Người bệnh “lo sốt vó” vì sợ “ma làm”?

Người bệnh “lo sốt vó” vì sợ “ma làm”?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Còn nhớ, cách đây hơn chục ngày, đoàn công tác của bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến suýt bị "ngăn sông cấm chợ" bởi con đường trục chính từ UBND xã Ba Điền dẫn vào "rốn dịch" làng Rêu đã bị người dân làng Gò Nghênh bít lối để cúng ma...

Thực tế, theo phản ánh, tiệc cúng trừ này không chỉ diễn ra ở làng Gò Nghênh mà đã diễn ra ở tất cả các thôn làng khác ở Ba Điền từ khi bệnh lạ hoành hành quái ác.

Nhiều nhà kỹ hơn, sau khi cúng làng còn cúng riêng ở nhà cho chắc ăn, thế nhưng "con ma bệnh lạ” vẫn lẩn khuất đâu đó, lâu lâu lại bắt người của làng mang đi. Thậm chí mới đây, tại trụ sở UBND xã Ba Điền, những người có uy tín nhất trong các làng còn đứng ra tổ chức cúng ma.

Lễ cúng là một con trâu 20 triệu đồng cùng nhiều sính lễ khác. "Dù biết việc cúng kính này, nhưng đó là phong tục và nhất là để người dân được thỏa mãn, nên chúng tôi cũng đành làm ngơ để các già làng thực hiện cho hết nước hết cái", một lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết.

Xã hội - Người bệnh “lo sốt vó” vì sợ “ma làm”?Người dân vùng mắc "bệnh lạ" mổ trâu cúng... ma mong sớm khỏi bệnh.

Theo những già làng ở xã Ba Điền, chưa bao giờ họ gặp một căn bệnh nào dai dẳng, quái ác như căn bệnh lần này. Chữa trị tại bệnh viện, uống thuốc, cúng ma rồi mà bệnh vẫn không khỏi. Giờ dân trong làng ai cũng hoảng sợ, không biết sống chết thế nào.

Trao đổi với báo chí, bà Đặng Thị Phượng, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết: "Việc đưa bệnh nhân đi điều trị đến nay đã thông suốt về tâm lý. Họ đã vượt qua được rào cản tâm lý. Chúng tôi đã thầm lặng làm những việc tâm linh để người dân thấy thoải mái. Khi ấy, người dân có bệnh mới tự nguyện đi điều trị. Người dân hiện nay đã hoàn toàn tin tưởng vào sự điều trị của cán bộ ngành y tế".

PGS. TS Trần Hậu Khang, giám đốc Viện da liễu Việt Nam khẳng định, "bệnh lạ" nhưng không lạ, nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị thì sẽ không nguy hiểm đến tính mạng.

Tất cả các bệnh nhân đều được phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời. Còn những bệnh nhân tử vong tiên lượng đều rất nặng và trên cơ địa đều suy kiệt miễn dịch, suy kiệt về dinh dưỡng nên tiên lượng nặng hơn. Nhất là khi người dân tộc thiểu số mắc bệnh đều tin vào yếu tố tâm linh như cúng ma, làm lễ.

Theo quan điểm của "ông già ô zôn" - TS. Nguyễn Văn Khải, từ cổ chí kim đến nay, trừ di truyền, con người có thể bị nhiễm bệnh do vi rút, vi khuẩn, bào tử... hoặc bị nhiễm độc. Điều quan trọng là phải bắt đúng bệnh. Nếu bị nhiễm độc thì phải giải độc, từ ngoài da, đường hô hấp đến hệ thống đường tiêu hóa.

Một sai lầm lớn của Bộ Y tế là cho phun Cloramin B khắp làng. Có những gia đình con nhỏ, các cháu không thể ngửi được, quấy khóc suốt ngày. Thử lấy ví dụ, nếu mỗi ngày uống một cốc nước cam sẽ rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên bắt người ta uống 10 cốc khác gì "tự vẫn".

Phun chất này dù muốn hay không đều rất độc hại, sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân. Rồi Bộ Y tế mua máy lọc máu, nhưng thử hỏi máy lọc máu tốn bao nhiêu tiền, cứu được bao nhiêu người?

Thay vào đó, sao không mua máy lọc nước sạch cho người dân vì nguồn nước cũng nằm trong diện tình nghi?.

TS Khải khẳng định lại vấn đề: "Dù nguyên nhân do đâu thì cái đầu tiên mọi người muốn vẫn là hết ngứa. Thực tế đã chứng minh dùng dung dịch Anolyt là hết ghẻ ngứa và chữa khỏi được bệnh tay chân miệng. Bộ Y tế cũng đã công nhận Anolyt chữa được ngứa ngoài da, xác nhận nó diệt được vi khuẩn, vi rút mà không để lại độc hại”.

Đức Hà