Ngôi đình làng thờ “Nhất gia tam kiệt”

Ngôi đình làng thờ “Nhất gia tam kiệt”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Xưa nay, đình vốn là nơi thờ tự các vị Thành Hoàng của làng. Thành Hoàng được biết đến như một vị thần có công tạo dựng, bảo vệ và trông coi một vùng đất nào đó.

Ở vùng đất Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên (nay thuộc phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), có một ngôi đình cổ nằm quay mặt ra sông Đồng Nai. Đây là nơi thờ ba vị danh tướng – anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương. Cùng người em trai và một người con trai của ông.

Thần tích tam vị tôn thần

Ngôi đình nằm giữa vùng cây trái sum suê, non nước hữu tình. Bao bọc phía sau là vành đai khu dân cư, trước mặt là con sông Đồng Nai hiền hòa chảy. Nhìn qua bờ bên kia sông là Cù Lao Phố sầm uất. Không ai nhớ rõ ngôi đình này được lập từ bao giờ. Chỉ biết từ thời xa xưa trước, đình vốn là ngôi miếu nhỏ do người dân thôn Mỹ Khánh dựng lên để thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh. Đến đầu khoảng thế kỷ XIX (1803), ngôi miếu được nhân dân sở tại xây dựng thành đền. Từ đó, cho đến nay, ngôi đền được nhiều lần trùng tu.

Xã hội - Ngôi đình làng thờ “Nhất gia tam kiệt”

Bức tượng Nguyễn Tri Phương bằng gỗ mít trong chính điện.

Năm 1873, khi Nguyễn Tri Phương mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng đã có công trong việc di dân lập ấp, mở mang lãnh thổ Đàng Trong, người dân địa phương tạc tượng Nguyễn Tri Phương và thờ ông tại đình. Kể từ đó, đình chính thức thờ ba vị tam công, là anh em, cha con trong một dòng tộc.

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Ông sinh ngày 21/7 năm Canh Thân (tức 9/9/1800), quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc, nhà nghèo nhưng nhờ ý chí tự lập, ông đã làm nên công danh rạng rỡ tổ tông.

Con đường công danh, sự nghiệp của Nguyễn Tri Phương trải qua không ít thăng trầm, qua bao lần thăng chức rồi giáng chức. Cuộc đời ông, xông pha trận mạc, chinh chiến khắp ba miền Bắc – Trung – Nam của đất nước. Ông hết thống lĩnh quân sự chống Pháp ở phía Nam, lại ngược trở ra dẹp giặc phương Bắc tới cướp nước trên đất miền Bắc.

Năm 1873, Soái phủ Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp thương nghị sự tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ. Đêm 19, rạng sáng ngày 20/11/1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội, sau khi nhận thấy bản yêu sách không uy hiếp được Nguyễn Tri Phương. Trong trận này, con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, bản thân Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khẳng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng ung dung chết về việc nghĩa”. Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi. Tấm gương quên mình vì nước của ông được nhân dân cả nước khâm phục, kính trọng. Ông được người dân tôn kính thờ tại đền Trung Liệt (Hà Nội), tại đền thờ ông tại quê nhà và tại vùng đất Biên Hòa này.

Ngoài Nguyễn Tri Phương, đình còn được thờ Nguyễn Duy là em trai, cùng Nguyễn Lâm, con trai ông. Nguyễn Duy tên tự là Nhữ Hiền (1809–1861), là một danh tướng triều Nguyễn, hy sinh trong Trận Đại đồn Chí Hòa. Năm 1860, Nguyễn Tri Phương được sung chức Gia Định quân thứ, trông coi việc quân sự ở miền Nam, ông Duy tòng sự dưới quyền của anh. Ngày 24/ 2/1861, Thủy sư đô đốc là Charner đánh phá Đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương trấn giữ. Dưới áp lực của quân Pháp, Nguyễn Duy chiến đấu và đã chết tại trận cùng với Tôn Thất Trĩ.

Phò mã Nguyễn Lâm (1844 - 1873) là con trai thứ hai của Nguyễn Tri Phương, được vua Tự Đức gả em gái là công chúa Đồng Xuân (con vua Thiệu Trị) và phong cho chức Phò mã Đô úy. Ngày 20/11/1873, ông bị tử thương khi cùng cha ra sức bảo vệ thành Hà Nội trước cuộc tấn công của quân xâm lược Pháp. Sử cũ ghi lại rằng, vào thời điểm đó, Nguyễn Lâm không có trọng trách phải giữ thành ở Hà Nội, nhưng ông đã tình nguyện dâng sớ xin đi thăm cha vì "đã lâu không được hầu cha sớm tối", rồi tình nguyện ở lại giúp việc quân. Và ông đã hy sinh khi đang cùng cha trấn giữ thành Đông Nam lúc mới 29 tuổi.

Một phần cuộc đời Nguyễn Tri Phương gắn với quá trình chống Pháp xâm lược lần thứ nhất của xứ Biên Hòa. Tài năng, đức độ, khí tiết của danh tướng Nguyễn Tri Phương vẫn mãi sống trọn vẹn trong niềm tin kính của người dân Biên Hòa. Họ tôn ông lên bậc phúc thần của làng xã. Ông trở thành một vị thành hoàng luôn che chở, bảo vệ phù trợ cho người dân nơi đây. Hàng năm, đền tổ chức lễ Kỳ yên rất long trọng. Lễ được tiến hành vào ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo.

Đất thiêng lưu dấu bước anh hùng

Tuy không phải là quê hương nhưng Biên Hòa vẫn còn lưu dấu những bước chân đánh giặc của Nguyễn Tri Phương. Tháng 2/1861, khi Gia Định thất thủ, đại bộ phận quân ta rút về lập tuyến phòng ngự ở Biên Hòa. Nguyễn Tri Phương đã củng cố trận tuyến phòng thủ và cho quân trấn giữ các nơi xung yếu. Ông cho quân đắp lũy ở Tân Hoa, Trúc Giang, Sông Ký, củng cố lũy Đông Giang, Phước Tứ và Đồng Môn. Ở pháo đài Phước Thắng và cửa Cần Giờ, ông điều quân canh giữ mặt biển. Trên sông Đồng Nai, Nguyễn Tri Phương cho đắp cản bằng đá ong để ngăn chặn tàu thuyền địch. Chỗ đắp cản quan trọng nhất là khúc sông Long Đại, độ phân nửa đường sông Nhà Bè – Biên Hòa. Hễ dưới sông có “cản” thì trên bờ có đồn lũy, bố trí đại bác. Một trong những bức tường cản còn lưu lại tới ngày nay là ở khúc sông trước đền thờ Nguyễn Tri Phương bây giờ.

Tương truyền khi Nguyễn Tri Phương rút quân về Biên Hòa, công việc phòng thủ đang gấp rút tiến hành thì triều đình có lệnh triệu hồi ông. Nhân dân Biên Hòa thương kính, tin yêu đã cản đầu ngựa, khẩn cầu ông ở lại đánh giặc cho đến cùng. Còn danh tướng Nguyễn Duy, người em của ông, khi tử trận thì thi hài tan nát, không phân biệt được. Có người nhận ra dấu áo và đai lưng của ông, bèn mang về chôn tạm tại cửa Đông thành Biên Hòa. Trước khi điều Nguyễn Tri Phương ra giữ thành Hà Nội, vua Tự Đức đã lệnh cho đích thân trông coi việc cải táng, đưa linh cữu Nguyễn Duy về Thừa Thiên an táng. Sau khi cải táng, người dân Biên Hòa đã đắp lại ngôi mộ ở chỗ cũ để thờ vọng. Ngày nay trên bàn thờ Nguyễn Duy có thờ mấy mảnh giáp trụ, chóp mũ chiến đã nám khói súng của ông.

Tôi đến đình thờ Nguyễn Tri Phương vào một buổi chiều. Con ngõ nhỏ lát gạch chạy thẳng ra sông thật bình yên và hiền hòa. Phía bên trái con ngõ là khu đình thờ Nguyễn Tri Phương rêu phong, cổ kính với lối kiến trúc hình chữ Công (I), mái lợp ngói vảy cá. Mở cửa cho tôi là người đàn ông trung niên nói ngọng, tai không nghe rõ và trí óc chậm phát triển. Ông bảo ông đã trông coi ở đây 30 năm rồi. Ông sống cùng bà mẹ già ở dãy nhà phía sau của ngôi đình. Ông chỉ cho tôi bức tượng bằng gỗ mít của danh tướng Nguyễn Tri Phương đặt trang trọng, uy nghiêm trong chính điện. Tương truyền, có lão nông ở địa phương một đêm nằm mộng thấy Nguyễn Tri Phương hiện về với áo mão lẫm liệt, vũ khí trong tay oai hùng, bèn chặt cây mít trước nhà tự tay tạc như hình trong mộng. Và đó là bức tượng thờ chính trong đình hiện nay.

Trên hương án thờ thần, sự hiện diện của bộ áo mão, tương truyền vua ban cho Nguyễn Tri Phương khi đi kinh lược cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng cột chính làm tăng thêm sự trang nghiêm nơi tôn thờ. Phía trước sân đình, họ tộc Nguyễn Tri tại TP.HCM đã dựng bia khắc ghi công trạng của ông, cùng một bức tượng lớn mới dựng vài năm gần đây.

Khí tiết một đời oanh liệt của ông đã khiến cho những người dân Biên Hòa tôn kính, suy tôn ông như một vị công thần, với niềm tin son sắt rằng chính ông góp phần làm cho quốc thái dân an, giữ gìn đất đai của dân tộc. Dẫu xương thịt đã tan vào đất, thì hồn ông vẫn hiển linh ở những nơi mà ông đã từng đặt chân tới, phù trợ cho dân chúng được bình an, xứ sở được thịnh vượng. Những bước chân anh hùng trên vùng đất thiêng, đời đời được người dân nhắc nhớ, như nước sông Đồng Nai, không bao giờ cạn, ngàn năm hát mãi khúc hùng ca.

Hương Lam


Tag: phò mã