Nghề bói toán ở Sài Gòn trước năm 1975

Nghề bói toán ở Sài Gòn trước năm 1975

Thứ 2, 11/03/2013 | 09:15
0
Ngày nay, nghề bói toán được xem là mê tín dị đoan nhưng trước năm 1975, tại Sài Gòn, nghề bói toán rất được tôn trọng và kính nể bởi những người hành nghề có uy tín cao trong xã hội.

Theo dòng chảy của lịch sử, các thầy bói của Sài Gòn xưa đã không còn vị thế như trước nữa. Đoán vận mạng cho nhiều người nhưng cuối cùng thì các thầy cũng chẳng đoán được vận mạng cho chính mình. Nhiều người lớn tuổi ở Sài Gòn kháo nhau rằng, đáng lẽ cuộc đảo chính năm 1963 (lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm) đã xảy ra sớm hơn nhưng vì các thầy bói đã bấm độn nên phải rời qua ngày 1/11/1963.

Lạ & Cười - Nghề bói toán ở Sài Gòn trước năm 1975

Nghề bói rất thịnh và nổi danh ở Sài Gòn trước năm 1975

Giai thoại kể lại, có quan chức chế độ cũ được thầy bói khuyên là nên luôn luôn thắt cà vạt màu xám có sọc màu hồng và ông này đã âm thầm làm như vậy trong bao nhiêu năm trời. Vì sự mê tín của cả nhân dân và chính quyền, các vị thầy bói có ảnh hưởng rất lớn, nếu không nói là đã đóng những vai trò quan trọng trên chính trường.

Trong nghề bói toán ở Sài Gòn trước năm 1975, các thầy bói đều là những người làm ăn khá giả và rất có uy tín xã hội. Trong đó, số thầy bói từ miền Bắc di cư vào Nam chiếm một lượng lớn. Có lẽ, thầy Khánh Sơn là người nổi tiếng và hành nghề lâu nhất ở Sài Gòn giai đoạn trước năm 1975. Từ những năm Pháp thuộc, thầy đã tự xưng là Maitre Khánh Sơn. Báo chí thời ấy đã đăng ảnh thầy đeo kính trắng trí thức, một ngón tay chỉ vào cái chìa khóa, tượng trưng cho sự khám phá mọi điều huyền bí (?!). Thầy hành nghề từ những năm 1940, sau khi tốt nghiệp sư phạm tại Hà Nội, chứ không phải vì thất nghiệp mà phải xoay nghề như một số thầy ở bên Tàu sang Việt Nam.

Theo nhiều giai thoại, thầy Khánh Sơn là người hào hoa phong nhã, lại làm ra tiền nên dù vợ con đàng hoàng, thầy vẫn được các bà, các cô mê mệt. Viên toàn quyền Pháp Pasquier trấn nhậm Đông Dương vào năm 1936, được thầy Khánh Sơn đưa ra một câu sấm để giải đoán trường hợp ông ta: "Bao giờ hai bảy mười ba/Lửa thiêng đốt cháy tám gà trên mây".

Theo một số người kể lại, thầy Khánh Sơn năm ấy phán rằng "tám gà" là bát kê (phiên âm của tên vị toàn quyền) và "trên mây" là máy bay. Không ngờ sau đó ít lâu, máy bay trên chở viên toàn quyền bay về Pháp bị bốc cháy. Không những ông ta mà cả tám người trên phi cơ đều tử nạn. Thời gian hành nghề của thầy Khánh Sơn kéo dài rất lâu. Thầy đã từng là nhà đoán vận mạng riêng của rất nhiều nhân vật tên tuổi như: Cựu hoàng Bảo Đại, cựu quốc vương Sihanouk…

Một người bói toán nổi tiếng khác nữa là thầy Minh Nguyệt, một người miền Nam chính hiệu, tự quảng cáo trên báo là giáo sư Minh Nguyệt và mở văn phòng ở đường Đề Thám. Cùng với các thầy Huỳnh Liên, Khánh Sơn, thầy Minh Nguyệt là một nhà bói toán có đến hàng chục ngàn thân chủ. Văn phòng của thầy lúc nào cũng đầy nữ thân chủ, phần đông là các cô có chồng quân nhân Mỹ đã bỏ Việt Nam. Hàng chục cô trong đó mong được nâng khăn sửa túi cho giáo sư Minh Nguyệt nhưng thầy nghiêm lắm, chẳng bao giờ trăng hoa.

Còn thầy Nguyễn Văn Canh sinh quán tại Nam Định. Thầy Canh mù lòa từ thuở sơ sinh nên được gia đình cho học nghề bói toán để làm kế sinh nhai. Thuở đầu đời, thầy hành nghề tại Thái Bình, Hà Nội, rồi di cư vào Sài Gòn. Dù bị mù nhưng thầy Canh có đến mười người con, tất cả đều được sinh trưởng trong cảnh no ấm sung túc nhờ nghề của thầy. Thầy sở trường về tử vi và bói dịch, nổi tiếng như một nhà tiên tri.

Hầu hết những giai thoại trên đều không có sức thuyết phục, nhưng có một điều chắc chắn là nghề bói toán ở Sài Gòn trước năm 1975 rất thịnh hành. Thậm chí, các nhà cầm quyền thời đó còn mời cả các thầy bói lên truyền hình để tiên đoán về vận mệnh chính trị quốc gia (?!). Cuộc sống của các thầy bói này do đó cũng rất sung túc.

Mai Phong

Kỳ sau: Những "bóng hồng" trong làng bói toán Sài Gòn xưa