Người chế tạo pin thay xăng

Người chế tạo pin thay xăng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Tại triển lãm FC Expo 2011 tổ chức tại Tokyo Big Sight (Nhật Bản), sản phẩm pin nano của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai Khu công nghệ cao TPHCM đã gây tiếng vang vì tính độc đáo.

Độc đáo hơn các sản phẩm cùng loại

TS Nguyễn Chánh Khê cho biết, tại triển lãm, ông đã đưa ra loại vật liệu dẫn proton mới nhất thế giới đó là than nano lỏng để trực tiếp cạnh tranh với vật liệu Nafion - sản phẩm dẫn proton của công ty Dupont đang độc chiếm thị trường toàn cầu hiện nay. Công ty Dupont hiện bán 3 kg Nafion với giá 105.000 USD trong khi màng dẫn proton do TS Khê chế tạo từ than nano lỏng chỉ dao động trong mức giá khoảng 700 - 1.000 USD. Công nghệ màng dẫn proton của TS Khê được nhiều nhà đầu tư quốc tế về công nghệ cao quan tâm và đánh giá là độc đáo nhất trong triển lãm FC Expo 2011.

Vì sao độc đáo? Hiện toàn cầu chỉ có sản phẩm PEM là Nafion của Công ty Dupont. Ngày nay, Dupont sẽ đối đầu với một sản phẩm PEM mới làm từ than nano lỏng của Việt Nam với các đặc điểm rẻ hơn, tính chất điện dẫn ngang ngửa và ổn định, tính chịu nhiệt tốt hơn. Qua sự giới thiệu của tổ chức JETRO (Nhật Bản), TS Khê được gặp gỡ nhà phân phối toàn cầu AR-BROWN (Ginza).

Nhà phân phối này rất quan tâm muốn đưa các sản phẩm công nghệ thành phần của pin nano Việt Nam vào thị trường năng lượng tái tạo (renewable energy) của thế giới. ông Okada -Tổng giám đốc của AR-BROWN cứ nhắc đi nhắc lại rằng: "Tiền đang nằm ở công nghệ PEM của Việt Nam!".

Ngay tại triển lãm, AR-BROWN muốn mua sản phẩm thử để phân phối cho khách hàng dùng trước khi đi vào những đơn đặt hàng lớn đòi hỏi có sự đầu tư nhiều về thiết bị sản xuất hàng loạt. AR-BROWN cũng đang xúc tiến một quan hệ mới đó là sản xuất PEM than nano lỏng tại Đài Loan vào cuối tháng 4/2011. Đối tác Đài Loan đã gửi hợp đồng phân phối (Distribution Agreement) đến TS Khê để xem xét.

Ngay sau khi trở về từ hội chợ FC Expo 2011, TS Khê đã tìm ra một loại than nano lỏng mới và một loại polymer mới có công suất cao hơn loại PEM cũ khoảng 10 lần, phát điện nhanh hơn công thức cũ 50 lần, dễ chế tạo hơn và cũng rẻ hơn. TS Khê vui mừng cho biết, những đột phá này đã mang lại nhiều nụ cười đầy tự tin cho nhóm nghiên cứu của ông, bao gồm những kỹ sư gạo cội trong ngành điện, điện tử và tự động hóa của thành phố như các thầy Vũ Hoàng Thọ, Phạm Vĩnh Lộc, Chung Tấn Lâm - những người đã vận hành được máy khảo sát pin nhiên liệu (TEST STATION) duy nhất của Việt Nam.

Mang ý nghĩa kinh tế và cả môi trường

Theo TS Nguyễn Chánh Khê, pin nano nếu ra đời một cách thành công trên thị trường sẽ có những tác động tốt đến kinh tế và môi trường rất lớn. Nguồn pin nhiên liệu nêu trên khi tạo ra điện năng không giải phóng những chất gây ô nhiễm môi trường như các phản ứng nổ từ động cơ xăng - dầu sinh ra, mà chỉ thải ra nước hoặc hơi nước cho nên pin nano của TS Khê được xem là nguồn năng lượng sạch.

Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê đang say sưa thí nghiệm về pin nano

Pin nano hoạt động không gây ra tiếng động như các động cơ nổ đốt cháy xăng dầu thường thấy trong xe cộ có gắn động cơ, máy phát điện ở các cơ quan, nhà ở. Pin nano lại không độc hại gây ô nhiễm môi trường nhiều như bình ắc quy vốn sử dụng một lượng rất lớn của chì (Pb) và sulfuric acid. Dó đó việc ứng dụng rộng rãi công nghệ này tiết kiệm được xăng dầu và bảo vệ môi trường.

Sử dụng pin nano kinh tế hơn vì xúc tác trong pin có thể tái sinh và tuổi thọ hoạt động rất cao, có thể lên đến 5, 6 năm. Pin nano có giá thành rẻ hơn nhiều sản phẩm cùng tính năng trên thế giới. TS Khê cho biết, tại Việt Nam, pin nano là một danh xưng mới cho pin nhiên liệu (fuel cell), bên cạnh danh xưng pin thay xăng.

Với một chức năng khác, pin nhiên liệu là một loại công nghệ năng lượng tái tạo, có thể phát ra năng lượng làm chạy các phương tiện di động giống như xe cộ mà không cần dùng đến xăng dầu, cho nên còn được gọi là pin thay xăng. Pin nano nước của TS Khê chỉ sử dụng nhiên liệu là nước và phụ gia nhỏ hơn 2% hoặc nhiên liệu hydro gián tiếp do đó an toàn trong vận chuyển hơn pin nhiên liệu của hãng Toshiba (Nhật bản) do sử dụng hóa chất methanol.

TS Nguyễn Chánh Khê cho biết, dự kiến cuối tháng 8/2011 tới ông sẽ công bố và trình diễn một hệ thống pin có công suất 2.000 W đủ cung cấp điện cho một căn hộ nhỏ. Hệ thống máy phát này sẽ có bộ phận tạo khí hydro, bộ phận điều tiết khí hydro và oxy ra vào miếng PEM kép chế tạo từ than lỏng cũng như hệ thống tự động điều khiển dòng điện phát sinh ra từ cục pin kép.

Ông cũng bật mí tính khả thi của một công nghệ tạo nước uống được cho các chiến sĩ vùng đảo như đảo Trường Sa, chỉ sử dụng pin nano có cùng nguyên lý để chế tạo nước uống được từ nước biển mà không cần làm cho nước biển bốc hơi và ngưng đọng ở nhiệt độ thấp hơn.

Trần Thanh