Người đồng đội của mẹ Suốt trên dòng Nhật Lệ

Người đồng đội của mẹ Suốt trên dòng Nhật Lệ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Khi Đài truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim ghi hình mẹ Suốt chèo thuyền đưa bộ đội qua sông từ những năm 1965, người ta thấy bên cạnh có 1 cậu thanh niên trạc tuổi 15 cũng không kém phần dũng cảm bất chấp mưa bom bão đạn.

Cậu thanh niên dũng cảm thuở đó là ông Lại Tấn Chuyên (sinh năm 1945, ngụ Tiểu khu 9, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, Quảng Bình) là đồng đội của mẹ Suốt một thời chiến tranh ác liệt.

Chân dung ông Lại Tấn Chuyên đời thường

Ký ức hào hùng

Mẹ Suốt (anh hùng lao động Nguyễn Thị Suốt) ngày ấy dù đã 60 tuổi nhưng không quản ngại nguy hiểm, đã xung phong nhận việc chèo đò đưa bộ đội sang sông Nhật Lệ. Lúc đó, ông Lại Tấn Chuyên mới 14 tuổi được tổ 3 phòng giao nhiệm vụ hỗ trợ mẹ Suốt lái đò.

Ông kể lại: "Tui to khỏe nhất trong đám thiếu niên cùng trang lứa nên được Ủy ban phân công cùng phụ chèo đò với mẹ Suốt. Lúc đó còn trẻ lắm, có biết sợ là chi mô, thấy vui nữa là đằng khác! Mọi người đều phải sinh hoạt ở dưới hầm, mình được tự do ở trên sông nước, còn ai bằng mình nữa!".

"Trên dòng sông Nhật Lệ năm ấy, hàng ngày hải quân và không lực Hoa Kỳ đua nhau bắn phá điên cuồng. Thế nhưng, tay chèo của mẹ Suốt và ông vẫn không hề ngừng nghỉ. Chúng phá thì mặc cho chúng phá. Việc tui chèo đò thì tui cứ chèo. Ai làm việc đó! Có chết thì tui chết vì nước, vì dân tộc, có gì đâu mà phải lo! Mẹ Suốt 60 tuổi còn không sợ, tui còn trẻ khỏe thì sợ gì".

Những năm tháng đó, ông chèo phách (chèo trước mũi thuyền) cùng mẹ Suốt chèo lái đã đưa hàng ngàn chuyến đò chuyên chở bộ đội, vũ khí sang sông an toàn.

Sau những năm cùng mẹ Suốt “đội mưa bom” trên dòng sông Nhật Lệ, ông lên đường vào lực lượng thanh niên xung phong khi bước sang tuổi 20, phục vụ cung đường 16 và 20 Quyết Thắng thuộc tuyến đường Trường Sơn.

Trong một lần làm nhiệm vụ, ông bị thương nặng do trúng phải đạn pháo của máy bay Mỹ. Năm đó, ông được đơn vị cho lui về tuyến sau và chuyển ra Bắc điều trị. Vết thương tạm lành, ông về công tác tại cục xăng dầu, thuộc Đoàn 559. Năm 1975, hòa bình lập lại, ông xuất ngũ và về lại với quê hương Bảo Ninh. Lúc này, mẹ Suốt đã không còn nữa.

Người anh hùng thầm lặng

Chiến tranh qua đi, người đồng hành với mẹ là ông Lại Tấn Chuyên lặng lẽ trở về với đời thường, sống một cuộc sống bình dị. "Khi đất nước cần thì tui tự nguyện ra đi. Trong chiến tranh, đã là người Việt Nam thì ai ai cũng đều như vậy cả", ông Chuyên nói.

Tượng đài mẹ Suốt bên sông Nhật Lệ

Lật lại cuốn Lịch sử đảng bộ xã Bảo Ninh xuất bản năm 2007, trong đó có đoạn viết: "Anh Lại Tấn Chuyên ở làng Trung Bính đã dũng cảm cùng mẹ Suốt chèo đò trên dòng sông Nhật Lệ để hoàn thành nhiệm vụ trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ". Đây cũng là sự ghi nhận của nhân dân Bảo Ninh cho những chiến công thầm lặng của ông.

Trong cuốn phim "Mỹ muốn chơi với lửa, Mỹ sẽ thiêu thân" do các nhà làm phim Quân đội và Nhật Bản thực hiện năm 1965 vừa được Đài Truyền hình Việt Nam công chiếu, nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong cảnh mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, bên cạnh tay chèo mẹ Suốt còn có một người thiếu niên dũng cảm giữ phách cho thuyền. Đó chính là ông Lại Tấn Chuyên.

Trên khung ảnh kỷ niệm của gia đình mình, có bức ảnh chụp ông cùng mẹ Suốt được ông xem như là một kỉ vật và đặt trang trọng ở ngay chính giữa gian nhà.

Bưng ra một chồng giấy tờ đã ngả màu vàng úa, ông Chuyên nói rằng, đó là tất cả những tài liệu xác nhận công lao của ông suốt bao nhiêu năm chiến tranh đã qua. Trong những tài liệu xác nhận đó, có những giấy tờ do chính những vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Bình ký.

Tài liệu xác nhận do đồng chí Đoàn Thị, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình viết: "Anh Lại Tấn Chuyên đã cùng tôi tham gia phục vụ chiến đấu trong Đội Ba phòng từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ (1965) ở Bảo Ninh. Trong khó khăn ác liệt, anh Chuyên đều khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, anh có mặt trên nhiều chuyến đò lịch sử đưa bộ đội sang sông Nhật Lệ mà mẹ Suốt chèo lái, anh Chuyên chèo mũi dưới mưa bom bão đạn của không quân Mỹ".

Nghiệm về cuộc đời mình, ông nói: "Tuổi trẻ tui hy sinh vì đất nước, vì dân tộc. Sau ni chết đi rồi, tui không hối hận bất cứ điều gì nữa".

Nguyên Phi Phong Hàn