Người giữ “hồn” tiếng Thái bằng đa phương tiện

Người giữ “hồn” tiếng Thái bằng đa phương tiện

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Trăn trở với nguy cơ tiếng Thái bị lãng quên, ông Cà Văn Chung, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào việc học và đọc tiếng Thái.

Sợ chim quên tiếng hót

Ở Sơn La người dân tộc Thái chiếm đa số. Bản làng người Thái xưa kia cứ tết đến người già, trẻ con quây quần hát những bài hát dân tộc. Thiếu nữ Thái vui điệu múa, lời hát giao duyên bằng dân ca Thái...

Cuộc sống thay đổi, người Thái không chỉ sống ở các bản làng, nhịp sống đô thị tiếp bước theo về. Những hình ảnh đó ngày càng ít đi. Trẻ con lớn lên ở thành phố, những khu trung tâm thị trấn, thị tứ biết nói tiếng Thái ngày một ít. Số người biết đọc và biết viết chữ Thái ở Sơn La giờ đếm trên đầu ngón tay.

Xã hội - Người giữ “hồn” tiếng Thái bằng đa phương tiện

Ông Cà Văn Chung đang sử dụng phần mềm học tiếng Thái.

Nhiều người yêu tiếng Thái, muốn học muốn biết mà không có điều kiện, cũng chẳng biết học ở đâu. Thực tế ấy làm ông Cà Văn Chung không nguôi trăn trở "làm gì để người Thái không quên tiếng mẹ đẻ?".

Ông luôn lo lắng một viễn cảnh xấu "đến một ngày người Thái không còn nhớ tiếng dân tộc mình", "không còn đọc được sử thi của người Thái đã được lưu giữ hàng trăm năm". Trăn trở thôi thúc ông và như bắt ông phải "trả nợ" người Thái vậy. Ông bắt đầu công cuộc "trả nợ" trong mong mỏi của sự thành công.

Sinh ra và lớn lên ở xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La (tỉnh Sơn La), ông may mắn là một trong số ít người ở Sơn La học hết cấp ba thời đó. Sau khi học xong cấp ba ông vẫn muốn học tiếp lên đại học, nhưng nhà nghèo không có điều kiện học lên, ông tình nguyện nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ trở về, ông học tiếp trung cấp nông nghiệp và về công tác tại bộ phận thông tin của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La (nay là Sở Khoa học và Công nghệ).

Cuộc sống kinh tế khó khăn, hàng ngày ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, ông phải bươn chải làm thêm nghề thợ ảnh, sửa chữa thiết bị điện tử... Càng tiếp xúc với nhiều người xung quanh, ông càng nhận ra một điều dù giao tiếp với chính người Thái, họ cũng đã không còn nói tiếng Thái. Trẻ con người Thái giờ cũng không biết viết, biết đọc tiếng của chính cha mẹ mình nữa.

Về làm cán bộ, niềm đam mê học tập vẫn luôn thôi thúc ông tiếp tục đi học Đại học Nông nghiệp hệ tại chức. Năm 1995 lần đầu tiên ông được biết đến máy vi tính. Một mình tự mày mò tìm hiểu cách sử dụng, ông trở thành "chuyên gia" công nghệ thông tin của cơ quan lúc nào không hay. Ông là một trong những người đầu tiên ở tỉnh Sơn La ngày đó dạy về máy tính. Và ông luôn trăn trở làm thế nào ứng dụng những công nghệ này vào việc giữ gìn văn hóa dân tộc mình.

Chính vì vậy khi tỉnh có chủ trương bảo tồn và gìn giữ tiếng Thái, ông Chung khi đó với cương vị là phó giám đốc trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn được giao chủ nhiệm đề tài khoa học nghiên cứu, xây dựng chương trình học chữ và tiếng Thái đa phương tiện. Ý định ấp ủ từ lâu và sau 5 năm trời, ước mơ học và dạy tiếng Thái đa phương tiện đã thành hiện thực.

Ông Chung chia sẻ: "Ngày tôi còn nhỏ, lời ru bằng tiếng Thái của bà, của mẹ đã cùng tôi lớn lên. Lúc đưa nôi, hay nằm trên lưng mẹ khi lên nương, từng tiếng ru dịu dàng nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Cuộc đời qua những năm chiến tranh, hòa bình, rồi kinh tế hội nhập, đời sống người dân bây giờ ngày càng phát triển. Bà con người Thái đã có cuộc sống ấm no đầy đủ hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, tôi lại phải chứng kiến cảnh ngày càng ít người còn biết đọc chữ Thái, nói tiếng Thái. Lớp trẻ hôm nay ít quan tâm đến tiếng dân tộc mình. Trẻ con Thái không biết nói tiếng dân tộc nhiều lắm chứ đừng nói đến chữ Thái. Tôi sợ là một ngày tiếng dân tộc mình sẽ không còn nữa. Giống như con chim quên tiếng hót thì người Thái sẽ quên cội nguồn con người mà không có cuội nguồn thì sẽ như thế nào, ra sao...".

Học tiếng Thái bằng cú click

Thời buổi internet cái gì người ta cũng vào mạng để hỏi. Nếu đưa được bài giảng tiếng Thái lên mạng thì ai cũng có thể tiếp cận. Nghĩ thế ông mày mò nghiên cứu các tài liệu đã từng viết về chữ và tiếng Thái của thầy Hoàng Trần Nghịch và thầy Hoàng Trọng Đinh. Từ ngày bắt tay vào làm đề tài cứ ngồi vào bàn làm việc là ông quên ăn, quên ngủ.

Nhiều hôm phải làm việc đêm khuya, ông ngủ gục trên bàn, chứng bệnh cao huyết áp hành hạ ông. Vợå ông lo lắng cho sức khỏe của chồng, bắt ông phải tắt máy tính. Một năm làm việc miệt mài thực hiện để hoàn thành chương trình dạy tiếng Thái đa phương tiện. Nhưng ít ai biết rằng ông đã lên ý tưởng và kế hoạch từ rất nhiều năm trước.

Trước khi thực hiện đề tài nghiên cứu, xây dựng chương trình học chữ và tiếng Thái đa phương tiện, ở nước ta chưa có tài liệu nào về tiếng Thái có dấu thanh và chưa phù hợp với chương trình học trên máy vi tính. Phần mềm học chữ Thái được ông Chung xây dựng dựa vào bộ tài liệu của nhóm Hoàng Trọng Đinh để chỉnh sửa, bổ sung thêm dấu thanh.

Trong quá trình xây dựng để người muốn học tiếng Thái Sơn La có thể dễ dàng học, ông đã cùng nhóm nghiên cứu phối hợp với các thành viên của mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa (VTIK) tại Sơn La để nghiên cứu, biên soạn tài liệu phù hợp với con người ở Sơn La.

"Điều khó khăn nhất khi xây dựng phần mềm này đó là vấn đề thanh điệu của tiếng Thái. Do chữ Thái cổ không có dấu thanh điệu nên người đọc nếu chưa thành thạo và tinh thông các chữ nghĩa rất dễ đọc sai và hiểu sai. Khi đọc ta phải đặt nó vào trong một văn cảnh nhất định và cụ thể thì nghĩa của từ, ngữ mới có thể chính xác", ông Chung cho biết.

Nắm bắt được nhược điểm này ông Chung đã cùng nhóm nghiên cứu đề tài cải tiến, đưa dấu thanh vào để phân biệt rạch ròi, không hiểu sai nghĩa của từ, của ngữ.

Sau hơn một năm nghiên cứu, ông cùng nhóm nghiên cứu đã biên soạn được bộ tài liệu gồm 2 tập, 70 bài. Theo cấu trúc của tài liệu, trong tập 1 gồm có 30 bài, với nội dung trọng tâm giúp người học tiếp cận với phụ âm và nguyên âm, sự kết hợp phụ âm với nguyên âm, sự phân giải và lý giải vị trí trật tự từ, âm tiết của ngôn ngữ, cách kết hợp vần điệu của tiếng Thái, chữ Thái Việt Nam và tiếng Thái ở tỉnh Sơn La.

Trong tập 2 gồm 40 bài, gồm các bài văn xuôi, trích dịch những mảng thơ ca dân gian, thơ quần chúng giúp người học hiểu cách nói của tiếng Thái. Trong phần này, ngoài giúp người học đọc, hiểu ý nghĩa của từng bài, và nghĩa từ khó, tư liệu còn đặt những câu hỏi khơi gợi trí thông minh, sáng tạo của người học giúp người học đọc thông thạo, diễn cảm, lưu loát, trôi chảy và hiểu được ý nghĩa, nội dung của bài. Riêng phần hình thức nghệ thuật (biện pháp tu từ, so sánh, ẩn dụ, nhân hóa...) của văn thơ Thái được đề cập tương đối đủ, điển hình và sâu sắc.

Với phần mềm này người học chỉ cần có một chiếc đầu đĩa hoặc máy tính cài win XP, win 7 là có thể tự học tiếng Thái. Ông chia sẻ "Tôi mong đưa được những bài học chữ và tiếng thái lên các phương lên internet để bất kỳ ai muốn học chữ và tiếng Thái có thể tiếp cận và học. Tiếng Thái nhờ vậy sẽ không bị mai một".

Đỗ Thơm- Hương Diệp