Người con rể một đời lo giữ danh tiếng và mộ phần của bố vợ

Người con rể một đời lo giữ danh tiếng và mộ phần của bố vợ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Mến tài của bố vợ nhà văn Vũ Trọng Phụng mà ông Nghiêm Xuân Sơn luôn tìm cách gìn giữ danh tiếng và khu tưởng niệm.

Ông Sơn sưu tầm rất nhiều tư liệu quý bổ sung vào nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng tại tư gia. Phần đời còn lại, ông chạy đôn chạy đáo mong các cơ quan chức năng công nhận khu tưởng niệm "ông vua phóng sự đất Bắc" là di tích lịch sử và gắn lên 3 chữ… "cấm xâm phạm"!.

Xã hội - Người con rể một đời lo giữ danh tiếng và mộ phần của bố vợ

Khu tưởng niệm và mộ phần của cố nhà văn được gìn giữ tại tư gia

Người con rể hiếu thảo

Trong ngôi nhà tưởng niệm cố nhà văn tài hoa đoản mệnh Vũ Trọng Phụng, ông Sơn nhớ lại duyên kỳ ngộ đã gắn kết hai dòng họ Vũ (miền Bắc) với dòng họ Nghiêm (TP.Hồ Chí Minh): "Năm 18 tuổi, tôi đến thăm người bạn thân là thầy dạy kèm Vũ Mỵ Hằng. Tình cờ, tôi gặp cô học trò bé bé xinh xinh thùy mị, hiền lành ấy khiến lòng tôi xao xuyến bâng khuâng. Sau này biết Hằng là con gái nhà văn họ Vũ mà tôi yêu thích từ nhỏ, tình yêu càng lớn dần. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tôi và Hằng tham gia công tác đoàn thanh niên, cùng dạy bình dân học vụ nên càng có điều kiện hiểu nhau. Năm 1956, ra công tác, bắt đầu một cuộc sống gia đình với người mình yêu thương, tôi hạnh phúc vô cùng".

Tuy là con rể nhưng ông chưa từng một lần được gặp mặt bố vợ. Vào một ngày đông giá lạnh (năm 1939), nhà văn họ Vũ ho đến xé phổi rồi âm thầm ra đi ở một gian nhà mới thuê, trống huơ trống hoác ở 73 Ngã Tư Sở, sát nhà Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu vừa từ giã cõi trần ai. Gia đình và những người bạn văn chương cùng thời đã họp lại trong đêm trước ngày đưa tang. Mộ phần của con người tài năng mà đời viết ngắn ngủi mà tài sản để lại rất nhiều ấy được chôn cất ở nghĩa trang phía Tây Hà Nội. Mộ ông cũng như bao nấm mộ khác giữa đất trời lạnh lẽo.

Người tài thường gặp lắm tai ương. Khi còn sống cái nghèo, bệnh tật đeo bám khiến nhà văn phải chết trong bạo bệnh. Vậy mà khi về bên kia thế giới, trời đất còn trêu ngươi, mộ phần Vũ Trọng Phụng phải di chuyển nhiều lần… Cuối cùng để chăm sóc chu toàn hơn mộ phần của bố vợ, ông Sơn bàn với vợ đưa di hài cố nhà văn về nhà an táng. Một sự phá lệ làng nhưng không ai là không thông cảm cho hoàn cảnh gia đình ông. Chính quyền địa phương đồng ý, Hội Nhà văn Việt Nam ủng hộ.

Nhưng rồi, bà Hằng cũng sớm ra đi theo bố đẻ, ông Sơn một mình chăm sóc các con. Gà trống nuôi con vất vả là vậy, nhưng ông vẫn tìm mọi cách để giữ gìn danh tiếng của bố vợ, một nhà văn mà ông yêu quý từ nhỏ. Ông từ bỏ cả công việc về phía họ Nghiêm mà lẽ ra ông có trách nhiệm gánh vác để dồn tâm trí lo việc nhà vợ. Một đời, ông chỉ lo làm sao tên tuổi của nhà văn Vũ Trọng Phụng còn được người đời nhớ đến.

Xã hội - Người con rể một đời lo giữ danh tiếng và mộ phần của bố vợ (Hình 2).

Người con rể duy nhất của cố nhà văn

Xin 3 chữ... "Cấm xâm phạm"!

Chúng tôi đã đến viếng mộ phần cố nhà văn Vũ Trọng Phụng và thăm nhà tưởng niệm tại gia đình ông Nghiêm Xuân Sơn. Có được khuôn viên này, người con rể duy nhất của nhà văn đã vun đắp và sưu tầm tư liệu bằng tất cả tâm huyết, sự yêu kính của mình đối với bố vợ, một văn tài đất Bắc. Chẳng mấy ai biết được, vì quá yêu bố vợ, gia đình nhà vợ mà ông Sơn đã trễ nải việc gia đình họ Nghiêm. Vì lẽ đó, khi con cháu dòng họ Nghiêm chia tài sản đã vô tình "bỏ quên" ông Sơn. Số tiền 3-4 tỷ của hơn 10 năm về trước quả là một tài sản lớn. Ông Sơn biết chuyện, có ý kiến nên được trả phần.

Mang tiền ra Hà Nội, ông lại chăm lo cho việc mở mang diện tích đất đai nhà vợ. Ông mua thêm đất để mở rộng hơn khu đất nhà vợ, sau đó ông cắt ra 300 m2 xây khu mộ phần cho bố vợ và hai cụ thân sinh ra bà Vũ Mỵ Lương (vợ của nhà văn Vũ Trọng Phụng). Ông Sơn đã tạo dựng một phần tư gia thành một bảo tàng tư nhân thu nhỏ trưng bày hiện vật của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Lần mở những di vật về bố vợ mà ông Sơn bỗng chốc bùi ngùi. Ông tâm sự: "Gia đình tôi đã có đơn, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã có công văn gửi bộ Văn hóa và chính quyền TP.Hà Nội xin được cho khu tưởng niệm ông cụ thành Di tích Nhà nước. Chúng tôi chỉ xin chứng nhận thôi. Đất đai cùng mọi cơ sở vật chất gia đình chúng tôi xin tự lo. Cái chính là chúng tôi xin Nhà nước cho 3 chữ… Cấm xâm phạm". Ở tuổi 75, ông giãi bày: "Tôi muốn tất cả con cháu sau này không đứa nào được nhòm ngó chia chác khu linh thiêng này. Đất ở đây giờ cũng vài chục triệu một mét vuông. 300 m2 này là cả chục tỷ đồng, nếu không có ba chữ này mai sau tôi không còn nhỡ chúng chuyển ông cụ đi bán chia nhau thì sao?".

Tâm nguyện của ông Sơn là vậy, từ lâu ông đã được Hội Nhà văn ủng hộ, rồi đến chính quyền địa phương cũng ủng hộ. Công văn của Hội nhà văn Việt Nam do chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh đã ký gửi các ban ngành liên quan đề nghị tạo điều kiện để khu di tích văn hóa Vũ Trọng Phụng trở thành một địa chỉ văn hóa được vinh danh.

Tấm lòng bạn hữu

Ông Nghiêm Xuân Sơn cho PV Người đưa tin mục sở thị tư liệu độc đáo và quí hiếm. Tấm giấy khai sinh viết bằng ba thứ chữ Pháp, Hán và Việt của nhà văn Vũ Trọng Phụng từ gần 100 năm trước vẫn còn nguyên vẹn với dấu triện đồng sắc nét.

Hai tấm thẻ nhà báo, đều có ảnh nhà báo Vũ Trọng Phụng đóng đấu nổi. Bút tích của nhà văn họ Vũ, bằng bút chì đỏ, bút chì than và bút mực, thoáng đạt và rắn rỏi như mới ghi lại việc trọng đại của đời mình, nhà văn làm đám cưới với bà Vũ Mỵ Lương: "Nguyễn Tuân đi thuê ô tô ở Hàng Bông. Ngô Tất Tố và Phạm Cao Củng mừng bức trướng Hồng diệp thi thanh. Ông Nguyễn Văn Đa, chủ nhiệm báo Phụ nữ thời đàm mừng câu đối. Nhà xuất bản Mai Lĩnh in tặng 110 giấy báo hỉ và mừng câu đối: "Ngoài bể sóng vang, mây tối ngán thay đời thiết huyết /Trước vườn hoa nở, đuốc hồng vui có bạn quần thoa".

Đái Đức Tuấn mừng một bài thơ lồng trong khung kính. Hai anh em Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp mừng hai dò hoa thủy tiên. Ngọc Giao, Vũ Bằng, Phùng Bảo Thạch mừng ba chai vang Emer Pháp. Vũ Đình Liên mừng một hộp thuốc lá Lucky vv...".

"Cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng"

Sinh thời, nhà văn Vũ Trọng Phụng không phải là nhà Cách mạng, nhưng ông Nghiêm Xuân Sơn đã bỏ bao công sức đi giao lưu với các nhà văn cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Tản Đà, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao và sau này là Tố Hữu… Ông Sơn mong lấy sợi dây Cách mạng của các nhà văn cùng thời với bố vợ mình để gìn giữ những tác phẩm cố nhà văn Vũ Trọng Phụng để lại. Chẳng thế mà, sau này Tố Hữu đã từng viết: "Vũ Trọng Phụng không phải nhà Cách mạng, nhưng Cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng". Câu này đã thành lời từ, mà gia đình cố nhà văn trân trọng khắc trên mộ phần.

Minh Khánh