Người đàn ông mang

Người đàn ông mang "biệt tài" chế tác đàn dân tộc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
1
Nhiều lúc ngồi làm đàn sụn cả lưng hay bị vợ giận cả tuần vì cái tội "suốt ngày đàn sáo" nhưng niềm đam mê làm đàn và chơi đàn của ông chưa bao giờ vơi giảm.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo phải "chân lấm tay bùn", nhưng ông Cao Kỹ Kỉnh (xã Nhuế Dương, Khoái Châu, Hưng Yên) lại có mối lương duyên đặc biệt với âm nhạc. Vì có niềm đam mê lớn với các nhạc cụ truyền thống từ bé, ông đã tự mày mò và chế tạo được tất cả các loại đàn dân tộc. Tuy nhiên, phải đến khi lên Hà Nội thuê nhà làm ăn tại khu tập thể Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) thì tài làm đàn của ông Kỉnh mới được nhiều người biết đến. Những người mê đàn tìm đến ông Kỉnh bởi những nhạc cụ tự nhiên, đơn giản mà tinh tế của ông. Đến nay, chỉ cần đến khu chợ Thành Công hỏi ông Kỉnh bán cháo lòng làm đàn là ai cũng biết.

Xã hội - Người đàn ông mang 'biệt tài' chế tác đàn dân tộc

Ông Kỉnh thích nhất là chơi nhị bởi theo ông tiếng nhị có thể diễn tả được mọi niềm vui, nỗi buồn của ông

Ông chủ quán cháo lòng tài hoa

Căn nhà nhỏ vợ chồng ông Kỉnh thuê để bán hàng nằm khá sâu trong một ngõ nhỏ sát bên chợ Thành Công. Ngoài việc bán cháo lòng vào buổi sáng, vợ chồng ông còn bán thêm quần áo, trông xe, xay bột để kiếm thêm thu nhập nuôi cô con gái út học đại học. Ấn tượng đầu tiên của mọi người khi ghé vào cửa hàng nhà ông Kỉnh có lẽ là những cây đàn treo la liệt trên tường. Đàn tranh, đàn nguyệt, đàn đáy, đàn bầu, đàn tính, đàn nhị..., những cây đàn làm cho ngôi nhà chật hẹp với cơ man những thứ lỉnh kình: Bàn ghế, bát đũa, quần áo... trở nên thú vị hơn.

Điều đặc biệt, tất cả những cây đàn ấy đều là do chính ông chủ quán cháo lòng làm ra. Biệt tài làm đàn của ông khá nổi tiếng trong giới mê nhạc cụ truyền thống. Vào những ngày "nổi hứng", ông Kỉnh còn lôi đàn ra chơi cho khách đến ăn cháo nghe. Tiếng đàn của ông tuy không chuyên nghiệp, không bài bản nhưng lại chứa đựng tình cảm thật lòng của một người yêu nhạc từ tận trái tim.

Đối với ông Kỉnh, làm đàn không phải là một nghề kiếm cơm. Ông đến với đàn đơn giản chỉ vì niềm yêu thích. Niềm yêu thích ấy bắt nguồn từ người cha cũng ham mê đàn ca sáo nhị của ông. Ông nhớ lại: "Bố mẹ tôi đều là nông dân, suốt ngày tất bật với ruộng đồng. Tuy nhiên, bố tôi lại nghệ sĩ lắm, ông hay chơi đàn bầu vào buổi tối sau những ngày làm việc vất vả hoặc những đêm mất ngủ. Tôi yêu tiếng đàn từ đó và từ lúc 4-5 tuổi đã nghịch ngợm đàn bầu của bố rồi, nhiều hôm còn bị ông đánh vì cái tội không biết chơi làm đứt dây đàn".

Đến khi đi làm xa nhà, người bạn gắn bó với chàng thanh niên Cao Kỹ Kỉnh khi đó cũng lại là âm nhạc. Sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, ông Kỉnh tham gia thanh niên xung phong vào Mộc Hóa (Long An) làm công việc san lấp hố bom. Cuộc sống của một người xa quê giữa những cánh rừng đại ngàn hoang vu lại khiến ông Kỉnh tìm đến với người bạn âm nhạc của mình. Ông lấy ống tre và dây phanh xe đạp làm đàn chơi cho những người bạn cùng đội nghe; rồi những đêm buồn nhớ quê, nhớ gia đình, ông lại một mình với cây sáo nhỏ...

Đàn của ông Kỉnh được làm bằng cách thủ công nhất. Ông sử dụng các loại gỗ tự nhiên mà ông trực tiếp tìm kiếm ở nhiều miền quê khác nhau, chủ yếu là các loại vông, thông, sao, đa, vàng tâm... Chính vì sử dụng chất liệu tự nhiên như vậy nên âm thanh từ tiếng đàn của ông được rất nhiều người ưa thích. Những âm thanh mộc mạc tự nhiên mà cũng không kém phần tinh tế. Ngay cả việc sơn màu hay những chi tiết trang trí cầu kì như chạm khắc, khảm trai ông Kỉnh cũng tự làm hết, không cần một máy móc công nghiệp nào.

Ông Kỉnh hào hứng giới thiệu cho chúng tôi chiếc đàn bầu cải tiến độc quyền do chính ông sáng tạo ra. Đó là chiếc đàn bầu mà không cần bộ kích ra loa điện âm thanh của nó cũng vang xa đủ một gia đình nghe thấy. Người ta hay nói "lắng tai nghe tiếng đàn bầu", bởi nếu không có thêm thiết bị khuếch đại âm thanh thì chỉ những người ngồi thật gần mới nghe rõ được tiếng đàn. Bởi vậy, chiếc đàn bầu của ông Kỉnh thực sự là một cách tân thú vị cho loại nhạc cụ truyền thống này.

Ông Kỉnh rất tâm đắc với chiếc đàn "độc quyền" của mình: "Trước đây, mỗi lần biểu diễn hội làng, ông cụ nhà tôi thường phải cho đàn bầu vào chiếc thau để âm to hơn. Vì vậy, tôi muốn sáng tạo một chiếc đàn bầu mà khi chơi nó, người ta không cần dùng thêm thiết bị khuếch đại âm nào khác. Nhiều người đến xem và nghe thử đã rất ngạc nhiên trước chiếc đàn này của tôi". Ông Kỉnh còn dùng gáo dừa làm ra chiếc đàn gáo có âm thanh giống hệt đàn nhị.

Việc làm đàn đối với ông Kỉnh trở thành cái thú say mê mà nhiều lúc ông không dứt ra được. Tuy nhiên, làm đàn không giống như các công việc bình thường khác, ngoài việc có thời gian, có công thức thì còn phải có "cảm hứng" và theo ông Kỉnh thì cảm hứng chính là thứ quan trọng nhất. "Làm đàn cũng giống như làm nghệ thuật vậy, những lúc chợ búa ồn ào, hỗn tạp thì không thể làm được; tôi thường phải đợi tới chiều tối khi chợ tan vắng người mới có cảm hứng để đục, đẽo, lên dây. Việc lên dây là khó nhất và phải tập trung nhất nên tôi thường phải làm vào lúc đêm khuya khi mọi người đi ngủ hết. Lắm hôm đang đêm phải vùng dậy để lên dây đàn, lấy cung đàn vì lúc trước chưa vừa ý nên không ngủ được".

Xã hội - Người đàn ông mang 'biệt tài' chế tác đàn dân tộc (Hình 2).

Chiếc đàn bầu "độc quyền" (màu đen ở giữa) mà ông Kỉnh sáng tạo không cần sử dụng thiết bị khuếch đại âm thanh

Và mơ ước mở xưởng làm nhạc cụ truyền thống

Ngoài việc làm đàn, ông Cao Kỹ Kỉnh còn nổi tiếng khắp khu tập thể Thành Công bởi tài đàn ca sáo nhị. Cũng giống như việc làm được tất cả các loại đàn, ông Kỉnh có thể chơi được tất cả các loại đàn đó. Tuy không theo học trường lớp nào nhưng mỗi lần làm xong một chiếc đàn nào là ông lại mày mò học cách chơi cho bằng được chiếc đàn ấy. Ông học qua ti vi, học qua những quyển sách được tặng rồi những quyển sách cổ mà ông mua được. Ông chia sẻ loại nhạc cụ mà ông yêu thích nhất là nhị - loại nhạc cụ có âm thanh xa vẳng, mơ hồ... có thể diễn tả những tâm trạng thầm kín.

"Ngày mới lên Hà Nội tôi hay nhớ quê nên tối nào cũng lôi nhị ra kéo. Ban đầu hàng xóm ghét lắm, tiếng nhị văng vẳng giữa đêm khuya làm họ não lòng, mất ngủ. Nhưng bây giờ thì mọi người lại quen rồi, vợ thì bảo ông kéo nhị làm tôi dễ ngủ còn hàng xóm lâu lâu không thấy tôi đàn thì lại kêu nhớ...", ông Kỉnh tâm sự.

Vì làm đàn, chơi đàn nên ông Kỉnh cũng thấm cái chất nghệ sĩ lúc nào không hay. Tiếng đàn của ông được nhiều người mến mộ mời đi diễn nhưng ông chỉ thích phục vụ cho những người già; đó là những người có thể nghe, có thể hiểu và có thể đồng cảm với tiếng đàn bầu, đàn nhị của ông. Ngoài những buổi biểu diễn phục vụ cho người cao tuổi hoặc những liên hoan văn nghệ riêng về nhạc cụ truyền thống còn lại ông Kỉnh đều từ chối hết.

Ông kể: "Có lần, một chủ quán cà phê đến mời tôi chơi cho ngày khai trương của họ nhưng tôi từ chối. Thực sự, tôi không muốn đàn trước những người không hiểu được tiếng đàn của mình". Ước mơ từ lâu của ông Kỉnh là mở được một xưởng làm đàn để ông có thể truyền dạy nghề cho đời sau cũng như lưu giữ và phát huy những nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Ông chia sẻ: "Tôi thấy hiện nay, những nhạc cụ truyền thống của nước ta đang dần bị mất gốc do nhập khẩu quá nhiều từ nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam có đủ nguyên liệu, đủ tài năng để làm những nhạc cụ đó. Tôi nghĩ nếu đã là nhạc cụ truyền thống thì tự tay người Việt mình làm ra rồi để lại cho các thế hệ con cháu thì sẽ ý nghĩa hơn. Mơ ước mở xưởng làm nhạc cụ truyền thống đến với tôi từ rất lâu rồi, chỉ có điều tôi vẫn nghèo quá...".

Đinh Nhung