Nghề đánh đu với sinh mạng

Nghề đánh đu với sinh mạng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
– Nghiệp mót sắt đã và đang bắt bao con người vì miếng cơm, manh áo mà phải sống với nhiều nguy cơ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào: Mất mạng, sống kiếp người tàn phế. Dù biết trong gang tấc, may rủi, sống chết sẽ đến bất cứ lúc nào.

Chỉ cần bỏ ra 600.000 đồng là bất kỳ ai theo nghề mót sắt đã sở hữu một máy rà kim loại bán trôi nổi trên thị trường, bỏ ra 150.000 đồng là có ngay một đôi tai nghe tốt và vài chục nghìn để tậu một chiếc cuốc chim. Tất cả đồ nghề để theo "nghiệp" này chỉ có vậy! Tuy nhiên, những người theo nghiệp mót sắt muốn vào nghề bắt buộc phải sẵn sàng hai điều kiện: Một sức khỏe tốt để mặc nắng mưa và một tính liều mạng!.

Nghề kiếm bộn tiền!

Buổi trưa Tây Nguyên những ngày cuối mùa khô vẫn còn những đợt nắng chang chang. Thêm vào đó là những cơn gió mạnh và bụi mịt mù quật xuống những thửa ruộng khô khốc trên cánh đồng A'Bar (xã Trà Đa, Tp. Pleiku, Gia Lai) vừa mới thu hoạch xong. Mặc cho những làn bụi liên tục hất vào mặt, người đàn ông vẫn miệt mài kiên trì với công việc của mình. Vai ông cõng một bao tải trĩu nặng khiến cả thân mình còng xuống. Trong ấy chất đầy những mảnh bom, đạn và cả một đoạn xích xe thiết giáp dễ gần 60 kg. Tay trái của ông đang nắm chặt cần của chiếc máy dò kim loại đưa sang phải, sang trái theo từng bước chân, tay phải ông lăm lăm cây cuốc chim (là cây cuốc có hai lưỡi, một lưỡi bằng như cuốc thông thường, một lưỡi nhọn cứng để dễ dàng đào xới ở những diện tích đất khô cứng - PV) sẵn sàng xới tung cả nền đất cứng để tìm nào sắt, nào đồng cùng hằng hà sa số đồ phế thải linh tinh khác.

Sự kiện - Nghề đánh đu với sinh mạng

Anh Lê Văn Tâm rong ruổi trên cánh đồng A'Bar

Người đàn ông căng hai vành tai để tập trung hứng lấy từng âm thanh rè rè rất nhỏ phát ra từ cặp tai nghe lớn đang chụp hẳn trên đầu. Chốc chốc, người ta lại thấy ông vung cuốc chim lên đánh phầm phập vào đất, bàn tay xộc thẳng xuống chảo đất giữa cánh đồng A'Bar khô khốc, nhặt từng mảnh kim loại đưa lên miệng thổi phù phù rồi thả tọt vào bao. Người đàn ông ấy tên là Lê Văn Tâm ở xã Chư ă, TP. Pleiku, Gia Lai, một trong những người dân xứ Quảng đã dấn thân vào nghề nhặt phế liệu hay nghiệp mót rác đầy khó nhọc và hiểm nguy này.

Dựa lưng vào gốc thông ven cánh đồng A'Bar vừa nghỉ ngơi vừa kiểm tra lại chiến lợi phẩm sau hơn 3 giờ dò dẫm, đào bới, anh Tâm hào hứng khoe thu nhập: "Mấy chú chưa biết đâu, nghề này mà nhiều lúc trúng mánh là đào được vài tấn sắt chỉ trong một ngày! Mỗi kg sắt loại 1 hiện đang được mua với giá 7.000 đồng. Nếu đào được 1 tấn tôi đã có 7 triệu đồng! Như thế thì lương nào so sánh được?".

Anh Tâm cho biết: Hiện nay, các cơ sở thu mua hàng phế liệu, sắt thường được chia thành 3 loại: Sắt tốt (còn gọi là sắt loại I) có giá từ 6.500 - 7.200 đồng /kg; sắt pha thiếc tốt như tôn, lon (loại II): 4.900 5.500 đồng /kg và sắt pha kẽm chất lượng thấp (loại III): 3.200 - 4.300 đồng /kg. Như vậy, mỗi ngày chỉ cần mót (từ mà nhiều người theo nghề nhặt phế liệu hay sử dụng -PV) vài chục kg sắt là đã có bộn tiền! Ấy là chưa kể đến nhiều hôm gặp vận may, người nhặt sắt còn được trúng lớn với nhiều kim loại khác giá trị gấp 3-4 sắt như đồng, nhôm, gang...

Sự kiện - Nghề đánh đu với sinh mạng (Hình 2).

Một quả bom được phát hiện tại thôn 3 xã An Thành huyện Đăk Pơ (Gia Lai) còn lại sau chiến tranh

Không cần trải qua một khóa đào tạo nào, đồ nghề của dân mót sắt cũng rất ít tốn kém nên thu hút nhiều nguồn lao động ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cùng rủ nhau lên Tây Nguyên chỉ để tìm sắt. Chỉ cần bỏ ra khoảng 600.000 đồng là bất kỳ ai theo nghề đều đã sở hữu một máy rà kim loại bán trôi nổi trên thị trường, bỏ ra 150.000 đồng cũng đã có ngay một đôi tai nghe tốt và vài chục nghìn để tậu một chiếc cuốc chim. Tất cả đồ nghề để theo nghiệp mót sắt chỉ có vậy! Tuy nhiên, những người theo nghiệp mót sắt muốn vào nghề cần chuẩn bị hai yếu tố: Tinh thần cứng hơn thép để liều mạng và một sức khỏe tốt để mặc kệ nắng, mưa.

Đổi mạng lấy tiền!

Bất chấp ở đâu tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông hay Lâm Đồng, các tay mót sắt chỉ cần nghe được nơi nào có nguồn sắt chưa khai phá họ sẽ kéo đến và lục đục kéo nhau tản đi ngay sau khi đã nhặt nhạnh đến từng mảnh kim loại cuối cùng. Không nhà cửa, họ thuê phòng trọ và sẵn sàng quên đăng ký tạm trú, tạm vắng. Xa quê hương, họ tập hợp lại với nhau, truyền cho nhau những kinh nghiệm rà, rề, trao tay nhau những máy dò thủ công mới tậu và đặc biệt chăm chú vào những nguồn tin về sắt. Đơn giản, tất cả hoạt động của nghề mót sắt chỉ có vậy. Tuy nhiên, theo anh Tâm: "Ai đã từng dấn thân vào nghiệp này đều hiểu rằng: Sinh mạng của người theo nghề mót sắt khi đang làm việc như đang đùa với thần chết!".

Anh Tâm kể với chúng tôi về cuộc sống lang bạt mà mình đã nếm trải cùng cái nghiệp đang theo đuổi: "Từ Quảng Ngãi, tôi lên Tây Nguyên đã gần 10 năm nay. Không nghề ngỗng, không chữ nghĩa và cũng không có lấy một mảnh đất cắm dùi, tôi cũng chỉ còn biết bám víu vào công việc nhặt sắt phế liệu cho dù biết rằng: Điều không may có thể sẽ đến với mình bất kỳ lúc nào".

Không nhà cửa, không vợ con, anh Tâm chấp nhận theo cái nghề mà anh cho rằng mình sẵn sàng đổi mạng để lấy tiền trang trải cuộc sống và hậu thân. Với những người theo nghiệp mót sắt như anh, cuộc sống không được ổn định mà luôn lang bạt khắp nơi. Mỗi khi nghe thông tin ở đâu còn sắt, ở đâu có bom mìn thì anh lại lục đục lên đường tìm đến nơi đó với niềm hy vọng kiếm được thật nhiều tiền để đổi đời và quay về quê hương.

Chẳng phải đâu xa, cha anh vì theo nghề này tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã vĩnh viễn ra đi mà không giữ được trọn vẹn thi hài. Trong khi đó, nhiều bạn bè cùng nghề với anh, có người đã mất đi một phần cơ thể mình. Mới đây, anh Trung bạn cùng quê với anh cũng đã vĩnh biệt 2 chân chỉ sau một nhát cuốc tìm sắt ai ngờ lại đụng phải một quả lựu đạn khi đang lân la quanh dốc Hàm Rồng, xã Chư HDRông, TP. Pleiku (Gia Lai)!

Sự kiện - Nghề đánh đu với sinh mạng (Hình 3).

Anh Nguyễn Văn Ba thợ mót sắt ở Ea H'Leo (Đăk Lăk) đã sang tận Chư Prông (Gia Lai) để hành nghề

"Biết trách ai bây giờ, chúng tôi muốn có một công việc để kiếm tiền chi tiêu, trong khi không nghề ngỗng, không tiền của nên đành phải chịu" - anh Tâm nói trong nụ cười chát đắng. Nghiệp mót sắt đã và đang bắt bao con người vì miếng cơm, manh áo mà phải sống với nhiều nguy cơ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào: Mất mạng, sống kiếp người tàn phế. Dù biết trong gang tấc, may rủi, sống chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào nhưng gạt qua tất cả, anh Tâm chấp nhận: "Rà kim loại kiểu như tụi tôi thì ai biết được ở dưới đất có thứ gì? Gặp mìn là toi mạng! Nhưng cũng phải làm thôi, đến đâu thì đến, bỏ ngang xương thì biết làm gì bây giờ?".

Suốt ngày phải lân la ngoài nắng, gió, bất kể nơi nào: Từ ruộng khô hay đến đồi cao, khe đá, anh Nguyễn Văn Ba từ huyện Ea H'Leo (Đăk Lăk) sang đến tận huyện Chư Prông (Gia Lai) chỉ để tìm sắt phế liệu. Là một người theo nghiệp mót sắt khá gan dạ nhưng anh Nguyễn Văn Ba cũng không giấu được nỗi nghẹn lòng: "Tôi từ Đăk Lăk sang đây để kiếm thêm nhưng anh không biết thì thôi, ai đã theo nghề này thì phụ thuộc rất nhiều vào vận mệnh: May và không may. May - có tiền đem về nhà, không may - thì mất chân, mất tay hay là chết".

Cũng từ nhận định này, không phải ngẫu nhiên những người cùng nghề mót sắt như anh Ba thường chú tâm để luyện thói quen... không sợ chết với một thính giác cực kỳ nhạy bén. Mỗi khi nghe tiếng máy dò lạc điệu từ rè rè chuyển sang một tông thấp hơn thì gần như ngay lập tức họ đã biết kim loại hiện đang nằm ở dưới lòng đất nông hay sâu, nhiều hay ít? Thậm chí chỉ cần một khoảnh khắc nhỏ nhoi trong tích tắc họ cũng đã tính được bản thân mình phải vung cuốc chim lên bao lâu mới nhặt được kim loại đang chìm trong lòng đất!

Chiến tranh tuy đã qua lâu nhưng hàng nghìn, thậm chí hàng vạn tấn bom, mìn chưa kịp nổ vẫn đang còn vất vưởng đâu đó ngày qua ngày làm đổ máu của nhân dân khắp đất nước ta. Nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo, hàng chục máy dò kim loại cũ kỹ, cuốc chim trên đôi tay của những người theo nghiệp mót sắt như anh Tâm, anh Ba vẫn đang đánh đu với sinh mạng của chính mình.

Nguyễn Tâm