn ngày đó năm sau lại v

Cụ Tiến nhớ lại: "Hội Lim xưa vui lắm vì nó đậm chất truyền thống, không quán hàng, không có những trò chơi mang tính thắng thua đen bạc như bây giờ. Hội Lim của chúng tôi ngày xưa chỉ thuần chất là hát quan họ và vài ba trò chơi dân gian như đánh đu, hay xới vật. Bây giờ, Hội Lim đang ngày càng bị thương mại hóa mà mất đi cái bản sắc văn hóa ngàn đời. Đó là do nguyên nhân khách quan. Nhưng cái đáng quý hiện nay là hai thôn Đình Cả và Lộ Bao vẫn giữ được mối gắn kết thân tình từ chiếc sắc phong của vua. Và trong ao trước đình mỗi làng vào ngày hội vẫn duy trì được những thuyền rồng hát dân ca quan họ. Đó là cái níu chân du khách khi đến với Hội Lim là nhớ mãi, hẹn ngày đó năm sau lại tìm về.

Dương Thu

Hội Lim và lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích

Thứ 4, 06/02/2013 | 08:47
Ngày 5/2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về những nét mới nhất của lễ hội Lim tại đồi Lim và lễ khán hoa Mẫu đơn tại chùa Phật Tích.

Tháp Nhạn - nơi ẩn chứa nhiều huyền tích bí ẩn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Đến tận thời điểm này, nhiều người vẫn chưa thể lý giải hết những huyền tích xung quanh tháp Nhạn...

Huyền tích 2.000 mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ

Thứ 6, 09/08/2013 | 16:58
Sự điêu luyện của những bậc tiền bối khắc Kinh ở chùa Bổ Đà xưa có thể so sánh với những nét chạm khắc trên các pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương cùng thời.

Sự thật về những viên đá quý có... linh hồn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Ngoài đặc tính đẹp, quý, hiếm và đắt đỏ... ngọc thạch còn mang trong mình một bí mật về "gia thế chủ nhân", hay một lời nguyền gây nỗi ám ảnh cho những người sở hữu nó.