Ngôi trường tặng thưởng cho học sinh nói dối

Ngôi trường tặng thưởng cho học sinh nói dối

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Nếu một đứa trẻ nói dối có thể khiến chúng nằm trong danh sách "trẻ hư" của ông già Noel thì nói dối lại giúp chúng có tên trong danh sách Dean, danh sách trao thưởng của một trường học ở Anh.

Nói dối được... thưởng

Học sinh tại trường Perse ở Cambridge (Anh) đều tỏ ra khá hào hứng với ý tưởng: Bất cứ học sinh vi phạm nội quy nào đều được phép dùng "lời nói dối vô hại" đưa ra lời bào chữa nhanh chóng và thông minh trong vòng 10 giây. Hiệu trưởng Ed Elliott của trường là người trực tiếp xử phạt những học sinh vi phạm nhưng một "lời nói dối vô hại" cho hành vi sai phạm đó được chấp nhận và họ sẽ thoát tội một cách dễ dàng.

Thậm chí, một lời nói dối sáng tạo còn được hiệu trưởng trao tặng một điểm A cho phản ứng nhanh nhạy đó. Nói với đài BBC, ông Elliott cho biết: "Nói dối là một bài học lớn trong cuộc đời của mỗi người. Ai cũng sẽ phải nói dối ít nhất một lần trong đời nhưng nói dối ra sao để không gây tổn thương cho người khác, không gây hại lại là một kinh nghiệm quý giá đối với bất kỳ ai".

Trao phần thưởng cho một đứa trẻ nói dối có vẻ là việc làm trái với lẽ thường nhưng ông Elliott tin rằng, ông đang đào tạo kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất cho chúng. Tâm sự với tờ Cambridge News, ông Elliott nói: "Là người đứng đầu một ngôi trường danh tiếng, tôi muốn thể hiện vai trò của mình trong việc đào tạo cho học sinh một lối tư duy nhanh, một thế hệ hiểu biết về giao tiếp bằng cách trao cho những học sinh vi phạm nội quy 10 giây nói dối để thoát khỏi hình phạt của trường. Đó là những kỹ năng thiết yếu cho thế hệ doanh nhân Anh tiếp theo và các nhà sáng tạo giàu có trong tương lai".

Theo tờ Telegraph, ngôi sao guitar David Gilmour của ban nhạc Pink Floyd cũng đã trưởng thành từ chương trình kỳ lạ này của trường. Ông Elliott đã chứng minh ý tưởng nói dối vô hại của nhà trường có thể đào tạo ra những ngôi sao sáng giá và những người thành công trên thế giới.

Xã hội - Ngôi trường tặng thưởng cho học sinh nói dối

Hiệu trưởng Ed Elliott của trường Perse chính là người đưa ý tưởng luyện tư duy bằng... “lời nói dối vô hại”.

Nói dối là kỹ năng cần thiết

Tuy nhiên, chương trình nói dối của ông Elliott cũng vấp phải một số phản đối. Có người cho rằng, ông Elliott chỉ đơn thuần đào tạo sinh viên trở thành những chính trị gia, tăng khả năng hùng biện chứ không thể áp dụng trong mọi lĩnh vực được. Nhiều phụ huynh đã lên tiếng yêu cầu nhà trường hủy bỏ ý tưởng "điên rồ" này. Theo họ, nói dối sẽ trở thành thói quen xấu, ảnh hưởng không tốt đến con em họ trong tương lai.

Đặc biệt, nhiều người còn phản ứng mạnh, cho con họ nghỉ học để phản đối ý tưởng này của hiệu trưởng. Họ đều có chung suy nghĩ, nếu nói dối được khuyến khích thì việc này đôi khi lại trở thành hệ lụy xấu dạy dỗ trẻ em sẽ trở nên vô ích, bất cứ lúc nào chúng cũng sẽ dùng những lời nói dối để biện minh cho hành động sai trái của mình.

Riêng chuyên gia hùng biện Sam Leithn lại rất thích ý tưởng của ông Elliott. Chuyên gia Leithn cho rằng, đây là một ý tưởng tuyệt vời, nói dối vô hại trong vòng 10 giây là cách nâng cao khả năng giao tiếp, đẩy mạnh kỹ năng phản ứng nhanh.

Leithn phát biểu với BBC: "Nói dối vô hại không hề xấu như nhiều người thường nghĩ. Có những lời nói dối khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mang lại niềm vui cho nhiều người. Bạn có thể thấy nói dối là một kỹ năng thực sự quan trọng, thiết thực đối với các chính trị gia. Thực tế, một số chính trị gia được trải qua bài học nói dối một cách sáng tạo thường có bước tiến rất xa, nhưng theo tôi, lời nói dối vô hại lại được những người hoạt động nghệ thuật khéo léo sử dụng, làm bước đệm giúp họ thành công trong sự nghiệp".

Đến nay, ý tưởng "lời nói dối vô hại" của trường Perse vẫn được áp dụng. Bằng những kết quả thực tế, hiệu trưởng Elliott đã chinh phục được lòng tin của những phụ huynh nghi ngờ tính hiệu quả của ý tưởng "kỳ quặc" này.

Dù "lời nói dối vô hại" chưa được công nhận là một chương trình học mang tính giáo dục nhưng học sinh trong trường đã đón nhận nồng nhiệt và được coi như một môn học giao tiếp kèm phản ứng nhanh đối với mỗi lần vi phạm của chúng.

Nói dối là một phần sự thật

"Lời nói dối trắng" hay còn gọi là "lời nói dối vô hại" được sử dụng khá nhiều ở các nước trên thế giới. Đây là lời nói dối rất nhỏ, vô hại, đôi khi mang lại lợi ích cho ai đó. "Lời nói dối trắng" còn được sử dụng để mang lại điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Nhìn chung, "lời nói dối trắng" còn ám chỉ một phần sự thật, để tránh những câu hỏi khó xử nên không thể coi đó là sự lừa dối hay là hành vi xấu trong cuộc sống.

An Mai (Theo Huffington Post)